Dù họ có hay dở, có xấu đẹp, có phát ngôn ngông cuồng hay cố tình tạo scandal thì vẫn luôn có những fan cuồng sẵn sàng bảo vệ. Đụng vào thần tượng của họ là khẩu chiến nổ ra.
Khán giả Việt đã không còn xa lạ với những câu chuyện về fan cuồng và thần tượng. Đặc biệt, mỗi khi có bất cứ ngôi sao Hàn Quốc nào sang Việt Nam, câu chuyện này lại dậy sóng. Khi nhóm nhạc đình đám Super Junior sang Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên tại chương trình MTV Exit vào tháng 3/2010, có câu chuyện fan nữa sẵn sàng đổi một đêm để lấy vé xem thần tượng của mình.
Lại có chuyện, khi Bi Rain sang Việt Nam giao lưu, biểu diễn vào tháng 3/2012, các fan đã xúm xít hôn ghế nơi thần tượng ngồi. Chứng kiến những cảnh các fan chen chúc, xô đẩy, bị ngất, bị thương trong các chương trình biểu diễn của sao Hàn mới thấy, sức mạnh của tình yêu thần tượng dường như quá lớn. Và nếu gọi chính xác, phải gọi là “cuồng” mới đúng hơn.
Uyên Linh một thời được tôn sùng là "thần tượng" của hàng triệu người
Thế nhưng, chuyện “cuồng” ấy đâu chỉ có có ở sao nước ngoài mà ngay chính các ngôi sao trong nước cũng dư sức làm chuyện ấy. Trong nhiều cuộc thi ca hát hay chạy đua cùng các giải thưởng nhiều câu chuyện về fan, thần tượng đã chứng minh điều đó. Nhất mực bảo vệ thần tượng, không cho phép ai nói xấu thần tượng của mình hoặc thậm chí dìm ngôi sao đối thủ để nâng tầm thần tượng của mình lên, nhiều fan Việt vô hình chung đã có phần “yêu cuồng, ghen bạo”.
Năm 2010 khi Uyên Linh gây bão tại cuộc thi Vietnam Idol cô trở thành “tượng đài sống” trong lòng công chúng. Khán giả, đặc biệt là người hâm mộ dành cho cô những mĩ từ rất đẹp và ca ngợi đưa cô “lên mây”. Và họ đã không thất vọng khi Uyên Linh lên ngôi cao nhất tại Vietnam Idol 2010 năm đó.
Khi những clip các màn trình diễn của Uyên Linh được đăng tải lên YouTube, fan hâm mộ không ngớt ngợi khen cô. Tất nhiên, trong số đó có cả những lời chê. Tuy nhiên, như một phản ứng “tất nhiên phải có”, những ý kiến này bắt đầu bị “dội bom” phản pháo với những lời lẽ rất nặng. Nếu nhẹ hơn một chút thì là những lời lẽ phân tích để mong người khác tâm phục khẩu phục. Theo họ, Uyên Linh quá hoàn hảo và không còn gì để chê. Thế nên, những lời chê đó được coi là “tội đồ” còn người chê chẳng khác nào là “tội nhân”.
Và dường như, Uyên Linh là “thần tượng sống” một cách đúng và đầy đủ nhất trong mắt người hâm mộ. Thế nhưng, cơn sốt đó rồi cũng lắng lại và giảm nhiệt phần nào khi dư âm của cuộc thi qua đi.
Nói đến chuyện “đừng đụng vào thần tượng”, showbiz Việt có lẽ không ai không nhớ đến chuyện của Mỹ Tâm – Hà Hồ tại HTV Awards 2012. Khi MC của chương trình công bố Hồ Ngọc Hà là nữ ca sỹ được yêu thích nhất, nhất loạt bên dưới fan Mỹ Tâm “cướp diễn đàn” hô lớn tên cô khiến MC cũng như khách mời trao giải gần như bị “nuốt chửng”. Trước đó, trong suốt chương trình dù Mỹ Tâm không xuất hiện nhưng các fan của cô luôn hô lớn tên thần tượng và tin chắc rằng, chỉ có cô mới xứng đáng đoạt giải.
Chuyện của Mỹ Tâm - Hà Hồ từng dấy lên câu chuyện thần tượng
Sự việc này càng gây chú ý nhiều hơn khi các fan còn có hành động không mấy đẹp khi tố BTC đã không công bằng. Và cuối cùng, mọi việc chỉ lắng xuống khi Mỹ Tâm liên tiếp viết tâm thư chia sẻ trên trang cá nhân để “răn đe” người hâm mộ một cách khéo léo. Dĩ nhiên, cách hành xử này quá đẹp và fan của cô không thể “cuồng” mãi được.
Trên thực tế, trong làng nhạc Việt ai cũng biết Mỹ Tâm là ca sĩ có lượng fan trung thành đông đảo. Thế nên, việc thần tượng của mình không được lên ngôi cao nhất theo họ đó là “oan ức” và “thiếu công bằng”. Và có lẽ đây cũng là lần đầu tiên, có thể là duy nhất showbiz mới xảy ra một tình huống xưa nay hiếm như thế trong một lễ trao giải.
Yêu quý, bảo vệ thần tượng của mình là điều hoàn toàn có thể hiểu được trong giới showbiz. Tuy nhiên, vô hình chung khi tình yêu quá lớn khiến họ chỉ nhìn sự việc theo một chiều, mang tính chủ quan và áp đặt. Và trong bất kỳ trường hợp nào nếu có những lời chê, họ sẵn sàng đáp trả, thậm chí với những lời lẽ thậm tệ. Với những môi trường mở như mạng xã hội, YouTube… những comment dạng này không hề được kiểm duyệt cho nên, ngay cả những lời chửi bới thô tục, thậm chí mang tính đe dọa đều nghiễm nhiên hiển thị. Và đằng sau những lời bình luận đó, khán giả dần nhận ra được, hoặc là không bình luận hoặc là đừng chê thần tượng của họ.
Khi công văn ủng hộ và kêu gọi bình chọn cho Quang Anh của Sở GD&ĐT, UBND phường Đông Sơn, Thanh Hóa được đưa ra trên cộng đồng mạng nổ ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, phần đông cư dân mạng đều cho đó là bình thường. Thậm chí, có ý kiến còn vin vào Phạm Trần Thanh Duy khi anh này lên tiếng ủng hộ vì trong quá khứ, khi đi thi Vietnam Idol anh cũng được tỉnh Trà Vinh kêu gọi bình chọn. Trong khi đó, với những ý kiến trái ngược, lập tức bị “ném đá” dữ dội và cho rằng đó là hành động “ghen tỵ với một đứa bé”, “mang những chuyện anh hùng bàn phím mang ra để làm đen tối tâm hồn trẻ thơ”…
Ngay cả sự việc của Quang Anh - Phương Mỹ Chi, đừng quá "thần tượng" các em như thế
Dĩ nhiên, ở một cục diện khác những người ủng hộ Phương Mỹ Chi cũng hết lời ca ngợi cô “chưa có ca sỹ nào hát được như em đâu”, “Mỗi lần nghe em hát như ăn sâu vào sâu thẩm lòng người những ca từ ấy”… Thế nên mới có chuyện, “hễ ai mà đụng đến Phương Mỹ Chi là cứ như sẽ bị ném đá ngay tức khắc”, thậm chí bị nghỉ chơi trên facebook, bị tẩy chay…
Nhiều ý kiến cho rằng việc Mỹ Chi hay Quang Anh đăng quang đều xứng đáng và đừng để chuyện tiền bạc, danh tiếng hay những lời bình luận làm tổn thương các em nhỏ. Tuy nhiên, vô hình chung chính những lời qua tiếng lại trên mạng xã hội để bảo vệ thần tượng của mình đang khiến sự việc căng thẳng hơn.
Theo wikipedia định nghĩa, Idol (thần tượng) là một hình ảnh hay một đối tượng vật chất đại diện cho một vị thần được mọi người ngưỡng mộ (có khi là mù quáng), tôn thờ và biểu đạt sự tận tâm. Thần tượng cũng là một cách biểu đạt của sự mong muốn vươn đến “chân, thiện, mỹ”, sự hoàn hảo. Và khi đó, họ tự chọn cho mình một hoặc nhiều hình mẫu để ngưỡng mộ và người ta gọi đó là thần tượng.
Theo định nghĩa của wiki thì thần tượng cũng có thể hiểu như đó là một vị thần thánh, hoặc một con người được tôn sùng như thần thánh. Mục đích và ý nghĩa khởi nguyên của cụm từ này bản thân nó rất tốt đẹp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của xã hội, đặc biệt trong giới showbiz, ít nhiều nó đã bị biến tướng. Và đôi khi, thần tượng đã thành “tượng thần”. Khi họ tự tôn sùng ngôi sao mà mình yêu thích ở thời điểm đó thành thần tượng thì sau đó rất dễ, họ đã hạ bệ hoặc làm những việc ảnh hưởng đến thần tượng của mình.
Trường hợp này hoàn toàn đúng với Uyên Linh vì sau khi đăng quang những scandal như chảnh, hét giá cat-xê của cô bị không ít người phê phán, trong đó có cả những người từng yêu thích cô. Và trong trường hợp của Mỹ Tâm việc thần tượng một cách không đúng mực vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của “họa mi tóc nâu”.
Trên thế gian, ngay cả những bậc thần thánh được tôn sùng không có ai là người hoàn hảo 100%. Và trong showbiz, càng không có chuyện một ngôi sao nào đó đẹp không tì vết theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Do đó, khi xem xét thần tượng cũng như những yếu tố cấu thành nên nó, luôn cần nhìn nhận vấn đề ở 2 mặt. Xét cho cùng, trước khi là ngôi sao thì họ trước hết cũng là con người, mà phàm đã là con người ai cũng có tốt - xấu mà thôi.
Theo Khám phá.