Không biết có phải là một sự ngẫu nhiên trớ trêu hay không mà trong mấy tháng qua, hai cuốn sách của hai giáo sư, hai nhà nghiên cứu văn học đã gây nên phản ứng trái ngược trong dư luận.

Cuốn hồi ức Cô bé nhìn mưa (NXB Phụ nữ, 2008) của GS Đặng Thị Hạnh nhận được rất nhiều lời tán thưởng, được đánh giá là: “Thiên hồi ức về một gia đình trí thức lớn của Việt Nam trong bối cảnh những biến động lớn của lịch sử thế kỷ XX… Đây là một hồi ức văn hoá làm sống lại những mảng sinh hoạt khác nhau trong đời sống thường ngày và đời sống tinh thần, từ làng quê khu Bốn cho tới những năm kháng chiến và cả đời sống hôm nay… Cô bé nhìn mưa được nhiều chuyên gia cho rằng đây là cuốn hồi ức mang đậm chất văn chương nhất từ trước tới nay”.

Và khó có thể không tăng thêm lòng kính trọng đối với GS Đặng Thị Hạnh khi nghe bà nói trong buổi giao lưu với bạn đọc ngày 15-10-2008 tại Trung tâm văn hoá Pháp (Hà Nội) rằng: “Tôi không viết hồi ký vì tôi dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh nhưng cũng chưa để lại thành tựu gì, và tôi không viết tự truyện vì cuộc đời phẳng lặng của một giáo viên như tôi không có gì đáng chú ý. Viết hồi ký và tự truyện có thể rất dễ động chạm đến đời tư của người khác. Khi bắt tay vào viết, tôi nhận ra Hà Nội rất nhỏ bé, viết về người này có thể động chạm đến người kia. Mà tôi thì rất lo những điều mình viết ra ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tôi đã nghĩ rất lâu và cuối cùng chọn viết hồi ức. Hồi ức cho tôi sự tự do khi viết”.

cobenhinmua1.jpg

Bìa cuốn hồi ức Cô bé nhìn mưa của GS Đặng Thị Hạnh


Trong khi đó, tuy không xuất hiện từ con đường xuất bản chính thức, chỉ là sản phẩm trôi nổi trên Internet và tác giả đã phải lên tiếng trên RFA để khẳng định ông “hoàn toàn không có ý định công bố bằng bất cứ phương tiện thông tin nào, vậy mà có ai đó đã làm một cách nào đó khui ra được đưa lên mạng. Tôi rất bất ngờ và cũng rất bất bình về chuyện này” thì cuốn hồi ký của GS Nguyễn Đăng Mạnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát của tác giả, làm một số người vốn rất yêu quý ông thất vọng rồi chạnh buồn, còn một số người thì phẫn nộ.

Lại có người lập luận rằng, hồi ký của GS Nguyễn Đăng Mạnh chưa chính thức công bố nên không thể chính thức công bố nên không thể nhận xét, nói đi thì như thế, song nói lại thì tồn tại công khai của nó trên Internet đã đặt Giáo sư vào tình thế không thể gọi là “vô can”, cho nên dù thế nào thì Giáo sư vẫn phải chịu trách nhiệm đối với cuốn hồi ký được công bố ngoài ý muốn của ông (cứ cho là như vậy).

Như vẫn thấy ở nhiều cuốn hồi ký khác, hồi ký của GS Nguyễn Đăng Mạnh là chuỗi dài những ký ức từ tuổi thơ đến tuổi “tuyển hồi” (tuổi làm tuyển tập và viết hồi ký – như tác giả dẫn theo lời Nguyễn Tuân). Nhiều sự kiện, nhiều vấn đề từ gia đình tới xã hội, từ công việc chuyên môn đến đồng nghiệp, bạn bè… được tác giả kể lại qua nhiều góc độ khác nhau: là người trong cuộc, người quan sát, nghe qua bạn văn, thông tin thu lượm qua dư luận. Sẽ không có gì đáng nói nếu khi viết hồi ký, tác giả trang bị cho ngòi bút một thái độ khách quan, tuân thủ tính nghiêm ngặt của lịch sử, tôn trọng các nguyên tắc liên quan tới tính trung thực, đặc biệt khi đưa ra các nhận xét, suy nghĩ cần tôn trọng chính mình.

