Tình nghệ sỹ - "Của hiếm" trong làng nghệMột dư âm buồn ám ảnh, khi liên tiếp trong nửa cuối tháng 6 - đầu tháng 7 là sự ra đi của một loạt tên tuổi lớn trong làng văn nghệ Việt Nam cũng như thế giới: đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, NSND Phùng Há, vua nhạc pop Michael Jackson, ...

Có phải vì "nghĩa tử là nghĩa tận" mà trong những cuộc tiễn đưa, người ta chợt thấy ấm lên câu chuyện tình nghệ sỹ... Một sự ấp áp từng bị khuất lấp sau quá nhiều vụ "sao choảng sao", "sao dìm sao" không ít bận ầm ĩ trên mặt báo...

Ầm ĩ đến độ, công chúng từ chỗ hồ nghi đã dần mất niềm tin vào cái gọi là tình nghệ sỹ, tình đồng nghiệp giữa những người của công chúng. Nghệ sỹ mỗi người một cá tính làm nghề, chả dễ gì thừa nhận nhau đã đành! Nhưng đáng buồn hơn, là những mâu thuẫn đến từ lòng đố kỵ - mảnh đất lý tưởng để những tin đồn thất thiệt nảy mầm, bám rễ. Mà phần đa tin đồn đều phải là tin xấu, là "có chuyện" thì mới dễ bán báo và tăng lượng người truy cập để thu hút quảng cáo.

Người ta ưa chuyện sao bị đánh ghen, sao này "cầm nhầm" bồ sao kia, sao "choảng" sao..., chứ mấy ai mặn mà đưa tin sao này thân sao kia, sao này nói tốt sao kia - vốn là những "chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ". Chính những tấm chắn sáng đó đã phần nào làm che khuất đi một mảng sáng có thật trong làng văn nghệ: cái tình giữa những người làm nghề. Không chỉ khi một người vừa ra đi, không chỉ vì "nghĩa tử là nghĩa tận", mà là giữa những người đang sống...

Lê Minh Sơn vào tranh

Chen vào giữa cuộc phỏng vấn của chúng tôi với nhạc sĩ Lê Minh Sơn là một nhân vật lạ, một hoạ sĩ kiêm võ sư không mấy quen tên, tự xưng là "fan" của Sơn. Anh chỉ xin đến gặp Sơn 5 phút, rồi "tha" cho Sơn ngay, nhưng phải là ngay lúc đó. Lý do: anh đến cùng một bức chân dung vừa ráo mực. Đấy là một bức tranh sơn mài khổ lớn, vẽ Sơn. Bức tranh thoạt tiên làm người ta hoảng, vì sắc màu gằn lên của nó, những mảng màu quánh lại, chát khét, tựa như có một dòng nham thạch vừa thả xuống.

Tình nghệ sỹ -

                            Nhạc sĩ Lê Minh Sơn

Trên đó, nổi lên cái thần mặt của người được vẽ, vừa đích thị Lê Minh Sơn - Sơn guitar, Sơn latin, Sơn flamenco, lại vừa như là một Lê Minh Sơn khác: Sơn rũ tóc bên đàn, một nửa mặt chìm vào một thứ bóng tối đỏ vàng, đặc quánh, để lộ một mảng sáng chứa đựng ánh mắt nhìn thẳng, xoáy sâu, riết róng đam mê; khoé miệng đằm xuống, mím chặt, cùng biểu lộ một vẻ quyết liệt, dám "tử vì nghệ", dám đi đến tận cùng...

Không biết Sơn đã phải ngồi làm mẫu bao lâu cho bức "truyền thần" ấy của mình. "Không một lần!"- Sơn nói - Vì nếu có lúc nào đó muốn được vẽ chân dung, thì người duy nhất và đầu tiên mà tôi có thể ngồi làm mẫu chỉ có thể là hoạ sỹ Lê Quảng Hà - một người bạn mà tôi vô cùng yêu quí, đồng cảm về nghệ thuật". Trong tư thế một người bạn mới quen, và có thể cũng là để đem lại niềm vui bất ngờ cho người mà mình ngưỡng mộ, tác giả bức tranh nói trên đã không hề đưa ra lời đề nghị Sơn ngồi làm mẫu cho mình, cũng không hề ngỏ ý xin Sơn một bức ảnh nào, hay đề nghị chụp ảnh anh.

Cặm cụi, anh lặn lội trên google, tìm kiếm hàng tuần bức ảnh mình ưng ý nhất, và kết quả, bức tranh đã được lấy từ không chỉ một bức ảnh, vì chỗ thì anh cần cái dáng tóc, chỗ thì cho anh ánh mắt, chỗ thì là một dáng tay phết trên dàn... "Tôi vẽ bức này còn nhanh hơn...kiếm ảnh. Nhanh lắm, và vẽ cứ như bị ma đuổi!" - anh nói, không giấu được vẻ xúc động.

Và anh cho biết, sẽ không chỉ làm một bức, mà sẽ làm cả một triển lãm với một series tranh vẽ Sơn mà tính đến thời điểm bài báo này lên trang, anh đã vẽ được 5 bức.

"Tôi cảm thấy cậu ấy bị bế tắc trong sáng tạo, vì tôi nghe đâu, suốt một thời gian khá dài, cậu ấy đã bị rơi vào trầm cảm, đã chực bỏ nghề. Và khi gặp tôi, dù chưa quá 5 lần, không hiểu sao bỗng dưng cậu ấy như được cởi bỏ và muốn vẽ trở lại - Sơn kể - tôi gặp cậu ấy lần đầu tiên là sau một đêm diễn, có một khán giả đã nán lại để xin gặp tôi để bày tỏ cảm xúc. Cuộc gặp thoáng qua, khiến tôi chỉ nghĩ: Ừ, mình nghe là nghe cho sướng tai vậy thôi, chứ mình đâu có chui được vào tim người ta đâu mà biết được ai thực bụng yêu quý mình. Vì lời nói thì có mất gì đâu, ai chả nói được. Nếu lời nói mà đánh thuế được thì Việt Nam đã chả nghèo! Không ngờ, lời nói đã không chỉ là lời nói..."

"Nếu cậu ấy tính làm triển lãm, chắc chắn tôi sẽ hết lòng ủng hộ. Không phải vì những bức tranh vẽ tôi, mà vì tôi muốn nói, tôi thật sự mừng cho cậu ấy, mừng cho một người sáng tạo đã tự dưng cởi bỏ được mình, thoát ra được khỏi cái bi kịch ám ảnh nhất với một người sáng tạo: sự bết tắc..." - Sơn nói thêm.

Một bức thư cũ

Tình nghệ sỹ - Cái tình của một hoạ sĩ đối với một nhạc sĩ khiến tôi không chỉ nhớ tới tình thân giữa hoạ sĩ Lê Thiết Cương và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (và kỷ niệm của tình bạn ấy là một tập sách in chung với tranh và ảnh của Lê Thiết Cương đi cùng thơ của Nguyễn Quang Thiều), cùng một triển lãm chung giữa hai người, mà còn nhớ lại một câu chuyện khác, đã lâu và chắc không nhiều người biết. Vì nó ẩn trong một bức thư riêng, được viết từ năm 1958 và cách đây 5 năm, mới được đưa vào tập sách không dễ bán: "Nguyễn Huy Tưởng & những trang viết về Điện Biên".

Bức thư được in ở cuối sách, cùng một số bức thư khác của những văn nghệ sỹ nổi tiếng thời bấy giờ như nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, KTS Nguyễn Trực Luyện... gửi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lúc ông đang đi thực tế tại Điện Biên vào những năm đầu lập lại hoà bình tại miền Bắc. Bức thư ám ảnh tôi không phải bằng những màu sắc gằn và gắt như trong bức tranh vẽ Lê Minh Sơn mà là với một tông màu ngược lại: tinh tế lịch lãm, tươi sáng nhẹ nhàng và trong văn vắt. Dù người viết cũng là một hoạ sĩ, và còn là một hoạ sỹ có tiếng: hoạ sỹ Dương Bích Liên.

Một lá thư như được vẽ bằng bút pháp của tranh lụa, nó khiến cho người ta thấy cảm động hết sức về cái gọi là tình nghệ sĩ dường như chỉ có thể thuộc về một thời thật đẹp đẽ, thật giản dị và trong sáng đã qua - cái thời của "thư viết tay", cái thời mà tình yêu nghệ thuật, sự nổi tiếng luôn song hành và tỷ lệ thuận cùng tình đồng chí, đồng nghiệp, đồng môn và chưa hề bị vẩn đục bởi thương trường cùng lòng đố kỵ...

"... Lúc này, nếu tôi đi bên anh, chúng ta không cần nói với nhau câu gì có lẽ vẫn còn thấy đầy đủ hơn. Có nhiều lần tôi đã đi với anh như thế mà sao vẫn thấy gần gũi lạ... Tôi vẫn đọc "Guerre et Paix" (Chiến tranh và hoà bình) và tất cả những gì nói về Tolstoi. Thật là bổ ích và tuy chưa làm gì cả những đọc một cuốn tiểu thuyết lớn vẫn có thể yên tâm. Tiếc là không có anh ở đây để lại đọc lên với nhau như buổi nào.

Thiếu những lúc như thế tôi vẫn thấy như thiếu rất nhiều. Thật là yên lành, đến bây giờ mà tôi vẫn chỉ ước mong có thế và được thế mãi mãi. Từ trước tới nay, khác với một số bạn bè khác của chúng ta, quan hệ giữa anh và tôi cái chính là bao giờ cũng lại là quan hệ với nghệ thuật, thành ra dễ chịu biết bao!".

"Quan hệ giữa anh và tôi cái chính bao giờ cũng lại là quan hệ với nghệ thuật, thành ra dễ chịu biết bao nhiêu!" - một chuyện tưởng như đương nhiên, đơn giản mà sao khó thế, hiếm thế, lúc này?

Chớ "trông mặt mà bắt hình dong"

Cuộc chiến chạy sô, trong làng giải trí Việt,  đứng đầu có lẽ thuộc về những nhóm hài. Và vì vậy, chẳng dễ gì giữ được cái gọi là tình đồng nghiệp với nhau, khi mà chữ "tình" đó luôn rất dễ bị cọ xát bởi những cạnh tranh tiếng tăm, cơm áo. Chuyện có lẽ chỉ được tin khi được chính những người trong cuộc nói ra không phải trong một trạng thái tâng bốc.

Tình nghệ sỹ -

                   Nghệ sĩ Xuân Bắc và nghệ sĩ Tự Long

"Minh oan" cho bạn diễn Xuân Hinh, nghệ sỹ hài Minh Vượng nói: "Thôi thường, chúng ta vẫn quen "nhìn mặt mà bắt hình dong", thế thì có chết cái nhà anh Xuân Hinh không? Vì cái tướng mặt ấy thì rõ là "mồm chó, vó ngựa" đi đứt còn gì! Nhưng năm 2000, khi tôi bị đột quỵ, đã chẳng có ai như Xuân Hinh, đến cầm tay tôi bảo: "Mình thích đi bệnh viện nào tôi đưa mình đi!".

Trong Hinh chao chát thế thôi, nhưng kỳ thực sống rất tình cảm. Rồi thì Tự Long cũng thế. Không mồng 8/3, 20/10 nào mà quên gọi điện, nhắn tin, chúc mừng chị Vượng, dù có bận chạy sô đến mấy...".

"Về khoản nhiệt tình và chu đáo với bạn bè thì đúng là tôi chưa thấy ai qua mặt được Tự Long - nghệ sỹ Xuân Bắc cũng góp lời - Nhiệt tình hơn tất cả những người bạn nhiệt tình trên đời, mà không chỉ bởi ham vui. Có lẽ chỉ có hắn mới có thể lọ mọ đánh đường về quê bạn trong đêm để uống một chén rượu suông chỉ vì đã trót hẹn với bạn, dù sáng hôm sau phải đi diễn sớm...".

Anh Núi của "Sóng ở đáy sông" cũng không quên dành những lời trân trọng về đàn chị Minh Vượng, trong chữ "tình" chị ứng xử với đồng nghiệp: "Một người chị sống rất có tâm. Trong giới hễ có đứa nào xấu là ngay lập tức chị báo anh em biết để "tránh voi chả xấu mặt nào!". Đem chuyện hỏi Minh Vượng, chị phân trần: "Thì là tật "ngứa mồm" của phụ nữ đấy mà! Và nói, cũng không chỉ để anh em tránh, mà còn để người kia biết đường mà sửa. Ở đời, người ta ưa nhớ cái tốt cái đẹp của mình, chứ mấy ai chịu nghĩ mình xấu, mình dở. Mình không nói hộ người ta, trách sao được người ta không biết, không chịu thừa nhận?".

Rồi người chuyên chọc cười trầm giọng: "Làm nghề này, vui thì vui nhưng lắm lúc cũng bạc, cũng tủi lắm, anh em không thương nhau thì thương ai..."
 
Tình nghệ sỹ -
                                
                                 Nghệ sĩ Xuân Hinh

Tình nghệ sỹ -

                                    Nghệ sĩ Minh Vượng

Đừng chỉ khi "nghĩa tử là nghĩa tận"

"Anh em không thương nhau thì thương ai", mà "cái nghề thì bạc" - Chuyện là thế, nhưng mấy ai biết thế, làm thế và thực bụng muốn sống với nhau bằng một chữ "tình" như thế? Để không phải đợi đến khi một người trong chúng ta phải ra đi, thì trong số những người lên tiếng hay im lặng, sẽ có bao nhiêu người phải day dứt vì một chữ "tình" còn nợ, một chữ "tình" lẽ ra cần có sớm hơn?

"Nước mắt ích gì!" - đó là tiếng thở dài cay đắng mà ca sĩ nổi tiếng người Nga Philipp Kirkorove đã dùng để lên án xã hội hiện đại ở phương Tây đã giết chết Michael Jackson bằng những tin đồn ác nghiệt, ngay cả trong cuộc chiến thông tin khi anh đã nằm xuống.

Cho rằng mỗi quốc gia đều có "MJ" của riêng mình, Kirkorov nói: "Cái chết của Jackson là tiếng chuông cảnh tỉnh để mọi người thấy rằng các nghệ sĩ mới hôm qua còn được cả thế giới ngưỡng mộ thì hôm nay bị huỷ hoại như thế nào. Hãy để cho mỗi người ở mỗi quốc gia suy nghĩ về cách ứng xử đối với những người nổi tiếng ở nước họ. Hai tiếng ngọt ngào trên sàn diễn đều phải trả giá bằng vô số lời chế nhạo, chà đạp lên danh dự của người nghệ sĩ. Hãy nâng niu những "MJ" của nước mình khi họ còn sống!" (dẫn theo Thể thao & Văn hoá).

Không hẹn mà gặp, câu nói của ca sĩ người Nga chợt khiến ta nhớ đến những lời khóc của Hàn Mặc Tử của Hoài Thanh - Hoài Chân trong cuốn sách nổi tiếng "Thi nhân Việt Nam": "...Tôi nghĩ đến người đã sống một túp lều tranh, phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy".

Sau cùng, người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã... Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn!...

Phản ứng trước tin đồn: Ban nhạc Anh Em có nguy cơ rã nhóm do có chuyện "cơm không lành canh không ngọt" giữa hai "con chấy cắn đôi"  Anh Quân - Huy Tuấn, nhạc sĩ Huy Tuấn bảo: "Cái dư luận ấy nếu có, nó xuất phát từ một số rất ít người muốn nhìn thấy cái êkíp này tan rã. Nói thẳng ra, đó là sự đố kỵ!".

Nhạc sĩ Anh Quân cũng thở dài: "Sự đố kỵ trong nghề quả thật là có!", và cũng lên tiếng phủ nhận tin đồn: "Tôi và Huy Tuấn cũng như các thành viên Anh Em chưa bao giờ sứt mẻ quan hệ! 10 năm gắn bó cùng nhau, sự thấu hiểu đã đủ để giúp anh em chúng tôi có thể hoá giải mọi mâu thuẫn. Với Tuấn lại càng thế! Nếu như không muốn nói, hiếm có được hai thằng con trai nào chơi thân được lâu đến như Tôi và Tuấn!".
 
Theo Đẹp.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC