Sư tử đá kiểu Trung Quốc "án ngữ" nhiều đền, chùa Việt NamKhông chỉ ở Chùa Một Cột, nhiều đền, chùa ở khắp cả nước đều có sự có mặt của những con sư tử đá này.

 Trong một lần đến thăm Chùa Diên Hựu, nhà sử học Lê Văn Lan đã hỏi một người thuộc ban quản lý chùa về con sư tử đá được kê ở ngay cửa. Người phụ nữ ấy đã say sưa giảng giải rằng: Trong kinh phật đức Phật đã ngộ đạo khi nghe từ xa có tiếng sư tử rống vậy là sư tử có vai trò ở trong cuộc đời của Đức Phật và Đạo Phật mà đây là chùa cho nên đặt tượng sư tử vào đấy.

Ông Lê Văn Lan bèn đề nghị người phụ nữ đó cho biết đó là sư tử của nước nào? Lúc ấy người phụ nữ mới ngớ ra. Vì đó không phải là sư tử của Việt Nam. Các hình hài, hình tượng của sư tử Việt Nam không phải như thế. Đó là con sư tử sao y bản chính của con sư tử đặt ở trong cố cung Bắc Kinh, Trung Quốc.

Ông Lê Văn Lan bức xúc: “Người Việt của chúng ta chỉ nhận thức được  rằng con sư tử có vị trí ở trong giáo lý Đức Phật và thế là họ bê con sư tử vào đặt một cách phi pháp vào trong chùa. Phi pháp là vì Chùa Diên Hựu là di tích quốc gia, đã được kiểm kê tài sản nghiêm ngặt các hiện vật, di vật, đồ tế khí…không được phép thêm hoặc bớt bất cứ thứ gì.” 

Sư tử đá kiểu Trung Quốc

Hai con sư tử đá kiểu Trung Quốc không ăn nhập với cảnh quan chùa Diên Hựu (ảnh: Giáo dục Việt Nam)

 

Không chỉ ở Chùa Diên Hựu, nhiều đền, chùa ở khắp cả nước đều có sự có mặt của những con sư tử đá này như chùa Bái Đính (Ninh Bình), Đền Đô (Bắc Ninh), Thiền Viện Giác Lâm Trúc Lâm (Quảng Ninh)…

Cũng về vấn nạn này, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bức xúc không kém về sự có mặt tràn lan của những con sư tử đá Trung Quốc không chỉ ở chùa triền miếu mạo, mà còn chiễm trệ ở các cơ quan công quyền. “Hiện tượng như thế này tràn lan như thế mà không ai lên tiếng cả” - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Sư tử đá ở Trung Quốc được dùng để canh mộ

PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam gọi đây là hiện tượng đáng buồn về ý thức văn hoá: “Các nghệ nhân dân gian đều ra sức tạc sư tử đá Bắc Kinh. Con sư tử đá ở lăng Lương Vũ Đế, nó thiêng liêng trong Tử Cấm Thành Bắc Kinh, nhưng mà về cơ bản và phổ biến là con sư tử đá canh mộ”. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao chùa của mình, nhà của mình lại thờ con canh mộ làm gì?”

PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng, hiện không có sự điều tra, nghiên cứu và cũng không có sự định hướng nên thấy con sư tử đá thời Minh, thời Thanh trông đẹp là cứ thế du nhập về và tạo ra sự lai căng phản văn hóa. “Tại sao ta không tuyên truyền, không quy định cho các nghệ nhân để có điều kiện sử dụng con sư tử đá theo mẫu của Việt Nam ta vốn rất đẹp?” - ông Tống Trung Tín bày tỏ.

Lịch sử cho thấy, dù có bị áp đặt hay tự nguyện trong giao thoa văn hoá thì người Việt vẫn luôn chế tác ra những biểu tượng mang hồn cốt, tình cảm của dân tộc mình. Người Việt Nam cũng đã sẵn có hình tượng sư tử đá của riêng mình. Điển hình là sư tử đá ở chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội) rất đẹp. Vậy mà không hiểu sao, do theo phong trào và thiếu thông tin hay vì một nguyên do nào khác mà những con sư tử lạ lại có thể chiễm trệ ở những nơi chốn tôn nghiêm ở Việt Nam?./. 

Theo VOV.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC