Ở xã hội dân chủ, người có trình độ có thể phản biện mà vẫn an toàn; lại có nhiều nguồn kiếm sống mà không cần vào biên chế.
Lỗi là ta vẫn dùng những triết lý lạc hậu
Nếu người xưa chỉ học những thứ mà hôm nay chúng ta thấy “vô bổ” thì lỗi tại ai? Trước hết, người học không có lỗi, vì “thi thế nào, học thế ấy”. Đố thí sinh nào dám không thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh và đạo Khổng để rồi “hỏng thi”.
Vậy thì, lỗi ở cách thức và nội dung thi - tức là ở cấp quyền lực? Nhưng chế độ phong kiến cũng chẳng có lỗi. Bởi vì, nó phải tuyển dụng đúng những người mà nó cần. Đó là những người đủ khả năng làm thư lại nói chung, trong đó quan văn cũng chỉ là loại thư lại cao cấp. Mà thư lại thì không có nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm. Càng không được phép “phản biện” vua.
Nếu về sau nhiều vị trở thành những nhà chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao có tài... thì đó là do trong quá trình làm quan họ đã thể hiện một năng khiếu thiên phú, đồng thời họ may mắn được đặt đúng vị trí để trổ tài; chứ không phải do cách thức và nội dung thi cử mà đất nước có được những nhân tài ấy.
Việt Nam có Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Phạm Thái... hay Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Bỉnh Khiêm... là do trời ban cho dân tộc ta những con người có năng khiếu bẩm sinh, cộng với sự ham mê sáng tạo của bản thân. Và thường đó là việc “nghiệp dư” (không lương). Nguyễn Du được trả lương không phải do đã viết truyện Kiều, mà do giữ chức Tham Tri; Phan Huy Chú hưởng lương theo ngạch bậc, chứ không có nhuận bút cho Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Các tác giả viết Quốc Sử Diễn Ca chỉ được thưởng lụa và tiền, chứ không nhờ thế mà thăng quan...
Vậy thì... lỗi ở chúng ta? Phải chăng chúng ta dùng cách nhìn hôm nay để phê phán chuyện đời xưa? Có thể là thế, nhưng điều này chưa quan trọng. Quan trọng là thời nay vẫn dạy, học, thi không khác bao nhiêu so với thời xưa và vẫn dùng triết lý lạc hậu nhang nhác thời xưa (lễ và văn). Trách gì trí thức chẳng giống quan văn, chằng khoe danh, khoe tước?
Trí thức và thiên chức phản biện
Người có học vấn cao (so với mặt bằng chung) thì xã hội nào cũng có. Dưới chế độ phong kiến nước ta, họ được gọi là kẻ sĩ, nho sĩ hay sĩ phu... Nhưng học vấn mới là một tiêu chuẩn của trí thức, nếu theo những định nghĩa chặt chẽ.
Các Mác coi trí thức là người nhìn ra (tỉnh thức) những điều cần phê phán, và dám lên tiếng phê phán để xã hội phát triển.
Viện sĩ Nga Likhachev coi (giới) trí thức là “bộ phận độc lập về trí tuệ” của một xã hội, nên không được giới quyền lực bảo thủ ưa chuộng. Nếu xã hội là một cơ thể thì giới trí thức là cơ quan nhận thức và phát biểu của cơ thể đó.
Nhiều bài viết của các tác giả Việt Nam coi trí thức là người có thiên chức phản biện xã hội.
Điều nói trên càng đúng dưới chế độ phong kiến phương Đông. Chỉ xin nói vắn tắt: Những người đỗ đạt ở chế độ này chỉ có một con đường duy nhất để tiến thân: làm quan (sau này gọi là vào biên chế). Năng lực chung được đào tạo: để làm thư lại cao cấp. Chỉ có một cách hành xử: Tuyệt đối trung thành với đấng toàn quyền (vua), coi chủ thuyết của Khổng Tử như một giáo lý, bản thân xử sự như tín đồ (tuyệt đối không nói khác).
Dũng cảm nhất là dám lễ độ can vua (chớ có dại mà “phản biện”), cương trực nhất là dám từ chức, từ quan. Khi bị oan, khôn nhất là “mong sao thánh thượng sẽ hồi tâm”...
Mỗi chế độ xã hội quy định cách ứng xử đặc trưng của trí thức (nghĩa rộng). Từ phong kiến chuyển sang xã hội tư bản (và nhất khi tiến lên chế độ XHCN), nền dân chủ ngày càng mở rộng khiến trí thức có thể phản biện mà vẫn an toàn; lại có cơ chế thị trường đích thực - khiến người lao động trí óc có thể kiếm sống mà không cần vào biên chế; do vậy tầng lớp trí thức “đúng nghĩa” mới có thể hình thành, ngày càng lớn mạnh.
Trí thức ta ngày càng đông, nhưng
càng…không đúng nghĩa
Tàn dư phong kiến đã hết?
Khi giành độc lập năm 1945, tới 95% dân ta là nông dân của một nền nông nghiệp manh mún. Thích hợp với kinh tế tiểu nông là chế độ phong kiến. Tàn dư phong kiến cứ tồn tại và có sức sống dai dẳng là chuyện đương nhiên khi năm 2009 nông dân vẫn chiếm 3/4 dân số.
Tra cứu bằng Google, với từ khoá “trí thức đúng nghĩa” chỉ cần 0,39’’ chúng ta được trên 60.000 kết quả, trong đó mới nhất là bài của thứ 2 của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn. Như vậy, trước đây đã nhiều người quan tâm thế nào là “trí thức đúng nghĩa”. Điều thống nhất là trí thức “đúng nghĩa” không háo danh; và háo danh không thể là trí thức đúng nghĩa.
Tại sao chúng ta cứ phải nói dai, nói dài, nói mãi về trí thức “đúng nghĩa”? Vì trí thức tuy ngày càng đông đảo (triệu và triệu) nhưng cũng ngày càng... ít đúng nghĩa. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong bài 3 đã phân tích nhiều nguyên nhân của bệnh háo danh và tìm hiểu vì sao nước ta chưa có trí thức “đúng nghĩa”.
Thế thì nguyên nhân bao trùm nhất phải chăng là tàn dư phong kiến? Chẳng cần xếp loại, cứ tiện đâu nói đấy, cũng có thể kể hàng chục đặc trưng phong kiến rất dễ để lại những tàn dư, biến thể.
Dưới đây là ví dụ đặc trưng phong kiến rất dễ để lại tàn dư nếu chúng ta không cảnh giác.
- Vua (và thần thánh): là nhu cầu tinh thần của tư tưởng tiểu nông (không thể quan niệm thiếu vua và thần thánh). Thực chất, đó là một đấng không thể sai lầm, đứng trên pháp luật, chỉ chịu trách nhiệm với Trời. Nước ta 7 lần có 2 vị cùng làm vua (thời hai bà Trưng, thời Hậu Ngô và thời Trần: có thái thượng hoàng).
- Vua ban hành pháp luật (ví dụ, Luật Hồng Đức, Luật Gia Long) để xử các quan và xử dân. Nhưng các quan được xử theo “lễ”; còn dân bị xử theo “luật”.
- Vua là nước. Trung với vua, với chế độ của vua, là đủ. Quân đội có nhiệm vụ “trung quân”, đồng nghĩa với “ái quốc”.
- Toàn triều đình, toàn thể quan lại và dân thường phải tôn sùng duy nhất chủ thuyết của đức Khổng Tử - tức nhất nguyên.
- Biến chủ thuyết của đức Khổng Tử thành tôn giáo (gọi là đạo Khổng - giống như nay ta gọi đạo Phật, đạo Thiên Chúa). Coi ngài như vị thánh; lập đền miếu để sĩ phu nước Việt có nơi thờ phụng, dù ngài có gốc ngoại quốc.
- Đưa đạo Khổng thành quốc đạo (bắt buộc dạy trong trường). Muốn gia nhập biên chế quan lại nhất thiết phải học và thi giáo lý đạo Khổng.
- Biến các nhân vật có công lớn với chế độ thành những vị thánh, có nơi thờ phụng để dân khấn vái. Ví dụ, triều Nguyễn cho thờ cụ Võ Tánh hy sinh trong cuộc nội chiến giành ngôi vua giữa phe chúa Nguyễn với phe Tây Sơn.
- Tạo ra lớp “trí thức quan văn”, nhiệm vụ số 1 là phục vụ và ca ngợi vua và chế độ; lấy chức tước và danh hiệu vua ban làm vinh dự cả đời.
- ... đến đây, có thể “vân vân” được rồi.
Theo Tuanvietnam.