Phim VN từng để lại niềm tự hào và những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, đặc biệt là những phim phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Nhưng, khi phim ảnh bước vào guồng quay thị trường và khán giả đã được hưởng thụ nhanh nhất những tác phẩm điện ảnh (ĐA) của thế giới thì ĐA VN đang phải chịu nhiều áp lực. Vì thế, tạo ra sức hút cho phim Việt đang là nỗi trăn trở của tất cả những người làm phim.
Sức mở của thị trường phim Việt
Khi sản xuất phim không còn là độc quyền của các hãng phim Nhà nước, chính sách phát triển ĐA đã mở rộng cơ chế xã hội hóa và đặc biệt, khi Luật ĐA được ban hành thì theo ông Lê Ngọc Minh – Phó cục trưởng Cục ĐA, "việc khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cao nhất cho những mục tiêu đột phá về sáng tác và quảng bá phim đã thành hiện thực. Chính những mục tiêu đột phá này sẽ kéo con tàu ĐA đi vào con đường khám phá”.
Thực tế, những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tham gia vào thị trường phim ảnh, mở ra cho phim Việt nhiều thể loại và kéo được khán giả quay lại rạp. Bà Đinh Thanh Hương - Giám đốc sản xuất và phát hành hãng Thiên Ngân - một trong những đơn vị đầu tư khá mạnh và thành công hiện nay, cho biết: "Hãng là đơn vị nhập phim độc quyền của hai hãng Sony Entertainment và Warner Bros Entertainment. Lợi nhuận thu được, chúng tôi làm phim Việt và phát triển những cụm rạp chiếu phim hiện đại trong cả nước. Mục đích mà Thiên Ngân đầu tư và hướng tới là làm phim thu hút khán giả đến xem đông nhất. Hiện nay phim Việt khi ra rạp có doanh thu cao chỉ là mùa phim Tết và nếu chỉ có thế thì bao giờ phim VN mới phát triển? Vì thế chúng tôi đang muốn mở thêm thị trường phim ngoài Tết".
Nhờ rộng đường đầu tư, các nhà đầu tư và nghệ sĩ VN được đào tạo và sống ở nước ngoài cũng đang khởi động nhiều dự án làm phim trong nước. Công bằng mà nói, lượng phim này chưa nhiều nhưng cũng tạo được một sức hút mới với nhiều thể loại phim. Đạo diễn Việt kiều Victor Vũ đã rất thành công trong phim Chuyện tình xa xứ. Đây là phim được giải khán giả yêu thích nhất tại lễ trao giải Cánh diều vàng vào tháng 3/2009. Anh bày tỏ: "Tôi muốn thực hiện phim Việt cho khán giả Việt. Đối với tôi, thể loại phim không quan trọng, quan trọng là nội dung hay. Phim Chuyện tình xa xứ đạt doanh thu khá cũng mang lại cảm hứng để tôi tiếp tục làm phim ở VN. Lợi thế của phim Việt hiện nay là đội ngũ diễn viên Việt rất nhiều người có tài, nếu có kịch bản tốt, diễn viên sẽ có đất diễn".
Một khi đã thấy được sự phát triển của ĐA có lối mở thì các nhà đầu tư luôn sẵn sàng, không chỉ làm phim mà còn là phát triển rạp, hệ thống phát hành và quảng bá phim Việt.
Thay đổi từ nhận thức của các nhà làm phim trong nước
Hiện nay, việc Nhà nước cắt bớt tài trợ cho các dự án làm phim cũng thúc đẩy các hãng phim Nhà nước phải tính toán lại, các nghệ sĩ cũng bắt đầu có những thay đổi trong nhận thức làm phim của mình: hãng chỉ lo làm phim, việc phát hành là của một cơ quan khác. Chính sự tách rời và không ai chịu trách nhiệm nên phim chiếu ra rạp không có khán giả đã khiến lãng phí nhiều phim bạc tỷ, hoặc những phim được đánh giá là phim hay sau khi dự giải ở các liên hoan phim quốc tế là bị bỏ xó.
Thị trường phim mở ra, diễn viên có nhiều cơ hội làm việc cho các hãng tư nhân. Ở đó, doanh thu là cơ sở để các hãng quyết định việc có mời diễn viên nào đó tiếp tục làm phim tiếp theo hay không đã khiến quan điểm làm phim của các diễn viên có những thay đổi. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cũng là một nhà biên kịch với những kịch bản được giải thưởng cho rằng: "Nếu ta cứ phân biệt phim nghệ thuật và phim giải trí là trật. Đã là phim nghệ thuật thì đương nhiên tính giải trí phải cao".
Sẽ là thiếu công bằng nếu hai giải ĐA lớn là Liên hoan phim quốc gia bốn năm một lần và giải Cánh diều vàng của Hội ĐA không mấy khác nhau về tiêu chí chấm giải. Giải quốc gia nhằm tôn vinh những phim có giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn lớn là hợp lý, nhưng giải của Hội cũng lấy tiêu chí kiểu đó là không ổn. Giải của Hội nên chăng là một giải để tôn vinh những tác phẩm dám bứt phá, được công chúng đón nhận; là một giải để hướng phim Việt đến gần với khán giả hơn và ủng hộ những nghệ sĩ dám sáng tạo. Bởi, đã là phim thì không thể không có khán giả. Theo đạo diễn - NSND Huy Thành, khán giả có quyền lựa chọn phim theo sở thích của mình. Mục đích hiện nay là phải bán được vé, có đông khán giả đến rạp. Ông nói: "Tôi hy vọng thế hệ trẻ nhanh chóng tìm ra hướng đi thiết thực trong việc xây dựng bộ phim vừa đạt yêu cầu về nghệ thuật, nhưng đích đến là phải có người xem".Chính nhờ sự hội nhập mà các nghệ sĩ trẻ gần đây đã có nhiều phong cách làm phim khác lạ, thu hút khán giả hơn. Đạo diễn Lê Hoàng, một người có cơ hội được làm nhiều phim từ thời bao cấp đến nay rất tự tin khi nói: "Phim hay thì chả cần tiếp thị, phim dở thì tiếp thị cũng chả có khán giả xem. Ví như Công chúa teen và ngũ hổ tướng năm nay, không quảng cáo nhiều mà khán giả vẫn kéo đến. Cái tệ nhất của phim hiện nay là kịch bản dở quá, làm phim lại cứ như đi minh họa". Vì thế, việc đạo diễn có được giao làm phim hay không tùy thuộc vào việc phim của họ có thu hút khán giả hay không. Ông Lê Ngọc Minh - Phó cục trưởng Cục ĐA, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phim Trung ương đánh giá: "Tôi rất mừng là thời gian gần đây có một số đạo diễn đã biết từ chối một số kịch bản dở, biết trăn trở tìm nguồn vốn cho một bộ phim. Đã đến lúc các đạo diễn biết sợ khi mơ hồ rằng mình sẽ không thành công, hoặc ít thành công trước khi thực hiện một bộ phim. Đây là sự đổi mới về nhận thức".
Theo PN.