Sau khi bị bắn, nằm trong nhà xác một đêm, NSƯT Thanh Nga vẫn mang vẻ đẹp khiến người viếng thăm sững sờ. Nhân 30 năm ngày mất của bà, nhiều đồng nghiệp từng gắn bó đã kể lại kỷ niệm và chia sẻ cảm xúc.


NSƯT Kim Cương: "Thanh Nga ra đi có tình yêu tôn thờ bên cạnh"

Sáng 27/11/1978, khi được báo tin Thanh Nga và chồng bị giết tối hôm trước, tôi bất tỉnh tại chỗ. Khi hồi sức, tôi đến bệnh viện Sài Gòn nhìn mặt Thanh Nga lần cuối. Ấn tượng đầu tiên của tôi là không tin cô ấy đã bị bắn chết. Thanh Nga trong trang phục của vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga từ đêm trước, nằm đó với hình ảnh quá đẹp, trong khi người chồng Phạm Duy Lân nằm ngay sát bên cạnh da dẻ bắt đầu chuyển màu. Nét mặt Thanh Nga như người đang ngủ, da trắng hồng với màu son phấn phơn phớt, tóc xõa dài đen tuyền, quấn mượt mà hai bên.

Giờ đây khi nhớ lại tấm thảm kịch, tôi chỉ muốn nói, Thanh Nga đã sống trọn vẹn từng giây phút và ra đi trọn vẹn với hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ. Mọi người đều nhớ về Thanh Nga. Đứa con cô ấy bảo vệ được sống và Thanh Nga chết bên cạnh người chồng rất mực yêu thương, tôn thờ Nga.

20081124 11 19 04 0
NSƯT Thanh Nga mang thần sắc khiến những ai từng tiếp xúc với bà đều khó mà quên được. 28 năm đứng trên sân khấu, 36 tuổi đời, nghệ sĩ Thanh Nga đã tham gia 230 vở cải lương cùng nhiều tác phẩm điện ảnh. Có những vở cải lương mà bà để lại dấu ấn đến nỗi thế hệ sau dù cố gắng cũng không thể nào thay thế được bà. Ảnh tư liệu.

Dù trải qua nhiều mối tình và các cuộc hôn nhân không toại nguyện, tôi nghĩ cuối cùng Nga đã gặp được người đàn ông của đời mình, đó là anh Phạm Duy Lân. Hầu như anh Lân tháp tùng bên cạnh vợ 24/24 h. Thậm chí, mỗi lần Thanh Nga tắm, anh ấy cứ đứng trước cửa nhà tắm chầu chực sẵn. Là bạn bè thân, chúng tôi thường trêu: "Ông cứ đi đi, Thanh Nga nó ở trong nhà tắm thì ai mà bắt cóc được". Anh Lân chỉ lặng lẽ nói: "Đứng đây để tiện có gì Nga kêu còn nghe, chứ đi xa lỡ có việc gì Nga kêu không nghe". Tôi chưa thấy người đàn ông nào thương yêu vợ mình như chồng Thanh Nga.

Như có một định mệnh đã gắn chặt đời tôi với Thanh Nga. Hai chúng tôi đều là người phụ nữ của công chúng và vì đam mê sân khấu, chúng tôi hy sinh rất nhiều chuyện đời riêng. Đến gần 30 tuổi Thanh Nga mới thực sự có một gia đình êm ấm, còn tôi thì quá 30 tuổi mới yên bề gia thất.

Sau khi có gia đình, với một nữ diễn viên thì có con là một hy sinh rất lớn nhưng cả tôi và Thanh Nga chấp nhận tạm xa sân khấu để được làm mẹ. Thanh Nga sinh con trai, tôi đến bệnh viện thăm và cho hay là 6 tháng sau tôi cũng sẽ sinh. Khi ấy hai đứa ôm nhau nói vui nếu tôi sinh con gái thì sẽ kết thông gia. Tôi đùa, tôi vốn vai chị của Thanh Nga không lẽ sau này tôi phải kêu Nga là chị sui.

Năm 1976, khi bé Toro con tôi bị bắt cóc, Nga đến ôm tôi khóc nức nở và an ủi: "Chị bình tĩnh đi. Mình ăn ở hiền lành như vầy thì con sẽ bình yên trở về". Và sau đó, tôi đã chuộc được con về lành lặn.

Mỗi lần nghĩ đến tấn thảm kịch Thanh Nga, tôi cứ nghĩ rằng mình vẫn còn một chút may. Ngày ấy con tôi bị bắt cóc ngay tại trường học nên bọn cướp không thể thấy được cảm xúc và phản ứng của tôi. Chúng thừa biết rằng bắt một đứa con trước mặt một người mẹ thì chẳng khác nào muốn giết người mẹ ấy. Thanh Nga đã chứng kiến cảnh con mình sắp sửa bị bắt đi và Thanh Nga chấp nhận chết cho con được sống. Đó là người phụ nữ yêu thương với tất cả trái tim của mình.

Diễn viên cải lương Xuân Lan: "Mãi mãi tôi không quên được cốt cách người nghệ sĩ lớn"

Tôi là thế hệ đàn em của Thanh Nga. Ngày ấy, tôi được rất nhiều đoàn cải lương chèo kéo về làm diễn viên. Nhưng chỉ vì một lần xem Thanh Nga diễn vai Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh mà tôi quyết bỏ tất cả để về đầu quân cho đoàn Thanh Nga.

Tôi bị hấp dẫn hoàn toàn bởi vẻ đẹp, phong cách và tính tình của chị ấy cả ngoài đời lẫn trên sân khấu. Khi Thanh Nga diễn, dường như có sức mạnh nội tâm tỏa ra từ chị. Đau buồn hay vui sướng chị ấy đều không gào thét mà diễn rất lặng, sâu.

Tôi có nhiều kỷ niệm trong 3 năm cuối đời của chị. Đó là một giai đoạn hết sức đặc biệt của sân khấu miền Nam. Chúng tôi diễn mà nơm nớp vì hay bị bạo động. Một lần đang hát tại sân khấu đoàn Việt Nam - Minh Vương thì có người ném lựu đạn cay lên sân khấu. Diễn viên mạnh ai nấy chạy thoát thân, tôi cũng chạy. Cùng lúc đó tôi nghe Thanh Nga hét kêu người ẵm một bác diễn viên trong đoàn bị yếu chân.

Một lần khác, ở rạp Lao Động, chúng tôi lại bị ném lựu đạn khiến hai nhạc công chết tại chỗ. Thanh Nga bị thương sau lưng, máu chảy ướt đẫm chiếc áo dài đang mặc. Anh Lân chồng chị phải ẵm xốc chị chạy thẳng xuống mấy tầng hầm ở rạp Lao Động để thoát ra ngoài. Còn tôi bị thương sau đầu, chết đến nơi mà còn sợ rớt mất cặp lông mi đạo cụ. Sau đó, chúng tôi nằm viện, Thanh Nga được khán giả hâm mộ tới tấp gửi quà bánh. Chị ấy mang chia đều cho các anh em cùng nằm viện mà không giữ gì lại cho riêng mình.

Tôi còn nhớ câu cuối cùng mà tôi hỏi chị trong quá trình vở Thái hậu Dương Vân Nga đang ăn khách là sao chị không sắp xếp thời gian để đài truyền hình quay phim, chụp ảnh vở này như họ đã yêu cầu. Lúc đó chúng tôi đang diễn suất thứ 108, chị nói, để diễn trên sân khấu cho khán giả xem trước đã. Nhưng mọi dự định không kịp thực hiện vì phát súng oan nghiệt khiến vợ chồng chị ra đi mãi mãi.

Trải qua thăng trầm của người nghệ sĩ cải lương, với tôi NSƯT Thanh Nga là hình bóng không thể nào quên...

20081124 11 19 06 1
NSƯT Thanh Nga bên ông Phạm Duy Lân, người chồng hết mực yêu thương bà đến tận hơi thở cuối cùng. Ảnh tư liệu.

Đạo diễn - soạn giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM: "Thanh Nga đã lên bàn thờ tổ của sân khấu miền Nam"

Còn nhớ năm 12 tuổi, tôi đi xem cải lương ở sân khấu của Trung tâm văn hóa tỉnh Quy Nhơn. Lúc đó tôi bị chấn động khi xem Thanh Nga diễn vai Sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới. Tôi không ngờ rằng sân khấu lại có thể mang đến cho người ta cảm xúc dữ dội và mãnh liệt như thế. Tôi thương nhân vật mà Thanh Nga diễn đến độ bị ám ảnh mãi.

Sau này tôi theo nghề sân khấu. Đến năm 1976, tôi viết vở Sau ngày cưới cốt cho Thanh Nga diễn chỉ vì muốn đền bù cho nhân vật chưa bao giờ được cưới của ngày ấy. Trong Sau ngày cưới, Thanh Nga đóng rất đạt vai người mẹ hoạt động cách mạng. Khi vở công diễn, Thanh Nga liên tục nhận được thư đe dọa gửi về nhà. Thanh Nga có đưa một trong những lá thư ấy cho tôi và dì Năm là má Thanh Nga xem. Thư đe dọa với những lời lẽ nặng nề, muốn buộc Thanh Nga không được tiếp tục diễn vai bà mẹ cũng như không được làm diễn viên nữa. Nhưng những lá thư đó hoàn toàn không làm nao núng được Thanh Nga.

Từ những lá thư nặc danh ngày ấy, tôi đã dự cảm điều gì đó về sự mong manh trong cuộc đời Thanh Nga. Và như định mệnh, Thanh Nga đã ra đi như chị từng nói: "Nếu chết thì tôi sẵn sàng chết trên sân khấu".

Mỗi lần tôi lạy bàn thờ tổ, thật sự tôi cảm thấy như Thanh Nga đã được lên bàn thờ tổ cùng những vị như bác soạn giả Năm Châu, soạn giả Trần Hữu Trang. Kỷ niệm 30 năm ngày mất người nghệ sĩ tài hoa này, Hữu Châu - Hà Linh là con cháu đã làm được một ngày giỗ đong đầy cảm xúc. Đó là một điều đáng quý.

20081124 11 19 08 2
Thanh Nga bên cạnh mẹ, bà bầu Thơ. Ảnh tư liệu.

NSƯT Bạch Tuyết: "Một người chị không thể nào quên"

Còn nhớ ngày xưa, khi tôi là học sinh, thường theo đám bạn đi xem Thanh Nga diễn, xem xong còn đứng chờ để xin chữ ký. Có lần Thanh Nga thấy tôi đứng trong đám đông thì tiến đến nựng nịu cằm tôi và hỏi: "Em có hát được không?". Tôi trả lời lí nhí là chỉ hát được thanh nhạc còn cải lương thì chưa thử sức. Chị ấy bảo: "Em đi hát đi. Khuôn mặt em lên sân khấu sau này sẽ rất nổi tiếng!".

Vì lời nói ấy của Thanh Nga, sau này tôi đã đi theo nghiệp diễn. Không ngờ là 20 năm sau, tôi lại được đứng trên sân khấu cùng thần tượng của mình. Điều tôi phải thú nhận là tôi từng bắt chước Thanh Nga trong cách hát vì tôi quá thần tượng chị. Thậm chí, khi đã là diễn viên, tôi vẫn xem Thanh Nga là điều gì đó lung linh. Khi cùng đứng trên sân khấu, tôi nhìn theo chị để diễn. Còn khi xong màn của mình, tôi chui vào cánh gà làm khán giả say sưa nghe chị hát.

Thanh Nga có một thần sắc khiến cho những người gần gũi với chị cảm thấy chị rất đáng yêu, đáng khâm phục. Nếu tôi từng thành công với nhiều vai diễn thì đó là nhờ có chị bên cạnh dìu dắt, chỉ bảo. Đó là một người chị mà tôi không thể nào quên.

Minh Anh
Theo VnExpress



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC