Bên mảng thơ truyền thống là dòng chảy thơ hiện đại, giàu tình yêu, nhiều trăn trở về giới hạn, nhân sinh…
Hàng vạn người đã đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong buổi sáng ngày rằm tháng Giêng (17/2/2011) để hít thở không khí thơ trong ngày thơ Việt Nam lần thứ 9.
Ngày thơ rực rỡ trong mùa xuân |
Hình ảnh Hồ Chủ Tịch thấm đẫm nền văn học cách mạng nước nhà |
Khai mạc ngày thơ 2011, sau lễ rước đất và nước, người xem được nghe lại giọng nói của cố nhà thơ Chế Lan Viên - người được giải thưởng Hồ Chí Minh - đọc bài thơ "Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi", tiếp đó là "Người đi tìm hình của nước" - tác phẩm chủ đề cho tập thơ nhiều tác giả viết về Bác nhân dịp kỷ niệm 100 năm Người ra đi tìm đường cứu nước (kể từ năm 1911).
Hình ảnh Hồ Chủ Tịch thấm đẫm nền văn học cách mạng nước nhà. Những bài thơ của Chế Lan Viên viết về Bác hay ở sự sâu sắc, những phát hiện tài tình về sự giản dị, vĩ đại trong tư tưởng, tâm hồn của Bác, đồng thời nêu bật vai trò quan trọng của Người trong việc quyết định vận mệnh đất nước và dân tộc.
Chín lần tổ chức ngày thơ, phần xúc động nhất bao giờ cũng là lễ thả thơ, khi hàng ngàn ánh mắt ngưỡng mộ chân thành hướng lên 50 trái bóng mang thơ bay tới bầu trời cao xanh.
"Thoát xác" cùng thơ
Mảng thơ hiện đại mang chủ đề "Blog Xuân" là sự thăng hoa của những cây bút trẻ viết về tình yêu và những trăn trở nhân sinh. Nhà thơ Phan Huyền Thư trình bày hai tác phẩm "Giới hạn" và "Đại Dương". Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến thể hiện khả năng hát thơ độc đáo.
Vi Thùy Linh lúc nào cũng khát khao, đầy lửa với "Bất tận", "Yêu ở Roma" trình diễn cùng Đào Anh Khánh. Mặc dù nhiều người nghe băn khoăn bảo là không hiểu lắm về màn trình diễn của hai nghệ sĩ, nhưng điều quan trọng là ai cũng "cảm" được sự sống dữ dội của nội tâm mạnh mẽ đã nâng nàng thơ rực rỡ này thoát khỏi xác phàm.
Không có những màn trình diễn gây sốc, các quầy thơ năm nay cũng không riêng biệt mỗi người một sắc thái như các năm trước; nhưng bù lại sân thơ hiện đại đã làm bật lên được sự đằm thắm nền nã với những gương mặt thơ nữ như Bảo Chân, Nguyễn Phan Quế Mai, Thụy Anh...
Góc thơ của các câu lạc bộ năm nay vô cùng rộn rã, đặc biệt sôi động là lán thơ của trang web lucbat.com với lời đề nghị xin mỗi người một chữ ký ủng hộ lục bát trở thành quốc thơ, di sản văn hóa phi vật thể.
Mỗi người một chữ ký ủng hộ lục bát trở thành quốc thơ, di sản văn hoá phi vật thể |
Phan Huyền Thư trên sân khấu thơ hiện đại |
Nguyễn Vĩnh Tiến đọc thơ xong thì hát thơ |
Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trong màn trình diễn nóng bỏng |
Quầy thơ trẻ tấp nập người thăm viếng |
Thơ trên tường |
Thơ trên dây |
Và thơ trên đất |
Theo
VNN.