Vẻ đẹp Việt thăng hạng trên trường quốc tếSự kiện người mẫu Tiến Đoàn đoạt ngôi Nam vương Quốc tế (Mr. International) 2008 đánh dấu một giai đoạn khởi sắc của giới người đẹp, người mẫu Việt Nam. Họ không còn ra nước ngoài chỉ để “cọ xát”.

Ngay sau chiến thắng của Tiến Đoàn, người đẹp Hương Giang tỏa sáng tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam toàn cầu 2009 với giải Á hậu hai, đưa thời “top 15, top 17” của Việt Nam trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế vào dĩ vãng.

Sự kiện người mẫu Tiến Đoàn đoạt ngôi Nam vương Quốc tế (Mr. International) 2008 đánh dấu một giai đoạn khởi sắc của giới người đẹp

Vẻ đẹp Việt thăng hạng trên trường quốc tế_0

Tháng 8 tới, lần đầu tiên đại diện Việt Nam đến với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), siêu mẫu Võ Hoàng Yến nhận được rất nhiều sự kỳ vọng và quan tâm. Không chỉ được đánh giá cao ở trong nước, những bước di chuyển trên sàn catwalk của người đẹp này còn được nhiều chuyên gia sắc đẹp nước ngoài ngưỡng mộ. Cô cũng đang dẫn đầu cuộc bình chọn trên website của Miss Universe.

Đánh giá về sức bật của nhan sắc Việt, bà Hạ Vy, Giám đốc đại diện Công ty thời trang Venus phía Bắc cho rằng, thành công của người đẹp Việt Nam sẽ không còn là sự kiện lạ trong một vài năm tới. “Châu Á từng có nhiều người đẹp nhất thế giới qua các cuộc thi. Vì thế, người Việt hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào chiến thắng tương lai”, bà Hạ Vy chia sẻ.

Vẻ đẹp Việt thăng hạng trên trường quốc tế_1

Hương Giang, Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam toàn cầu 2009.

Người mẫu Vy Hạnh, với tư cách người quản lý dàn người mẫu hàng đầu Thủ đô cũng cho rằng, người đẹp Việt Nam không thiếu gương mặt sáng, đáp ứng yêu cầu các cuộc thi cấp thế giới. Sự sàng lọc của thời gian và những quy định mới trong công nghệ thời trang đã đưa tới một lớp người đẹp mới có đẳng cấp, học thức và sự tự tin. “Các người đẹp giờ đây rất tự tin bộc lộ bản thân trước bạn bè năm châu”, bà Vy Hạnh nhận xét.

Cách quản lý, đào tạo bài bản là yếu tố quan trọng mà siêu mẫu Trần Bảo Ngọc, thành viên Hiệp hội người mẫu Việt Nam đặt lên hàng đầu khi nhìn nhận về giới “chân dài”. Theo bà Bảo Ngọc, ngoài khả năng thiên bẩm, sự nổi bật của lớp người đẹp hiện đại còn phụ thuộc vào cách đào tạo.

Không phủ nhận thành công của lớp người đẹp như Vũ Cẩm Nhung, Trương Ngọc Ánh…, nhưng người mẫu Bảo Ngọc cho rằng, khả năng tiềm ẩn của lớp người đẹp trước đây chưa được khơi gợi do thiếu sự đào tạo, nên khó đạt tới đẳng cấp quốc tế. “Điều này đã được bù đắp ở thế hệ sau”, bà Ngọc nói.

Muốn làm hoa hậu, phải học bài bản

Vẻ đẹp Việt thăng hạng trên trường quốc tế_2

Hoàng Yến được đánh giá là ứng cử viên nặng ký của Miss Universe.

Không đặt áp lực giải thưởng, Tiến Đoàn cũng như Hương Giang xác định chỉ coi cuộc thi là cơ hội cọ xát. Người mẫu Nguyễn Phương Mai, đại diện Việt Nam tranh đua tại Siêu mẫu châu Á 2009 dù có chiều cao và số đo ba vòng chuẩn, trình diễn catwalk tốt, đeo mác sinh viên Đại học RMIT… vẫn không đặt mục tiêu chiến thắng. “Tôi cố gắng để sự có mặt của mình đặt dấu ấn về phong cách trình diễn độc đáo của giới người mẫu Việt Nam là được rồi”, Phương Mai cho biết.

Tuy nhiên, với khá nhiều kinh nghiệm tư vấn cho người đẹp đi thi quốc tế, siêu mẫu Trần Bảo Ngọc khẳng định, khái niệm “cọ xát” chỉ là một cách giải thoát áp lực cho người tham gia, chứ thực tế, mỗi thí sinh bước vào cuộc thi đều được xác định rõ tư tưởng “chiến thắng”.

Bà Thúy Nga, Giám đốc công ty thời trang Elite Việt Nam cũng chia sẻ, đã qua rồi thời “đi thi cho biết”. Với mỗi cuộc xuất quân kinh phí lên tới con số vài nghìn USD, bất cứ “nhà tài trợ” nào cũng không khỏi buốt ruột khi chứng kiến các người đẹp ra về “trắng tay”.

Để khái niệm “cọ xát” giảm dần trong mỗi lần đem chuông đánh xứ người, Giám đốc công ty Venus phía Bắc, người mẫu Hạ Vy cho rằng, người đẹp Việt Nam ngoài nỗ lực, nên tận dụng triệt để tính cần cù sẵn có.

Bà Hạ Vy cũng chỉ ra điểm yếu của người đẹp Việt, đó là kỷ luật giờ giấc kém, điều tối kỵ nếu muốn chuyên nghiệp hóa công nghệ nhan sắc. Ngoài ra, khả năng giao lưu của người đẹp Việt Nam cũng là vấn đề đáng bàn.

“Thói quen sống khép kín khiến thí sinh Việt Nam khó hòa đồng, trong khi điều này lại là thế mạnh của các đối thủ cạnh tranh”, bà Bảo Ngọc đánh giá. Để khắc phục điều này, bà Ngọc chỉ biết “nhờ vào sự đào tạo ngày càng bài bản, thời gian và nỗ lực của từng người”.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC