Chuyện danh ca Tuấn Ngọc sửa lời câu hát này trong bài “Tình bơ vơ” của NS Lam Phương thành “Trời vào thu, chiều nay buồn lắm em ơi…” làm dậy sóng người yêu nhạc và cả người không yêu nhạc, và bao nhiêu giả thuyết được đặt ra, nhiều nhất là sự nhạy cảm của “Mùa thu”.

1 Troi Vao Thu Viet Nam Buon Lam Em Oi

Một trong những danh ca sửa lời nhạc vàng đầu tiên để qua ải kiểm duyệt là danh ca Bảo Yến. Vào những năm 1990, trong CD nổi tiếng “Mấy nhịp cầu tre” của Vafaco, chị hát câu “Nước sông ngăn đôi sơn hà” trong bài “Đưa em vào hạ” của NS Trầm Tử Thiêng thành “Nước sông ngăn chia đôi đường”.

Sau này trong Asia ở hải ngoại, chị vẫn hát “Nước sông ngăn chia đôi đường” dù không bị ai kiểm duyệt. Danh ca Phương Hồng Quế khi hát bài “Phố Đêm” trong Asia ở hải ngoại, dù không bị ai kiểm duyệt, vẫn hát câu “Tuy lính chiến xa nhà” thành “Tuy lữ khách xa nhà”.

Đặc biệt, danh ca Hoàng Oanh, chưa bao giờ về Việt Nam biểu diễn, chẳng sợ ai kiểm duyệt, nhưng trong bài “Tôi chưa có mùa xuân” của NS Châu Kỳ, vẫn hát câu “Ôi đất nước hai nơi, xuân đi làm sao tới” thành “Ôi đất nước xa xôi, xuân đi làm sao tới”.

Mình không thích chuyện ca sỹ tự sửa lời bài hát, như danh ca Trúc Mai từng nói, muốn sửa lời thì tự viết rồi tha hồ sửa, chứ sao lại sửa của người khác.

Tuy nhiên, mình không nghĩ rằng danh ca Tuấn Ngọc sợ cái nhạy cảm của “Mùa thu” rồi sửa lời.

2 Troi Vao Thu Viet Nam Buon Lam Em Oi

Thật ra bài hát “Tình bơ vơ” của NS Lam Phương hoàn toàn không liên quan đến chính trị hay chuyện gì nhạy cảm cả. Đó là bài hát ông viết riêng cho mối tình vô vọng với danh ca Bạch Yến, người sau này là phu nhân của NS Trần Quang Hải, trưởng nam của NS Trần Văn Khê.

Saigon một thời có 2 nữ danh ca sáng chói khi tuổi chưa đến 20, đặc biệt 2 nữ danh ca này không đứng chung sân khấu, không phải vì “có tui thì không có nó”, mà vì cát sê cao quá, không bầu sô nào đủ sức mời một lúc 2 người. Đó chính là danh ca Bạch Yến, và danh ca Bích Chiêu, chị ruột của danh ca Tuấn Ngọc.

Danh ca Bạch Yến là người gắn liền với ca khúc bất hủ “Đêm đông” của NS Nguyễn Văn Thương.

Bài hát này ra đời từ năm 1939, đã được nhiều thế hệ ca sỹ hát, nhưng danh ca Bạch Yến là người tự chuyển điệu tango thành slow rock, tự dàn dựng bài hát này trên sân khấu của phòng trà Kim Sơn. Năm đó, bà vừa tròn 15 tuổi. Sự thay đổi táo bạo này vừa đưa tên tuổi Bạch Yến lên đài danh vọng, và cũng vừa chắp cánh cho bài hát “Đêm đông” bay cao bay xa hơn.

Khán giả yêu nhạc sau này thường chỉ được nghe “Đêm đông” slow rock theo phong cách Bạch Yến, chứ không phải “Đêm đông” tango nguyên thủy.

Khi gặp bà tại Pháp năm 1982, NS Nguyễn Văn Thương đã cám ơn bà vì sự táo bạo đó. Sau khi nghe “Đêm đông” qua tiếng hát Bạch Yến, chính ông đã tự thay chữ "tango" bằng "slow rock" khi giới thiệu bài hát của mình.

Khi nói về sự kiện “Đêm đông” ấy, tác giả Đông Kha đã từng viết “Sau khi kết thúc màn biểu diễn trước đó của ca sĩ khác với một ca khúc rất sôi động, thì bỗng nhiên âm thanh vũ trường rơi vào im lặng, đèn sân khấu lịm tắt.

Trong khi quan khách chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì chợt nghe từ phía sân khấu, ở trong bóng tối, chậm chậm vang lên câu hát:

“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống, Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông, Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời, Cùng mây xám về ngang lững trời”. Tất cả khán giả có mặt đều im phăng phắc để lắng nghe, thưởng thức từng câu, từng chữ trong một trạng thái rất lạ lẫm. Nói là lạ, bởi vì đó là vì họ đang ở trong chốn vũ trường lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt, nhưng khoảnh khắc đó, tất cả đều lặng im. Là chốn vũ trường nhưng không một ai có ý định bước ra nhảy nhót như bình thường nữa”.

Năm 1961, đang ở trên đỉnh cao danh vọng, bà bất ngờ sang Pháp du học. Năm 1963, bà trở lại Saigon, và vẫn là một trong những giọng ca ăn khách nhất của dòng nhạc sang trọng.

Năm 1965, bà là ca sỹ Việt Nam đầu tiên và duy nhất được xuất hiện trên truyền hình Hoa Kỳ, trong chương trình “Ed Sullivan Show”. Bà đã hát 2 bài trong chương trình này là “Đêm đông” và “If I had a hammer”. Sau thành công đó, bà đã được các nhà sản xuất chú ý đến và mời về Hollywood hát một bài hát trong bộ phim “The Green Berets”.

Như một định mệnh , dự định đi trình diễn ở Hoa Kỳ 2 tuần, đã trở thành chuyến lưu diễn kéo dài hơn 10 năm. Bà đã đi lưu diễn khắp nơi ở Hoa Kỳ và cả nhiều nước châu Mỹ như Canada, Mexico, Brazil, Colombia, đứng chung sân khấu với những tên tuổi lớn của làng nhạc Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone.

3 Troi Vao Thu Viet Nam Buon Lam Em Oi

NS Lam Phương gặp danh ca Bạch Yến lần đầu vào năm bà hơn 10 tuổi, khi bà vừa đạt giải nhất cuộc thi hát của đài phát thanh Pháp Á.

Khoảng 5 năm sau đó, ông mang lễ vật sang nhà để hỏi cưới bà, nhưng vì bà mới hơn 16 tuổi nên gia đình chưa đồng ý, và còn quá nhỏ nên bà chưa muốn lấy chồng. Sau này NS Lam Phương lập gia đình với nữ ca sĩ – kịch sĩ nổi tiếng Túy Hồng.

Tuy nhiên, việc lỡ làng duyên phận với bà đã làm ông nuối tiếc khôn nguôi. Nữ ca sĩ – kịch sĩ Túy Hồng, cũng là bạn của danh ca Bạch Yến – sau này cũng có nói với bà “Bồ không biết thôi, chứ ổng viết cho bồ nhiều ca khúc thiết tha lắm”.

Ngoài “Tình bơ vơ”, ông còn viết riêng cho bà những ca khúc nổi tiếng như “Chờ người”, “Thu sầu”, “Phút cuối”, “ Tình chết theo mùa đông”, là những bài tình ca sống mãi trong lòng người mộ điệu, mặc kệ cho thế sự thăng trầm thế nào.

Bởi vì danh ca Bạch Yến đi du học ở Pháp, rồi trở về, rồi lại ra đi, nên trong bài “Tình bơ vơ” mới có những câu hát

“Để bước phong trần tha hương, Em khóc cho đời viễn xứ, Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi”.

Có lần bà tâm sự “Ca khúc Đêm Đông đã làm thay đổi cuộc đời tôi, khi đưa tôi đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp, nhưng cũng khiến tôi phải đi một quãng đường dài trong cuộc đời với những cô đơn lạnh giá. Giống như hình ảnh người kỹ nữ trong ca khúc”.

Những đêm lạnh giá đó chính là những đêm ở xứ người, như bà viết “Một mình nơi đất khách, nhất là những đêm đi diễn về, cô quạnh trong cái lạnh, trong sự vắng lặng của bóng đêm, thèm nghe một câu tiếng Việt cũng không có được".

Còn nửa vòng trái đất bên này, NS Lam Phương cũng thổn thức

Trời vào thu việt Nam buồn lắm em ơi,

Mây tím đang dâng cao vời

cho mối tình vô vọng.

“Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi” có nguồn gốc như vậy đó. NS Lam Phương cũng đã ra người thiên cổ, nếu có thương thì xin đừng gán ghép bất cứ điều gì vào mối tình vô vọng ấy …

Phan Nam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC