Họ không sáng tạo và cũng không còn hứng thú sáng tạo nhưng suốt ngày than thở không có điều kiện. Cả cuộc đời lang thang ở các quán bia, rượu và than thở. Sự than thở của họ chỉ kết thúc khi cái chết dắt họ đi.
Thoạt đầu, các bạn sẽ rất thông cảm với cái sự than thở của họ và đôi khi còn phẫn nộ cùng họ vì sự bất công mà họ phải gánh chịu. Họ luôn than thở đại loại rằng: "…Tôi không có một cơ hội nào để thực hiện những ước mơ của mình, cái nghề của tôi đòi hỏi phải có những điều kiện thật đầy đủ mới phát huy được hiệu quả”, và “tôi luôn bị đối xử bất công, những người có trách nhiệm luôn đối xử bất công với tôi, hãy cho tôi một điều kiện tôi sẽ sinh ra những tác phẩm vĩ đại cho con người...".
Lúc nào họ cũng nói những giọng điệu như vậy, và bao giờ cũng đánh thượt tiếng thở dài ngao ngán cho số phận, cho tài năng của mình bị hoài phí. Quả thực, nếu mới tiếp xúc, mới nghe kiểu nói ấy, những ai ngây thơ đều tưởng thật. Đúng là lãng phí quá đi chứ, anh ta là một nghệ sỹ, mà đã là nghệ sỹ thì phải sáng tạo, phải được tạo mọi điều kiện để sáng tạo! Thế mà một ai đó, một cái gì đó đã cướp mất những cơ hội quý báu kia của anh ta, làm sao không than thở cho được.
Thế rồi, mỗi khi có sự kiện nghệ thuật nào, hay một ai đó thành công trên lĩnh vực của họ thì kiểu nghệ sỹ luôn than thở này lại… than thở tiếp: "…Ôi dào! Cái thứ đó đâu phải nghệ thuật! Cái thứ đó là giả dối, lừa mị dân chúng. Cái thứ đó tôi đã làm từ lâu - từ rất lâu rồi. Cái thằng kia trình độ không đáng làm học trò của tôi, chỉ vì được ưu ái, được nâng đỡ…".
Và bao giờ sau những lời than thở kiểu ấy, vị nghệ sỹ đáng thương kia lại chép miệng tiếc rẻ: "...Nếu sự kiện nghệ thuật đó mà vào tay tôi thì kinh khủng lắm! Tôi sẽ biến sự kiện ấy trở nên đại hoành tráng, mang tầm cỡ thế giới, dẫn dắt những công chúng mù lòa đến ánh sáng của nghệ thuật đích thực. Với tài năng của tôi thì những sự kiện ấy sẽ khác lắm, chứ không phải èo uột và giả dối như thế…". Sự than thở của kiểu nghệ sỹ kia đã trở thành quen thuộc đến nỗi, chỉ cần thấy mặt anh ta thì các bạn nhận ra ngay. Và hình như, đó là tất cả những gì anh ta làm trong cuộc đời mình thì phải.
Có lần, một trong những vị "nghệ sỹ than thở" kia viết một bài tiểu luận, phê bình gì đó gửi để đăng báo nhưng không được sử dụng. Chưa cần biết lý do gì, anh ta liền than thở ngay: "Đấy! Biết ngay mà, trình độ của họ có hiểu những gì tôi viết đâu! Họ chỉ quen thứ gì đơn giản thôi, còn những thứ tinh túy như bài viết của tôi, họ làm sao hiểu nổi".
Vì quá tò mò xem cái bài tiểu luận phê bình kia là gì, tôi đã đến tận tòa soạn báo nọ, xin bằng được bản thảo về đọc. Hóa ra vị nghệ sỹ chuyên than thở này bàn về thơ Đường. Bài viết đó thật sự chẳng đến nỗi nào, chỉ có điều toàn bàn về những thứ cũ rích, những thứ mà người ta đã lạm bàn cả ngàn năm nay. Nói chung, bài viết như kiểu chép từ đâu đó ra mà thôi, không có gì mới. Tất nhiên, tờ báo đó không đăng.
Từ bài viết đó, tôi cứ ngỡ vị nghệ sỹ này phải hiểu về thơ cổ, thông thuộc chữ Hán, Nho… Nói chung, phải thông thạo văn bản cổ, có một sự hiểu biết sâu sắc về văn học cổ, nếu không, ít ra cũng phải biết một chút về chữ Hán mới có thể dịch và trích những áng thơ cổ ấy được. Thế nhưng thật đau lòng, khi hỏi ra mới biết, vị nghệ sỹ nọ mù tịt, không biết một chữ Hán bẻ đôi nào… nói chung, không biết gì. Thế mà trong bài viết, hết dịch nghĩa, rồi dịch thơ Đường như chơi. Đã thế còn bàn về ý nghĩa sâu xa của bản gốc những bài thơ Đường.
Thì ra là vậy, vị nghệ sỹ này quả là tinh ranh, cái mà anh ta đang bàn đến rất ít người biết, thế là anh ta vin vào đó để bịa tạc mà chẳng ai hay, nếu chỉ nhìn vào bài viết kia cứ ngỡ là một vị Hán học đang bàn luận về thơ Đường. Và khi người ta không sử dụng lại than thở ngay rằng, thời này ít ai hiểu nổi những điều sâu xa của thơ Đường!
Khi tôi hỏi vị nghệ sỹ nọ: Sao bác không biết tí gì về chữ Hán lại dịch được thơ Đường? Vị nghệ sỹ chuyên than thở kia, lúng túng đôi chút rồi đánh thượt một cái than thở tiếp: "Có gì đâu, tôi yêu thơ Đường, nên tôi cứ viết thế thôi. Mà cần gì biết chữ Hán mới dịch được thơ Đường, bản dịch nghĩa đầy rẫy ra đó, cứ chuyển thể sang thơ là xong". Hì hì… thế mới biết "nghệ" này lỏi kinh khủng! Nếu chuyển từ bản dịch nghĩa thì phải chú thích: chuyển từ bản dịch nghĩa. Đằng này, ăn gian luôn là bản dịch của mình. Ơ nhưng mà, ăn gian trong than thở ai nỡ bắt tội làm gì.
Đó mới là chuyện vặt thường thấy, những vị nghệ sỹ chuyên than thở kia còn cao tay hơn khi đổ tất cả thất bại của mình cho cuộc đời này. Có lần nghệ sỹ chuyên than thở của chúng ta còn tuyệt vọng đến nỗi, nói rằng: "…Tôi thấy cuộc đời này quá tao loạn, người ta đối xử với nhau như kẻ thù, giết nhau lúc nào không biết… Cứ nghĩ mà rùng mình. Tôi sợ hãi mỗi khi ra công sở, kinh tởm mỗi khi ra đường, tuyệt vọng mỗi khi giao tiếp… nói chung không còn gì để tin tưởng! Thế nên tôi còn sống nhưng đã tự coi mình chết từ lâu rồi. Chỉ còn cách tự coi mình đã chết mới sống nổi ở cái thời buổi bây giờ. Đôi lúc tôi muốn tự vẫn thật các vị ạ!". Kiểu than thở này làm người khác muốn rơi nước mắt! Thương quá đi thôi! Người tài thế mà lại tự coi mình đã chết thì thương quá còn gì!
Thế rồi khi nói đến tiền bạc, hay chức tước, vị nghệ sỹ than thở lại sướt mướt rằng: "Tôi… Tôi… Tôi sợ lắm! Sợ những thứ liên quan đến tiền bạc lắm! Nó biến con người ta thành quỷ dữ! Tôi đã tránh xa những thứ đó lâu rồi, dây vào nó mất hết phẩm chất nhà nho của tôi. Kinh hãi lắm!".
Thế nhưng, các bạn sẽ thất vọng ngay khi một lần chứng kiến hành động của kiểu nghệ sỹ than thở này. Nói thế thôi, than thở thế thôi, còn sự thực thì chưa bao giờ họ sợ hãi cuộc đời này cả. Họ vẫn lao vào những cuộc tranh giành quyền chức, thu vén từng đồng tiền lẻ nếu có thể. Thậm chí, đầy âm mưu trong cái đầu lúc nào cũng làm ra vẻ chán ngán cuộc đời này.
Với sự ngụy trang bằng nước mắt và chính cái bộ mặt lúc nào cũng ra vẻ chán chường ấy, những vị nghệ sỹ này có khối thứ mà bất cứ kẻ nào cũng thèm muốn: nhà cửa, chức tước, quyền lợi… tất cả những thứ đó đều của Nhà nước chu cấp, cơ chế này chu cấp, mà nói rộng ra đó là cuộc đời này dành cho. Thế nhưng cứ mở miệng là trách cứ, là phàn nàn, là than thở… Khiến cho tất cả những ai từng nghe cứ nghĩ ông ta là một thiên tài bị thiệt thòi, bị hắt hủi, bị bỏ rơi không thương tiếc thật.
Kiểu này hình như chưa có trong lịch sử của những nghệ sỹ. Nếu ông ta bặm trợn, chửi rủa, hay đay nghiến cuộc đời thì còn dễ hiểu là tay này bất mãn, tiêu cực. Đằng này không phải thế, ông ta cứ rủ rỉ, sướt mướt và than thở cho số phận mình, cho cuộc đời này, làm người khác dễ mềm lòng vì sự "yếu đuối" siêu việt kia. Và chính sự mềm lòng kia là chỗ để những nghệ sỹ chuyên than thở ấy thao túng.
Cũng vì đánh vào sự mềm lòng của người khác mà vị nghệ sỹ than thở có tất cả những gì mình cần. Từ đôi giày cho đến bộ quần áo cũng có người mềm lòng mà chu cấp, nhỏ nhặt hơn là cả đến những bữa ăn hằng ngày người ta cũng ưu ái dành cho. Chung quy ông ta được tất cả mà chẳng phải làm gì ngoài những câu than thở não nề chứa đầy sự giả dối.
Viết đến đây bỗng nhiên tôi cũng thấy mềm lòng, vì rằng kiểu người đáng thương như thế mà cũng trách cứ họ thì ác quá. Nhưng xin thưa, hóa ra chính chúng ta đang đáng thương chứ không phải họ. Vì họ chẳng phải làm gì ngoài việc ngụy trang bằng nước mắt, và cứ thế họ có tất cả, thụ hưởng tất cả những gì mà cuộc đời cho họ. Chỉ có điều họ không bao giờ mở miệng nói được một câu biết ơn, hay làm một cái gì đó thật ý nghĩa để trả cho cuộc sống này.
Cái thằng tôi đây, sống bằng việc viết lách, mà đã sống bằng việc viết lách thì phải viết như thụi, bất cứ nơi nào cần là viết ngay - viết với tất cả những gì mình có thể. Cốt chỉ để kiếm đồng tiền còm nuôi sống mình và vợ con. Đêm hôm lọ mọ, dán mắt vào màn hình mà gõ, rồi thì nhặt từng đồng tiền nhuận bút bé mọn thế mà biết ơn cuộc đời này lắm, vì còn may mắn có chỗ để kiếm tiền, nếu không chết đói chứ chẳng đùa.
Thế mà mỗi lần gặp vị nghệ sỹ chuyên than thở nọ, ông ta bao giờ cũng vỗ vai tôi vừa như thông cảm vừa như mỉa mai khinh bỉ người khác: "Tôi thấy thương những người viết kiếm sống quá! Sao cuộc đời này vất vả thế nhỉ? Nhuận bút có đáng là bao, đêm hôm cứ lọ mọ… Thương ông quá! Cuộc đời này ác quá!".
Cứ thế giả vờ thông cảm, phàn nàn giúp bạn bè, rồi lại trách cứ cuộc đời. Thương bạn thế, thông cảm với tiền nhuận bút còm thế, nhưng mỗi khi đi đâu ăn uống chẳng thấy ông ta móc hầu bao mình ra bao giờ, cứ giả vờ đút tay vào túi mà chẳng thấy rút tiền ra, chỉ cái câu xuýt xoa: Để mình thanh toán cho! Mà hình như trong túi họ có keo dính thì phải, thò tay vào mà cả tiếng đồng hồ không rút ra nổi, hì hì…
Đổ lỗi cho người khác, cho cuộc đời là cái "bài" mà những nghệ sỹ "mang gen" than thở chuyên dùng. Nếu sản phẩm nghệ thuật của ông ta không được công chúng biết đến thì lại than thở về trình độ của công chúng. Nếu quyền lợi của ông ta không được đáp ứng thì lại than thở về cơ chế của Nhà nước, của chế độ đã bỏ quên ông ta. Nhưng thực ra ông ta chẳng làm gì cả, suốt ngày chỉ ngồi đó than thở, giả vờ đau đớn trước thời cuộc để mà trục lợi cho riêng mình. Lương thì tháng nào cũng lĩnh, tất cả các chế độ của cơ quan chẳng thiếu chỗ nào nhưng vẫn than thở - chỉ than thở - cứ than thở! Và vĩnh viễn than thở cho đến lúc... nhắm mắt.
Thế mà sống rất đàng hoàng vì người đời biết thừa và chẳng nỡ đụng vào kiểu người như thế. Đến nỗi một vị lãnh đạo biết cái kiểu than thở giả vờ của ông ta nên nói: "Thôi thì bác cứ ở đây, chẳng phải làm gì, cứ lĩnh lương cho đến lúc về hưu. Nhưng chỉ xin bác một điều, đừng than thở trước mặt tôi!". Hề hề… hóa ra cách sống này rất hiệu quả, chẳng phải làm gì, cứ ngồi đó than thở và lĩnh lương sống đàng hoàng.
Cuộc đời này luôn công bằng, dành cho tất cả mọi người những cơ hội như nhau. Vấn đề là tài năng của từng người thôi. Nhưng chính những tiếng than thở của các vị, vô tình đã làm giảm đi cảm hứng cho những người nhiệt huyết với cuộc đời. Đặc biệt khi đối diện với các vị, những tiếng than thở ấy - dù biết là giả vờ - cũng làm nhiều người thấy mệt mỏi. Thôi, đừng vờ than với thở nữa!
Theo CS.