Đã đến lúc cần có nhiều hơn nữa những phân tích cũng như thừa nhận về thực tế của đời sống âm nhạc, nhất là dòng nhạc nhẹ trong một năm qua.
Các vấn đề đặt ra từ phía sáng tác, đào tạo hay biểu diễn, ca sĩ đều có những câu hỏi mà trong suốt năm 2008 vẫn chưa xác định được câu trả lời thỏa đáng.
Không hẳn là âm nhạc đang dò đường đi tìm sự chuyên nghiệp, mà đôi khi do các vấn đề đặt ra chưa được đánh giá đúng thực trạng hay do chúng ta đang “lấp liếm” đi mà tạm chấp nhận khái niệm “phát triển” một cách mơ hồ!?
Vẫn cần ý thức “tự giác”
Tại sao trên các sân khấu ca nhạc vẫn còn nhiều ca sĩ không biết hát? Tình trạng đĩa lậu vẫn tràn lan và câu chuyện bản quyền vẫn là bức xúc của giới sáng tác và những ai quan tâm tới sự phát triển của đời sống âm nhạc. Cảm giác khó chịu sẽ không tránh khỏi nếu hàng ngày, hàng giờ phải bật tivi lên xem những bạn trẻ chưa biết thế nào là ca sĩ cứ rao rêu mình như một ngôi sao….Phải chăng sự phản ứng của khán giả chưa đủ, hay chính những bạn trẻ đó không nhận thấy được khả năng của mình? Do đó, ý thức “tự giác” là quan trọng hơn cả để nhận ra khả năng thực sự của mình, không ai khác phải chính là mình biết tự định vị và phải thấy được tất cả các khuyết điểm, ưu điểm của chính mình.
Sự phát triển không phải chờ người khác mang đến, hay một cơ may nào đó từ trên trời rơi xuống mà phải có sự nỗ lực tự thân. Người sáng tác không đi vay mượn ý tưởng, còn người biểu diễn tự tạo phong cách bằng tố chất vốn có, người nghe nhạc cũng tự nâng cao để có thể loại tạp chất, biết chọn lựa dung nạp những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Tại sao các live show ít được khán giả quan tâm? Giá vé quá đắt, ca sĩ không hot?...Trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác, âm nhạc không là lựa chọn duy nhất. Vậy thì chỉ còn “ngõ cụt”? Có chăng vẫn là đòi hỏi về ý tưởng, cái mới thực sự lôi cuốn?!
Ai sẽ thay thế?
Giới trẻ hôm nay năng động, đa tài và hứa hẹn một mùa mới cho showbiz Việt nhưng qua một thời gian nhìn lại cái được quá ít, cái chưa được thì vẫn còn đó, mà đôi khi trở thành sự hiểu nhầm tai hại. Tình trạng phổ biến nhất vẫn là lấy hình thể, vũ đạo, kĩ thuật phòng thu thay cho giọng hát thật, che lấp cho những “khoảng trống” của chất giọng. Sự dễ dãi với bản thân, sự biếng nhác hát thật, và ai làm thế nào mình cứ thế ấy, không cần nỗ lực nhiều thì kết quả vẫn là sự tuột dốc nhanh chóng của tài năng. Nếu không được trau dồi, luyện tập thì giọng hát cũng mất dần nội lực, sức hút!
Đã có những cuộc bình chọn âm nhạc, cuộc thi mà những đàn anh đàn chị sẵn sang nhường sân cho đàn em - những gương mặt trẻ triển vọng. Nhưng để có sức bật cũng như một hình ảnh, phong cách đột phá thì vẫn hiếm hoi. Thiếu người dẫn đường, thiếu các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp hay thiếu “sự tự tin” vào chính thế hệ của mình, mà không ít ca sĩ trẻ đã “núp bóng” anh chị của mình để được chú ý. Đó không phải là sự sáng tạo hay tiếp nối mà chỉ là sự bắt chước thô thiển, ngày càng mất niềm tin của khán giả về những bạn trẻ hôm nay. Các bạn trẻ có thừa tự tin nhưng tài năng lại giới hạn, nếu vẫn còn ảo tưởng rằng mình có quá đủ thì các bạn khó lòng chạm tới được thành công!
Và vẫn còn đó những câu hỏi cần trả lời…
Theo Giaidieuxanh.