Những bức ảnh trong triển lãm Để hiểu hơn về một Hà Nội xưa diễn ra tại Thư viện Hà Nội từ 25 đến 31.1 đã mang đến cho người xem kiến thức lịch sử, cuộc sống, văn hóa của thủ đô qua những giai đoạn thăng trầm.
Triển lãm được chia thành những chủ đề: Di tích xưa, Công trình mới, Khu phố cổ, Tập quán…Nhiều bức ảnh được các nhà sưu tầm giữ lại từ những tấm bưu ảnh được phát hành hồi đầu thế kỷ XX vẫn còn dấu tích ngày tháng, càng làm tăng sức hút về giá trị lịch sử. Qua đây, một Hà Nội của thời xa xưa trở lại sống động qua những bức ảnh đen trắng, trong đó có nhiều thứ đã vĩnh viễn mất đi theo thời gian, nhiều thứ vẫn còn ở lại với chúng ta vừa như quen vừa như lạ vì sự thay đổi không cưỡng lại được của sự phát triển.
Một tấm ảnh chụp từ trên cao những mái ngói rêu phong rất đặc trưng của Hà Nội 36 phố phường vốn đã xuất hiện rất nhiều trong thơ, nhạc song dường như vẻ nên thơ này đang bị những ngôi nhà cao tầng làm cho “lép vế”.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong số những thứ đã mất, đáng kể nhất là những công trình kiến trúc song dù vậy “Chúng ta cũng đừng quá hồi cố hay chỉ nhìn về những đỉnh cao ở đằng sau mình”. Biết vậy, nhưng người xem vẫn có cảm giác man mác khi nhìn lại những chiếc tàu điện chạy quanh phố phường Hà Nội một thời và trở thành phương tiện giao thông của hầu hết tầng lớp người dân bỗng dưng... biến mất vào thập niên 80 của thế kỷ XX.
Chợ Đồng Xuân xưa. |
Một rạp chiếu bóng khá nổi tiếng ở Hà Thành hồi đầu thế kỷ XX mang tên Palace có hình dáng mặt tiền tựa cái vỏ sò cách điệu. Rạp nằm ngay trên phố Tràng Tiền, sau được đổi tên thành Thiên đường, rồi Công nhân và cuối cùng trở thành sàn diễn kịch. Và có lẽ cũng ít người biết rằng, rạp Palace nổi tiếng ấy hiện nay đã bị phá bỏ để xây một nhà hát mới.
Hà Nội xưa còn có một khu phố thợ khảm nằm gần cửa ô Tây Long nhưng do sự hình thành của những khu phố Pháp, cả phường thợ khảm bị phân tán khắp nơi. Những người thợ trở thành kẻ làm thuê cho các chủ hiệu khiến chất lượng và chữ tín ngày càng kém.
Hình ảnh hàng trăm người tập trung trên cầu Thê Húc đón giao thừa ngày đất nước chưa hoàn toàn giải phóng cũng khiến nhiều người thích thú. Lúc đầu, cây cầu này được làm bằng những tấm ván rất sơ sài, từng bị sập và đã được làm lại như ngày hôm nay.
Cùng thưởng thức một Hà Nội xưa. |
Cũng ít người biết không gian của Văn Miếu Quốc Tử Giám sau thời kỳ hưng thịnh từng bị hoang phế, quạ đến làm tổ từng đàn trên cây muỗm đến nỗi có người gọi là Đền quạ, thậm chí người Tây từng có ý định dùng nơi này làm chỗ chứa xác người chết.
Dễ nhận thấy con người ngày xưa có nguồn gốc nông nghiệp, dấu ấn làng quê vẫn còn đậm ngay giữa đô thị, và tạo nên vẻ đẹp lãng mạn cho thủ đô.
Trong số những bức ảnh chụp người mẫu, có một khuôn mặt xuất hiện trở đi trở lại trên những tấm bưu thiếp. Đó là vẻ đẹp của “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, khác hẳn với vóc dáng mình hạc sương mai của “những cô gái chân dài” chịu khó ăn kiêng ngày nay. Và người ta tự hỏi, không biết ngày ấy, những cô gái chuyên làm duyên trước ống kính đã phải là người mẫu chuyên nghiệp hay chưa?
Lấy dáy tai. |
Vẻ đẹp của người mẫu xưa. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc hơi bất ngờ khi thấy có nhiều ảnh miêu tả một số người đang lấy dáy tai cho nhau. Đó cũng là những tấm ảnh ông thích nhất với lời bình của ông bác sĩ “đây là cái thú của người Việt Nam”.
Theo ông, Hà Nội ngày xưa rất nhỏ bé so với ngày nay, mọi thứ cũng khác nhau rất nhiều. Người Pháp đưa vào Hà Nội một kiểu đô thị mới với cống rãnh, đường phố nhưng vẫn tôn trọng truyền thống bằng cách giữ phố, phường. Những con phố do người Pháp thiết kế như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo từ bao năm nay vẫn đủ rộng cho giao thông, trong khi những con đường của chúng ta làm lại nhanh chóng trở nên nhỏ bé so với sự phát triển quá nhanh của Hà Nội.
Vì thế, những tấm ảnh này chính là nguồn tư liệu quý để chúng ta nghiên cứu, tham khảo: có thể giữ được những gì và cần thay đổi những gì, đặc biệt khi mà cái thiếu nhất của Hà Nội chính là văn hóa đô thị.
Theo VNN.