Song hành với sự "nở rộ" của các cuộc thi nhan sắc là sự xuất hiện dày đặc các cuộc thi người mẫu và theo đó, số lượng những người mang danh "siêu mẫu" trong showbiz Việt ngày càng tăng một cách chóng mặt. Thế nhưng có một thực tế đáng lo ngại là, không phải lúc nào sự phát triển về số lượng cũng đi liền với chất lượng.
Thừa lượng, thiếu chất
Điểm mặt những cuộc thi người mẫu trên sóng truyền hình Việt Nam hiện nay, người ta có thể kể ra một list danh sách khá dài từ các cuộc thi thuần Việt cho đến các cuộc thi được mua bản quyền nước ngoài như: Vietnam's Next top Model (Người mẫu Việt Nam); Siêu mẫu Việt Nam; Ngôi sao người mẫu; Thần tượng thời trang F.Idol (Sắp phát sóng - PV). Những "sân chơi" này đã tạo ra một nguồn "cung cấp" nhân lực dồi dào cho làng mẫu Việt đến mức Việt Nam trở thành một trong những nước có số lượng "siêu mẫu" nhiều nhất, thậm chí có người trong nghề còn phải thốt lên rằng, hiếm có một quốc gia nào lại có nhiều siêu mẫu như ở ta.
Thực tế này vốn không đáng lo ngại, vì đúng là ngoài các công ty đào tạo người mẫu chuyên nghiệp, những "sân chơi" kể trên đã góp phần không nhỏ trong việc kiếm tìm ra những gương mặt sáng giá cho làng thời trang Việt. Thế nhưng, khi tiếng chuông báo động về sự phát triển mất cân đối nghiêm trọng giữa hai yếu tố lượng và chất của người mẫu Việt được gióng lên thì vấn đề này mới được mang ra bàn thảo và những người quản lý mới vội kiếm tìm một giải pháp thích hợp. Dẫn chứng là từ khi thành lập hội Người mẫu Việt Nam (2007) đến nay, các thành viên đều chưa có những hoạt động bề nổi liên quan đến hội dù có không ít người đẹp nghiêm túc với nghề và làm việc rất chuyên nghiệp. Và ranh giới giữa những siêu mẫu chân chính, có thực tài và những người chỉ mang danh xưng nhiều khi rất mỏng manh.
Nói về điều này, Kiều Ngân - Siêu mẫu triển vọng châu Á 2013 phải than thở: "Thực tế là có một bộ phận nhỏ những người chưa cống hiến được gì mà cứ "cởi áo" làm những điều phản đạo đức và nhức mắt tới mức không thể hiểu nổi. Lại có một bộ phận nhỏ những người mẫu trẻ không những kém về chuyên môn mà còn thiếu ý thức và sớm mắc bệnh ngôi sao. Thế nhưng những "con sâu" này vẫn được đưa tin cùng tần suất với những tên tuổi gạo cội trong làng giải trí. Phải chăng chính truyền thông và sự hiểu lệch lạc giữa nổi tiếng và tai tiếng, giữa tốt và xấu đã tiếp tay cho "căn bệnh" trầm kha này ngày một phát triển mà không cách nào ngăn chặn? Tôi cho rằng, những giá trị ảo rồi cũng dần dần bị lãng quên vì khán giả ngày càng khó tính hơn và cái gọi là giá trị đạo đức của một bộ phận nhỏ đó đang cần báo động".
Dễ thấy, danh xưng "siêu mẫu" là điều khiến bất kỳ người mẫu nào khi đeo đuổi niềm đam mê với sàn catwalk đều khao khát có được. Và để hai mỹ từ này được "đóng đinh" vào quyền sở hữu của một cá nhân nào đó là điều không hề đơn giản. Tất cả đều phải trải qua một quá trình lao động và cống hiến về nghệ thuật không ngừng vì thực tế người mẫu là một trong những nghề có yêu cầu khắc nghiệt và áp lực vô cùng cao trong làng giải trí. Các chân dài luôn phải lao động miệt mài và bền bỉ để mang đến những phần trình diễn catwalk chuyên nghiệp, những bộ ảnh thời trang ấn tượng, sáng tạo trong tạo hình và chỉn chu về cách xây dựng hình ảnh. Yêu cầu đặt ra là tất cả công việc họ đang làm, đang thực hiện trong phạm vi nghề mẫu đều phải đạt điểm tối đa và không được có bất kỳ sai sót nào được xảy ra.
Minh chứng là cứ nhìn vào câu chuyện vươn tới đỉnh cao của những chân dài đình đám trong làng thời trang Việt như Hà Anh, Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Hoàng Yến, Minh Triệu… thì có thể thấy rõ, quá trình một người mẫu từ vô danh đến hữu danh khốc liệt và chông gai như thế nào. Và trong hàng loạt những người mang danh "siêu mẫu" tính đến thời điểm hiện tại, có mấy ai thực sự xứng đáng và có đóng góp cho làng thời trang?
Người mẫu Việt không thể tỏa sáng nếu chỉ dựa vào danh hiệu
Thùng rỗng kêu to?
Suy cho cùng, chất lượng người mẫu chưa tốt đầu tiên đều được bắt nguồn từ "cái nôi" sản sinh ra chính họ. Có một thực tế hiển nhiên là khác với những cuộc thi hoa hậu, khi các thí sinh tham gia ngoài yếu tố hình thể còn cần phải có học vấn, trình độ thì những cuộc thi người mẫu chỉ cần đôi chân dài và gương mặt cá tính, phong cách "độc", thậm chí "dị" là đủ. Vì thế nên chất lượng thí sinh tham gia các cuộc thi tìm kiếm người mẫu cũng có phần giảm sút. Không ít "chân dài" công khai mục đích tham gia các cuộc thi người mẫu để lấy giải thưởng, để gây chú ý và làm bàn đạp để thực hiện những mục tiêu khác. Và rất ít người trong số họ chịu khó lao động nghiêm túc, trau dồi nghề nghiệp.
Trong khi đó, các cuộc thi tìm kiếm người mẫu lại đầy "sạn", nhiều khi "nhức mắt" khiến khán giả vô cùng khó chịu. Đơn cử như Vietnam's Next top Model, một "đấu trường" khá hấp dẫn được mua bản quyền từ nước ngoài. Sự ra đời của chương trình đã mang đến luồng sinh khí mới cho làng mẫu Việt đang dần tụt hậu. Theo mô tuýp cuộc thi, các thí sinh muốn trở thành top model phải trải qua những buổi tập luyện khắc nghiệt về các kỹ năng trình diễn catwalk, tạo dáng chụp hình… Đặc biệt, chương trình sẽ không chọn những thí sinh có ngực khủng, eo thon, gương mặt dịu dàng, thay vào đó những cô gái có gương mặt cá tính mà mọi người thường gọi là "xấu lạ" để lên ngôi.
Thế nhưng những tai tiếng lùm xùm và các chiêu trò được tung ra liên tục ở Vietnam's Next top Model cũng khiến công chúng ngán ngẩm. Nếu như ở những mùa giải trước, dư luận đã lên tiếng xung quanh việc giám khảo nam của Vietnam's Next top Model mặc váy và ăn nói chua ngoa, phản cảm thì đến năm nay, khán giả được dịp phát ngán vì sự õng ẹo của giám khảo nam, sự thiếu chuyên nghiệp của giám khảo nữ và những phát ngôn vô cùng thiếu văn hóa. Liệu với những giám khảo như vậy thì cuộc thi còn đủ tầm để chọn ra những gương mặt ưu tú cho làng thời trang Việt Nam hay không?
Hay nhìn vào một minh chứng khác là Siêu mẫu Việt Nam - cuộc chạy đua gắt gao giữa những người mẫu thành danh, có thể thấy, dù đã có thâm niên đến 10 năm nhưng cuộc thi vẫn luôn có những tai tiếng từ khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp, tiêu chí chưa rõ ràng đến thành phần ban giám khảo và giải thưởng. Thế nên cụm từ "chiếc áo quá khổ" luôn được giới chuyên môn nhắc đến để nói về Siêu mẫu Việt Nam dù danh hiệu siêu mẫu này chỉ được công nhận chính thức hàng năm qua cuộc thi này.
Chưa dừng ở đó, việc thí sinh được thăng hạng trong đêm chung kết sau đó mất tích trong làng giải trí Việt là điều diễn ra thường xuyên. Nhiều thí sinh sau khi đoạt giải lại tiếp tục ngụp lặn trong những cuộc tìm kiếm danh xưng mới, hoành tráng hơn, để mong nổi tiếng và đổi đời, như giải Bạc Siêu mẫu 2013 Trần Minh Trung chính là người đăng quang Thần tượng thời trang F-Idol 2012 hay giải nhất cùng năm với anh là Quỳnh Mai vừa bị Thanh Hằng loại thẳng tay khỏi top 14 Việt Nam Next Top Model vì không đáp ứng được yêu cầu của người mẫu chuyên nghiệp.
Vốn những chiếc áo có danh hiệu quá lộng lẫy nên cũng quá "rộng" đối với những người được khoác lên nó. Danh hiệu không thể giúp họ tỏa sáng, làng mẫu Việt cũng không nhờ đó mà khá hơn. Và thực tế, sự "lộng xưng" đó chỉ giúp những nhà tổ chức kiếm tiền nhờ những người vẫn bị lóa mắt bởi danh hiệu, ngớ ngẩn tin rằng danh hiệu càng kêu thì sẽ càng dễ đem lại cho mình sự nổi tiếng và cơ hội đổi đời.
Theo Người đưa tin.