Hình như vì nhận thấy một số điều ông viết là chưa xác đáng, GS Nguyễn Đăng Mạnh phân bua trên RFA: “Tôi quan niệm viết hồi ký trước hết để giải toả cho bản thân mình. Như là một hình thức giải trí cho bản thân mình và cũng có thể là cho một số người thân”. Nói như thế, ông đã quên ở phần Mở đầu hồi ký, ông từng viết: “Vậy tôi viết hồi ký với tư cách gì? Chỉ để cho mình được giải toả cũng được chứ sao! Ngoài ra, liệu còn có ích cho ai nữa không? Tôi không tin lắm. Cũng có thể có tác dụng trong một phạm vì hẹp, trước hết đối với những người thân, ngoài ra là những ai coi cuộc đời riêng của tôi cũng có một cái gì đó đáng tò mò và sự nghiệp viết lách cho tôi không đến nỗi hoàn toàn vô giá trị. Nghĩa là cũng muốn tìm hiểu, cũng muốn giải thích”.

Như thế là hồi ký của Giáo sư đâu chỉ giải toả, giải trí cho bản thân và có thể cho một số người thân, mà còn dành cho những ai “muốn tìm hiểu, muốn giải thích” ông nữa chứ?

Như một hiện tượng tâm lý độc đáo, mỗi khi nhắc tới quá khứ, nhiều người trong chúng ta thường có xu hướng nhìn quá khứ qua các hồi ức đẹp, thậm chí còn tô vẽ quá khứ như một bức tranh phù hợp với trí tưởng tượng của mình ở thời hiện tại. Hồi ký của GS Nguyễn Đăng Mạnh cũng vậy, không bàn tới các hồi ức về gia đình, về những người thầy và bạn thân, chỉ bàn tới hồi ức về nghề nghiệp, về đồng nghiệp về môi trường làm việc, về các vấn đề xã hội – con người Giáo sư đã đề cập… Không khó nhận ra ở GS Nguyễn Đăng Mạnh tâm thế của một người xác định mình viết đúng, nói đúng, nên nhiều khi ông trở thành “nạn nhân” của một số đồng nghiệp vừa dốt chữ vừa xấu chơi.

Với Giáo sư, việc gắn mấy chữ “ngu, đểu, hèn, lưu manh, đầu gấu” vào tên tuổi của người khác không phải là việc cần phải cân nhắc. Lạ một nỗi là những chữ “ngu, đều, hèn, lưu manh, đầu gấu” này thường đi liền với tên tuổi của một số người ông không ưa hoặc có hiềm khích về nghề nghiệp, mà đỉnh cao là những dòng ông viết về một cây bút trẻ đã sớm yểu mệnh. Với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chỉ vì họ đã đăng bài phê phán ông, Giáo sư cũng không ngần ngại miệt thị các nhà văn nhà thơ ở Tạp chí này là “đám Văn nghệ Quân đội”. Tất cả cho thấy GS Nguyễn Đăng Mạnh không “thể tất nhân tình”, ông viết như cho hả giận chứ không viết như hồi cố để giãi bày, tâm sự.

nguyendangmanh.jpg

GS Nguyễn Đăng Mạnh

Việc làm này hết sức phản cảm và không phải là vô lý nếu đặt câu hỏi: Phải chăng GS Nguyễn Đăng Mạnh viết hồi ký một phần là để thanh toán “ân oán nghề nghiệp” hơn là kể lại, mô tả, bình luận các sự kiện, con người của quá khứ mà ông đề cập như chúng vốn có?

Là người đã đọc và đặt niềm tin vào nhiều công trình nghiên cứu, bài tiểu luận GS Nguyễn Đăng Mạnh đã công bố, điều kinh ngạc nhất của người viết bài này khi đọc hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh là việc tác giả sử dụng quá nhiều thông tin thường chỉ được xếp vào loại “ngồi lê đôi mách”, là chuyện phiếm bàn trà, mà các văn nhân, thi sĩ thường kể ra để tếu táo vui cười, không phải để công bố. Là người làm khoa học, không lẽ Giáo sư lại bỏ qua sự nghiêm cẩn khi huy động thông tin về các “sự thật nháp” (chữ của GS TS Nguyễn Văn Dân) vào cuốn hồi ký.

Thậm chí ông còn dựa vào các “hoang tin” trên Internet, dựa trên sự đồn đại để xây dựng hình ảnh, đưa ra những nhận định rất cảm tính và vô trách nhiệm về một số con người nổi tiếng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tố Hữu… chẳng hạn. Tất nhiên GS Nguyễn Đăng Mạnh có quyền đưa ra nhận xét về mọi con người, sự kiện, song sòng phẳng mà nói, quyền ấy chỉ có giá trị khi ông thực hiện nó phù hợp với lương tri của một trí thức, xuất phát từ sự tỉnh táo của lý trí, không phải để thoả mãn một não trạng nhìn đâu cũng thấy mưu mô, nhìn ai cũng là kẻ xấu.

Đáng tiếc là ngoài mấy chương viết về gia đình, về các ý tưởng và kết quả nghiên cứu văn học, phần còn lại của cuốn hồi ký chỉ là một mớ hỗn tạp các chi tiết đời thường, các giai thoại méo mó, các thông tin “vỉa hè”, các bình luận vội vàng (nếu không nói là hồ đồ). Còn đồng nghiệp của ông, nhiều người được mô tả, nhận xét với con mắt kẻ cả và khinh mạn, người thì bất tài, người thì ngu dốt, người thì mưu mô thủ đoạn, người trì trơ trẽn…, chỉ riêng ông là sáng suốt, là đứng ngoài mọi sự xấu xa, đứng ngoài sự ngu dốt.

Ông như người đứng ngoài những hệ quả nghề nghiệp của một thời mà quên rằng, chính ông cũng góp phần đưa tới các hệ quả đó, như với Vũ Trọng Phụng, chẳng lẽ những gì viết về Vũ Trọng Phụng trong cuốn “Nhà văn tư tưởng và phong cách” lại không phải là của Giáo sư? Chọn cách nhìn như vậy, GS Nguyễn Đăng Mạnh không thể đưa tới ấn tượng về thái độ khách quan của người viết hồi ký. Ông làm thất vọng những người quý trọng ông, vì nếu đó là suy nghĩ thật, đánh giá thật của ông thì hình ảnh về con người của Giáo sư hiện lên trong cuốn hồi ký là một hình ảnh rất khó đưa tới sự quý trọng.

Sống trong cuộc đời này, chẳng có cách nào khác; mỗi người đều phải chung sống với mọi hay - dở, tốt - xấu, có những điều vừa ý lại có những điều chỉ nhớ tới vẫn còn thấy bực bội…Vì thế khi kể lại và suy nghĩ về những gì mình đã trải qua, nếu không biết điều chỉnh ngòi bút, người ta dễ biến hồi ký thành nơi trút hận. Mà thật ra, nếu ai đó muốn trút hận trong hồi ký thì cũng chẳng có gì ghê gớm, điều đáng nói là ở chỗ cái hận của anh ta như thế nào, có đáng trút hay không, khi anh ta nói ra sẽ nhận được sự tán thưởng hay chê cười.

Như GS Đặng Thị Hạnh chẳng hạn, từ sự ý thức viết hồi ký “dễ động chạm đến đời tư của người khác”, bà đã cẩn trọng bởi e rằng “những điều mình viết ra ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”. Thiết nghĩ, sự cẩn trọng của bà là cần thiết và là một ứng xử có văn hoá. Nếu đi quá xa, người viết hồi ký không những sẽ làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người khác mà còn xúc phạm đến danh dự của người khác. Khi viết hồi ký, đừng vì ý nghĩa cá nhân của hồi ký mà sao lãng các mối liên hệ giữa cá nhân với đồng loại. Và không có ý nghĩa nào khác, con người sẽ tự làm méo mó hình ảnh của chính mình khi để ngòi bút chạy theo những suy nghĩ cảm tính, vụn vặt, thiếu lòng nhân ái…

Theo Thanh Trúc
An Ninh Thế Giới




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC