Quốc Trọng gánh hai vai trong 'Ngõ lỗ thủng'Đạo diễn của 'Hương đất', 'Đường đời', 'Mùa lá rụng'… tiếp tục ghi dấu ấn sâu với khán giả qua 'Ngõ lỗ thủng' - bộ phim truyền hình đang được đánh giá là ứng viên nặng ký cho Cánh diều vàng, dù nhiều người nhìn mặt chỉ nhớ anh là một diễn viên.

- Khi đóng phim và làm đạo diễn, anh cảm thấy khác nhau như thế nào?

- Theo tôi, đó là sự khác biệt quá lớn. Diễn viên đính khuy còn đạo diễn là người may cả cái áo. Khuy có đẹp cũng chỉ điểm xuyết cho chiếc áo. Nhưng áo có hợp với người, có là mốt mới, là mẫu ấn tượng hay không lại do tư duy của anh đạo diễn. Diễn viên chỉ phải chú tâm cho nhân vật của họ, còn tổng thể đòi hỏi đạo diễn phải có cái nhìn bao quát, vốn sống cũng như tri thức.

- Vốn sống đã giúp anh những gì khi xây dựng bối cảnh “Ngõ lỗ thủng”?

- Vốn sống thực sự là một lợi thế cho những người làm phim. Trong Ngõ lỗ thủng, tôi cố gắng làm sao khắc họa bầu không khí ngột ngạt của giai đoạn 1985 - 1990. Tôi đã trải qua thời kỳ đó, và gần như bị nó “xay nghiền”. Động chạm đến chi tiết, bối cảnh nào khi làm phim, ngay lập tức trong đầu mình lại phục hiện thời kỳ đó nhà mình thế nào, nhà hàng xóm ra sao. Ai đã sống những năm bao cấp hẳn không thể quên cảnh xếp hàng mua dầu, các bữa cơm không có một món ra hồn…

Tuy nhiên, có những đạo diễn trẻ, chưa từng sống trong thời kỳ bao cấp cũng làm được điều đó. Kinh nghiệm không quyết định phim hay hay dở mà do tri thức anh tiếp cận và chắt lọc. Đạo diễn trẻ chắc chắn sẽ vất vả hơn tôi vì họ phải đi lục tìm tài liệu để cảm nhận được không khí, hơi thở. Tôi có lợi thế không mất nhiều thời gian tìm hiểu, nhưng không nhất thiết “vì tôi đã sống qua mà tôi làm giỏi hơn người khác”. Thế giới từng làm những phim thần thoại thành công nhưng trên thực tế có ai biết bay đâu?

- Đã đảm nhiệm vị trí đạo diễn, vì sao anh còn “tham lam” nhận vai trong phim?

- Nói gì thì nói, tôi vẫn xuất thân từ nghề diễn nên cũng vẫn thèm khát có những vai hay. Trong Ngõ lỗ thủng, tôi thích nhất nhân vật Gù. Lúc đầu tôi tâm niệm niệm sẽ làm vai đó, nhưng đến khi bắt tay thì thực sự thấy bộ phim này quá phức tạp, điều kiện sản xuất cũng như tập trung đầu tư cho nó sẽ rất mất công sức. Nếu tôi kiêm nhiệm một vai như thế nữa, tự mình sẽ rất khổ vì phải phân tâm. Cân nhắc trong số anh em diễn viên hiện có, tôi quyết định mời Trung Hiếu. Hiếu cũng rất hứng thú với vai này và quả thật anh đã tạo được một ấn tượng rất mạnh cho khán giả.

Nhưng cuối cùng tôi vẫn không thoát được việc “gánh cả hai vai”. Nhân vật tiến sĩ Thái, tôi mời anh Doãn Châu nhưng cuối cùng anh lại gọi điện xin lỗi vì có việc gia đình. Phim truyền hình có cái khó là không có đội ngũ diễn viên riêng, tất cả trông cậy vào nhà hát, đoàn kịch nên khi tìm nhân vật rất phụ thuộc vào lịch diễn, lịch tập, lịch công tác của diễn viên. Trong khi đó, kinh phí eo hẹp, vai mình dự định quay trong một tháng nhưng diễn viên bận việc phải kéo dài ra hai ba tháng thì gay. Nghĩ đi nghĩ lại, việc gấp quá rồi, tôi tặc lưỡi vào vai Thái.

Quốc Trọng gánh hai vai trong
Đạo diễn Trần Quốc Trọng được khán giả nhận ra nhiều với tư cách một diễn viên.

- Trong sự nghiệp diễn viên của mình, vai nào anh tâm đắc nhất?

- Trước những năm 1990, phim ít, phim nhựa mấy năm mới có một nên ai được mời đóng trừ khi việc không thể đừng mới từ chối. Còn không thì mừng lắm, vai chính vai phụ, vai lớn vai nhỏ đều nhận tất, không giống như bây giờ, cùng lúc diễn viên chạy show đến chục đoàn. Tôi cứ hay trêu họ, lời thoại phim này mang sang phim khác cứ thế nói sa sả.

Nhưng có lẽ do ngày đó ít phim mà chúng tôi đều nâng niu, chăm chút từng vai diễn. Tôi thấy thú vị vì mình được thay hình đổi dạng với nhiều loại nhân vật. Khi đóng phim Thị xã trong tầm tay của anh Đặng Nhật Minh, tôi vào vai phụ: một lính trơn lẽo đẽo đi theo nhà báo do Tất Bình đóng để viết bài chiến trường. Anh lính suốt ngày trêu gái, đái bậy, bắn chó lung tung… Đó là vai nhỏ nhưng tôi mất rất nhiều công sức. Tôi muốn tạo hình ảnh anh bộ đội khác từ xưa đến giờ chúng ta vẫn làm. Khi tôi xin phép thêm những chi tiết đời thực đó, anh Minh rất khoái và ngay lập tức cho phép tôi làm.

Nhưng có lẽ vai mất công nhất và ưng ý nhất của tôi là Xuân Tóc Đỏ. Thời cụ Vũ Trọng Phụng viết, tôi chưa có mặt trên đời. Tôi mất công vào thư viện tìm tài liệu hơn một tháng trời, đọc mọi bài viết của cụ để nắm bắt, hình dung tính trào lộng cũng như không khí, hơi thở, cách ăn nói, đối thoại với nhau thời kỳ đó. Công việc bắt buộc tôi phải thế, rất vui là vai diễn này đã tạo được một dấu ấn trong nghề nghiệp của tôi.

- Anh nhận được những phản hồi gì từ khán giả khi “Ngõ lỗ thủng” chiếu được hơn một nửa trên sóng truyền hình?

- Từ khi phim chiếu, tôi trốn ở nhà, ít khi ra đường. Phần vì công việc sắp tới khá bận không mở mắt ra được, phần vì muốn mọi người xem hết hãy đưa ra nhận định. Ai mới xem nửa chừng hay vài tập sẽ không thể nắm bắt câu chuyện, tất cả phản hồi đều khập khiễng. Tôi không muốn ngồi đối thoại và trả lời. Vợ tôi cũng quen công việc chồng làm, kịch bản mang về nhà cứ rảnh bà xã lại lôi ra đọc nên không còn thắc mắc gì ngoài chuyện thi thoảng hỏi “Cảnh này anh quay ở đâu mà lạ thế”. Cô ấy là công nhân, không làm trong ngành nghệ thuật. Nhiều người trêu tôi sao không cho bà xã đóng phim, tôi bảo: “Thôi, nhà có một người khổ đã đành chứ lôi cả nhà vào khổ thì chết”. Nói thế thôi chứ con trai tôi, Trần Trọng Khôi cũng là đạo diễn mới cùng cơ quan bố đấy. Thế là thành nhà có hai người khổ. Biết vậy nhưng con trai thích, cứ lẳng lặng đi theo nghề thì mình làm sao được?

Quốc Trọng gánh hai vai trong
Vai anh Gù và cô Hạnh đáo để buôn bán ở chợ giời là hai vai cá tính, tạo được nhiều ấn tượng với người xem.

- Với bộ phim này, anh gặp những khó khăn, thuận lợi gì?

- Để làm sống lại đúng không khí thời kỳ cuối bao cấp, đầu đổi mới, không phải là đơn giản. Chúng tôi phải đi lùng mua, thuê lại từng cái áo, cái bát, cái đũa thời đó. Riêng cảnh chợ giời, tôi phải đi ba tỉnh chọn khu đất và mượn đồ tái hiện. Đi mượn đồ cho quán café đã chết huống hồ đây lại cho một cái chợ giời. Kinh phí Ngõ lỗ thủng thì giống như làm một phim đương đại, sử dụng bất cứ quần áo nào cũng được, quay ở đâu cũng được.

Anh em đạo diễn chúng tôi vẫn mong ước từ hàng 15-20 năm nay là có một cái trường quay tử tế. Bây giờ chúng ta cũng có hai trường quay bé bé nhưng chỉ làm phim sitcom, những cảnh quay ngoại vẫn phải đưa ra ngoài chứ không như các nước. Mỹ quay Titanic trong nhà, chúng ta không biết đến đời nào mới có thể làm điều đó?

Ngõ lỗ thủng ban đầu làm cho sóng Văn nghệ chủ nhật phát thời lượng 70 phút và dài 20 tập. Nhưng sau đó do thay đổi của Đài truyền hình VN, cửa sóng Văn nghệ chủ nhật biến thành mô hình khác, chúng tôi chuyển sang phát vào giờ vàng của VTV1. Ở giờ vàng, thời lượng phim chỉ là 50 phút nên phải có sự thay đổi, mình phải tính toán chia ra sao cho đủ thời lượng phát sóng hàng ngày và từng tập ngắt ra được từng ý, từng chuyện. Vì thế phim chuyển thành 29 tập. Đó cũng là cái lợi cho người làm phim vì khán giả theo dõi liên tục hơn, chứ một tuần một tập thì dễ bị ngắt quãng.

Bộ phim này được gửi tham dự Cánh diều vàng ở hạng mục dành cho Phim truyền hình, được giải hay không thì chưa biết nhưng nếu có sẽ là cả một sự hạnh phúc. Đó là sự công nhận cho công sức anh em cả đoàn, của tất cả những người làm phim Ngõ lỗ thủng chứ chẳng riêng gì Trần Quốc Trọng tôi.

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC