Xông đất đầu nămNăm nay bạn đã chọn cho mình người xông đất nhà? Chuyện xông đất có nhiều nét văn hóa thú vị.

Tục lệ xông đất đã có lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm ngày mùng Một "khai trương" một năm mới. Họ cho rằng vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ.

Gia chủ sẽ căn cứ vào sự thành đạt, tài cán, đức độ, sức khỏe... của người xông đất để đoán vận hạn cho mình. Tục xông đất thể hiện khát vọng về sự thịnh vượng, an khang và người xông đất như một dấu hiệu để người ta giải đoán trước hậu vận của năm đó.

Vì sao quan trọng chuyện xông đất?

Với người Việt, tục xông đất ở các vùng gần như giống nhau. Khách đến xông đất phải đến vào sáng sớm ngày mùng Một (vì muốn là gười khách đầu tiên), mang theo quà biếu như trái cây, bánh mứt và tiền lì xì cho trẻ con trong nhà. Chủ nhà, do đã sắp đặt trước, sẽ tiếp đón niềm nở và nhận những lời chúc tốt lành.

Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5-10 phút chứ không ai ở lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Người đi xông đất có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo sẽ may mắn trong suốt năm tới.

Cứ đến dịp cuối năm, hầu như ai cũng có ý tìm chọn trong họ hàng hay láng giềng những người tốt tính và làm ăn phát tài, có cuộc sống suôn sẻ để "xông đất" nhà mình. Tục xông đất đầu năm có ý nghĩa biểu trưng sâu sắc, thể hiện mong muốn hướng tới những điều tốt lành của người dân Việt.

Bất cứ ai cũng muốn được người tử tế, tốt tính đến xông đất nhà mình. Họ muốn trở nên tốt lành, thiện hảo hơn năm cũ. Vì thế, người ta thường để ý tìm người hợp tuổi với mình để dặn trước nhờ xông đất. Ví dụ, có người quan niệm người tuổi Tý tính nét bộc trực nhưng lời nói, cử chỉ rất cẩn thận, chặt chẽ, sống rất tiết kiệm. Họ dễ bị kích động nhưng tính tự chủ khá cao, ngoại giao khéo, thích nơi náo nhiệt. Tuổi này xung khắc với tuổi Ngọ và hợp với tuổi Sửu. (Năm Tý nên chọn tuổi tốt nhất là Tân Sửu hay Qúy Sửu xông nhà).

Người tuổi Sửu cần cù, nhẫn nại, bảo thủ và quá thận trọng trong công việc. Bề ngoài họ mềm mỏng, chất phác và rất tôn trọng truyền thống, sống kỷ luật, thẳng thắn, công minh, không thích dùng thủ đoạn và hay ghi chép sổ sách. Tuổi này xung khắc với tuổi Mùi và hợp với tuổi Tý. Mời người tuổi Bính Tý hoặc Mậu Tý đến xông nhà là tốt nhất.

Mỗi dân tộc một tập tục

Một số dân tộc ở nước ta cũng có tục xông đất. Với người Mường, khi thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới đến, thanh niên nam nữ sẽ tụ tập sẵn ở nơi trung tâm của làng rồi cùng nhau tỏa đi khắp nơi, đến từng nhà xông đất, chúc Tết cho tới khi trời sáng.

Ngày đầu tiên của năm, tại các bản làng người Mường diễn ra các lễ hội với nhiều trò chơi thú vị. Các chàng trai cô gái trong những bộ quần áo đẹp nhất cùng nhau hòa mình vào các trò chơi như: tung còn, kéo co, đánh đu... Đêm đến, từng đôi trai gái dắt tay nhau đi chúc Tết gia đình, bạn bè hoặc chụm vào với nhau quanh bếp lửa bên bình rượu cần. Họ vừa uống vừa ca hát để rồi sáng hôm sau lại có mặt thật sớm tại nơi những lễ hội diễn ra. Tết của người Mường thường diễn ra hết ngày mùng Ba, nhưng tùy từng nơi kết thúc sớm, muộn khác nhau.

Sáng mùng Một, người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít, có lẽ để phòng đau bụng. Ngày mùng Một, người phụ nữ trong nhà được đem xôi đã đỗ ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà (bình thường họ không được "bén mảng" đến khu vực đó!). Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp cúng tổ tiên nhà vợ.

Người Kinh kiêng đến nhà, nhưng người Thái mùng Một đã đi nườm nượp đến nhà nhau chúc Tết. Họ chỉ kiêng vứt lá dong xuống gầm sàn, kiêng quét nhà. Tối ngày mùng Một họ đã làm lễ tạ. Từ chiều mùng Một, thanh niên bắt đầu đi chơi và muốn đi đến lúc nào cũng được, đến làng nào ăn uống ở làng ấy, có khi đi đến mùng Mười mới về.  Các trò chơi khá náo nhiệt, gồm đánh cầu lông (cầu lông gà), ném còn...

Người Nùng mong được sẻ chia niềm vui với tất cả mọi người. Sáng mùng Một Tết, ngày thiêng liêng nhất trong năm, người ta cắt những băng giấy đỏ dán lên tất cả những công cụ lao động trong nhà và mỗi gốc cây trong vườn, chuồng trại... Không những thế, họ còn thắp hương cầu thần linh phù hộ cho mọi thứ xung quanh mình luôn được may mắn, tốt đẹp.

Ngày mùng Một Tết, người Nùng không đến nhà nhau. Ai nấy ở nhà nấu những món ăn của ngày Tết. Ngày mùng Hai là ngày họ đi lễ Tết bên ngoại, lễ vật là một con gà trống thiến, một cặp bánh chưng xanh, vài phong bánh khảo đặt lên bàn thờ bên ngoại. Từ ngày mùng Ba cho đến những ngày sau đó trong tháng Giêng, anh em bạn bè xa gần mới đến thăm hỏi, chúc Tết nhau.

Tết của người Tày bắt đầu vào ngày 30 và kết thúc vào khoảng sáng mùng Ba. Ngày 27 hay 28 các gia đình thịt lợn, gói bánh... Bàn thờ được lau chùi, người ta buộc bốn cây mía vào bốn góc chân bàn thờ, quan niệm đó là cái gậy để tổ tiên chống. Tối 30, vừa tiếp bạn bè đến chơi, phụ nữ trong nhà vừa làm bỏng, chè lam, bánh khảo. Mọi sự thăm viếng kết thúc trước 12g đêm 30. Sau đó ai về nhà nấy. Trẻ con phải thức trực tuổi cả đêm.

Khác với người Thái, người Tày kiêng sáng mùng Một có bất kỳ người nào vào nhà. Họ chọn mời người xông nhà là người có đạo đức trong bản, người có phúc lớn, kỵ nhất là người có tang hoặc bị ma gà ám... Đàn ông Tày mùng Một chơi cha (tức bố mẹ vợ), mùng Ba chơi thày (thày cúng). Một số trò chơi cũng được phát động, phổ biến nhất là tung còn.

Với người Dao sớm mùng Một, lúc trời còn tối, một người trong nhà thường là trai tráng, khỏe mạnh, tay cầm đuốc, tay cầm dao chạy ra ngoài ngõ rồi chạy quay vào trong nhà, chém vào không khí, miệng hô hoán "đuổi nốt con ma cuối cùng" ra khỏi nhà mình. Sau đó, cả gia đình xúm xít chuẩn bị bữa cơm cúng đầu tiên của năm mới.  Gia đình người Dao là gia đình nhiều thế hệ, do vậy, có bao nhiêu cặp vợ chồng cũng có bấy nhiêu mâm cỗ để vái vọng hương hồn họ ngoại (người đã có công sinh thành những người con dâu cho gia đình mà chưa có dịp đến đáp).

Người Dao ở Việt Bắc cho rằng, ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ lo vui chơi, thăm viếng và chúc tụng nhau. Nhà nào nhà nấy đều trang hoàng sáng sủa và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng xuân. Người Dao đón Tết bằng Tết nhảy gọi là "Nhiang chằm Đao" nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe và võ nghệ.

Tết nhảy bắt đầu trước Tết Nguyên đán chừng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gương đao bằng gỗ để múa. Mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...

Người H"mông ở vùng cao Tây Bắc và Việt Bắc ăn Tết rất thịnh soạn, chẳng kém gì ở miền xuôi. Trong nhà trang hoàng đủ màu sắc, nhưng màu đỏ được ưa chuộng nhất. Tết Nguyên đán của người H"mông gọi là NaoX-Cha. Ngoài thịt ra, còn có bánh làm bằng bột nếp, bánh chưng ít khi dùng. Tết của người H"mông thường tổ chức giữa mùa đông giá rét trước hay sau Tết Dương lịch mấy hôm. Đêm giao thừa người H"mông không có tục xông đất mà các gia đình thường cử con trai đi "mở nước", tức là đi lấy nước ở sông suối đem về nhà cúng.

Sáng mùng Một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể bà con xa gần đều tề tịu về ba nơi hành lễ, quần áo mới, chỉnh tề. Các thày cả và các bà bóng ngồi theo phẩm trật, thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp. Ngày Tết, người Chăm theo đạo Hồi thường đến nhà thờ đạo Hồi vào ngày đầu năm để nghe các chức sắc đọc kinh Koran, cầu nguyện đấng Allah. Sau đó, các tín hữu ra sông, suối để tắm tẩy uế những cái xui, xấu của năm cũ và rước cái mới, cái tốt lành của năm mới.

Ngày mùng Hai Tết là ngày dành riêng cho các chức sắc ăn tết tại nhà. Qua ngày thứ ba trở đi, cho đến ngày thứ 7 hay thứ 9 đến lượt mọi người tổ chức ăn tết, lần lượt từ nhà này sang nhà khác. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ lựa chọn một ngày duy nhất trong khoảng thời gian quy định.

Xông đất đem an lành

Ngày nay, đối với những người làm kinh doanh, việc chọn "ngày lành tháng tốt" để bắt đầu công việc, chọn người hợp tuổi để khai trương, xông đất đầu năm không còn là chuyện quá hiếm. Giới doanh nhân tâm niệm ngày đầu "xuất quân" suôn sẻ sẽ đem lại một năm làm ăn may mắn.

Trên đây là một vài tục đón Tết, xông đất đầu năm của một số dân tộc. Dẫu có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng xông đất vẫn là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ. Trong mùi hương trầm thoang thoảng ấm cúng, người đến xông đất cùng gia chủ rót tách trà ngon, mời nhau chiếc bánh ngọt hay uống một ly rượu, rồi cùng cầu chúc những điều tốt đẹp cho nhau trong năm mới.

TheoTT&GĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC