Phim nhà nước không phát hành cũng chả sao? "Liệu các hãng phim có cam kết với Nhà nước về hiệu quả phát hành? Và liệu có ông đạo diễn nào đi tù, có ông giám đốc nào từ chức nếu bộ phim làm xong xếp kho, chả chiếu được buổi nào?", ĐD Bùi Tuấn Dũng.

 Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 kết thúc trong buồn tẻ, nhưng vẫn để lại vài tia hy vọng. Bộ phim Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (một trong hai phim đoạt giải Bông sen vàng ở thể loại phim truyện nhựa tại liên hoan phim) đã có vài suất chiếu trước đó – dù có tính nội bộ – thành công, được giới chuyên môn và báo chí khen ngợi. Thế nhưng, con đường để một phim nhà nước đến với khán giả theo hệ thống phát hành thông thường e còn dài.

“Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để có buổi chiếu tại TP.HCM, nơi mà thị phần điện ảnh chiếm tới 70% cả nước. Tuy phim nhà nước sản xuất, nhưng với những cảnh hành động chiến tranh, những pha hài hước gây cười suốt phim, tôi nghĩ nó cũng đáp ứng một phần bởi tính giải trí cao và hoàn toàn có thể đưa một hãng phim nhà nước bước chân vào thị trường điện ảnh, mà lâu nay vẫn bị coi là khách mời xa lạ”, Bùi Tuấn Dũng chia sẻ.

Phim nhà nước không phát hành cũng chả sao?_0

ĐD Bùi Tuấn Dũng (trái) cùng hai diễn viên chính của "Những người viết huyền thoại" sau khi nhận giải Bông sen vàng và Nam - Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP VN 18 hôm 16/10.

Vậy thì đến nay, anh đã nhận được tín hiệu nào từ nhà sản xuất về việc phát hành chưa?

Nhà sản xuất chính là hãng Phim truyện Việt Nam, nơi tôi làm việc. Thực ra, theo thông lệ từ xưa, sau khi sản xuất xong, hãng thường tổ chức buổi chiếu mời các đơn vị phát hành xem sản phẩm của mình. Tuy nhiên, tôi chưa thấy hãng có ý định tổ chức chiếu.

Còn nhớ Đường thư, Vũ điệu tử thần của anh khá hay, nhưng lại “chết oan” vì phát hành yếu. Theo anh tại sao phim kinh phí nhà nước thường hay gặp khó khăn trong việc tìm đường phát hành?

Đơn giản là vấn đề sở hữu. Phim tư nhân tự bỏ tiền sản xuất, nếu không phát hành được thì phá sản. Phim nhà nước, nếu không phát hành cũng chả sao. Chính vì vậy mà một thời gian rất dài, tôi không làm phim nhựa mà chuyển qua làm phim truyền hình. Vấn đề ở đây là nhà sản xuất và phát hành thường không tìm được điểm chung. Nói cách khác, nhà sản xuất không cần quan tâm lý do khán giả bỏ tiền mua vé xem phim và đôi khi, sự thiếu trách nhiệm khiến họ bỏ mất cả cơ hội hợp tác để đưa phim ra rạp.

Ví dụ như Vũ điệu tử thần, lúc đó hai lãnh đạo của Galaxy đã sang xem bản nháp, đồng ý tài trợ âm thanh chuẩn cho phim, rồi họ không cộng tác được chỉ vì thái độ. Tôi nghĩ, nếu các hãng nhà nước không thay đổi cơ chế phát hành, thì phim làm ra rồi cũng chả biết để làm gì!

Hệ thống rạp nhà nước và các đội chiếu bóng lưu động cũng không ít, sao họ không vào cuộc ngay từ đầu, hoặc ít nhất từ vòng chiếu thứ hai?

Các rạp chiếu nhà nước hiện tại đã kinh doanh độc lập, họ không còn trách nhiệm phải chiếu phim nhà nước. Phim của tôi làm hai định dạng là DCP và bản nhựa 5.1, nếu chiếu lưu động bằng một loa mono chắc sẽ mất hết hiệu quả. Giờ thì phải quên đi điều kỳ vọng ngớ ngẩn trên. Có phim mà không chào bán cho một hãng phát hành, phim tốt cỡ nào cũng không bao giờ tới được khán giả.

Do quá tự tin hay do chưa có thói quen mà ngay từ khi dự toán kinh phí đầu tư, phim nhà nước đã quên mất khoản chi cho truyền thông, phát hành?

Thực ra trong dự toán cũng có một khoản nhỏ cho poster, trailer, như phim của tôi là... 10 triệu đồng (cười). Nhưng tôi nghĩ, nếu Nhà nước đưa chi phí truyền thông quảng cáo vào dự toán, Nhà nước sẽ có quyền đòi hỏi phải có kết quả phát hành, liệu các hãng phim có cam kết với Nhà nước về hiệu quả phát hành? Và liệu có ông đạo diễn nào đi tù, có ông giám đốc nào từ chức nếu bộ phim làm xong xếp kho, chả chiếu được buổi nào? Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải từ Nhà nước, bộ Văn hoá – thể thao và du lịch hay cục Điện ảnh, vấn đề là ở hệ thống sản xuất và phát hành phim, ở chính chúng ta – những người trực tiếp sản xuất phim. Hãy tự bỏ tiền phát hành, quảng cáo rồi tự thu hồi vốn, kiếm lời mà sống nếu dự án phát hành khả thi.

Thực sự là năng lực phát hành và quan hệ với các hãng phát hành của các hãng nhà nước kém. Theo tôi, các hãng phim nhà nước có nhiều cơ hội để tồn tại và phát triển hơn tư nhân rất nhiều. Có cơ sở hạ tầng, có thiết bị máy móc, có một tập thể văn nghệ sĩ, kỹ thuật viên với bề dày kinh nghiệm, giờ chỉ cần năng động phối hợp làm phim ngoài, đồng thời thực hiện tốt những dự án Nhà nước giao sao cho sát với thị hiếu thị trường. Không biến khoản đầu tư thành một sản phẩm vô trách nhiệm, chắc chắn các hãng phim nhà nước sẽ tìm thấy câu trả lời cho chỗ đứng của mình trong thị trường điện ảnh đang dần hoàn thiện và chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Theo  SGTT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC