Ông đại tá công an được gọi là "vua đồ gốm"Hơn 20 năm sưu tầm đồ cổ bao gồm gốm Bát Tràng, nội thất thời Pháp, đến nay, đại tá công an Vũ Tấn đã có "gia sản" lên tới hơn 1500 hiện vật.

Ông từng “lên đồng” khi tậu nhà bày đồ cổ, nhưng chính hành động ấy mà ông lưu giữ được cho lớp hậu sinh những hiện vật này. Tháng 10 tới, công chúng thủ đô sẽ sải chân trên diện tích 1000 m2 tại bảo tàng Hà Nội trưng bày gần 1000 hiện vật của ông để chào mừng Đại lễ 1000 năm.

“Vua” gốm Bát Tràng

Từ khi còn là sinh viên đại học, ông đã rất thích sưu tầm đồ cổ, đặc biệt là đồ gốm Bát Tràng. Sau này khi sang Liên Xô học ngành vật lý, Vũ Tấn đã hình thành một ý thức “cóp nhặt lịch sử” bằng phương pháp sưu tầm. Hiện nay, trong ngôi nhà 3 tầng tọa lạc trong ngõ 132 trên phố Trung Kính (Cầu Giấy), gia tài hơn 20 năm sưu tầm của ông là 1500 hiện vật bao gồm chủ yếu là gốm Bát Tràng (800 hiện vật) và hiện vật thời Pháp.

Ở Việt Nam có 2 dòng gốm chính là Bát Tràng và Chu Đậu thì ông có đầy đủ sưu tập từ bình, chóe, liễn, bát... đến những đồ vật hiếm như rồng bằng gốm, vịt gốm...

Trong cuộc đời sưu tầm của mình, Vũ Tấn vẫn tự hào khi trong nhà có một con rồng nguồn gốc từ gốm Cây Mai được làm ở khu vực ven sông Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh. Con rồng có chiều dài 2 m, thân màu xanh có hoa văn rất tinh xảo. Con rồng này dùng để trang trí ngoại thất cho những ngôi nhà mái ngói. Ở miền Nam, dân thường có thú chơi là đặt hai con rồng trên mái nhà biểu thị sự uy nghiêm của gia chủ. Mặc dù tuổi thọ chỉ hơn một thế kỷ nhưng rồng Cây Mai góp phần làm phong phú bộ sưu tập rồng thời Lý, thời Lê của ông. 

Ông muốn chứng minh một điều là gốm của người Việt có đẳng cấp rất cao. Ông bảo, từ trước đến nay chúng ta không nhìn nhận điều đó hoặc cố tính không nhận ra.

“Tôi đi triển lãm, người xem chỉ chỏ bình luận một hiện vật rất Việt Nam, có ghi rõ xuất xứ nhưng họ lại cho rằng chuyên gia nước ngoài sang dạy người Việt sản xuất. Họ ngây thơ cho rằng người Việt không đủ trí lực và tài năng làm nên hiện vật đó” – ông Tấn phân tích.

Ông nhận thấy dòng gốm Trung Quốc không bị cùn mòn theo năm tháng vì họ có cách truyền dạy bí quyết gia truyền. Người Việt dạy trò bằng truyền khẩu chứ không bằng sách vở nên qua thời gian, lớp hậu sinh cứ nhớ nhớ - quên quên, bí quyết nghề bị “tam sao thất bản” từ đời này sang đời khác.

Một nguyên nhân nữa, ông dẫn ra là chúng ta có một thời kỳ không khuyến khích sản xuất tư nhân, tất cả vào hợp tác xã thì tự nhiên nghề làm gốm mai một ngay trong chính gia đình nghệ nhân. Khi cơ chế được cởi nút, thì những người có tâm huyết đã chuyển nghề hoặc khuất núi nên những kinh nghiệm không kịp truyền dạy cho con cháu.

Phục dựng không gian sống người Pháp

Ông Tấn nhận xét, Hà Nội có gần 1000 biệt thự cổ thời Pháp nhưng hầu hết chỉ còn cái vỏ ngoài. Nội thất trang trí bên trong những ngôi nhà ấy chẳng Việt và cũng chẳng... Tây!

Ông đại tá công an được gọi là
Đầu rồng thời Lý ông Tấn đang sở hữu là một trong những hiện vật trong bộ sưu tập gần 10 hiện vật rồng.

Một thời gian dài chúng ta hiểu chưa đúng về tàn dư "thực dân" nên những đồ vật của người Pháp để lại bị đem ra chợ bán như những món hàng tiêu dùng hàng ngày. Chính vì lý do đó mà hiện tại, Hà Nội chỉ còn giữ lại bộ khung nhà, còn đồ nội thất bị xé lẻ và thất lạc.

Hiện tại, trong hơn 1500 hiện vật, ông Vũ Tấn có gần như trọn vẹn một bộ nội thất thời Pháp bao gồm bàn ghế, tủ, kệ, ấm chén, hệ thống chiếu sáng, đồ thờ, quạt điện, đèn dầu, móc treo quần áo…

Ông đang thực hiện một dự án phục dựng lại không gian sống người Pháp ngay tại bảo tàng Hà Nội vào thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2010.

Nói về mục đích của dự án, ông Vũ Tấn chia sẻ: “Nước ta phải chịu nô lệ gần trăm năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhưng người dân Pháp lại rất ôn hòa. Chính họ đã đưa lối sống hiện đại vào nước ta. Một thời kỳ chỉ kéo dài gần một thế kỷ nhưng 10% ký ức rất quan trọng trong mạch 1000 năm”.

Thông qua dự án này, ông cũng mong muốn công chúng hãy coi những đồ vật của quá khứ, dù là quá khứ đau buồn là một phần của lịch sử.

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC