Hôm nay đi ngang qua đền Bà Kiệu, thấy trên đồng hồ đếm ngược hiện ra con số 429 ngày nữa tới Đại Lễ 1000 Thăng Long... Giật mình. Giả thử bây giờ có bạn trẻ hỏi: Ngày xửa ngày xưa trai gái Thăng Long yêu nhau thế nào? Có giống với tình yêu của giới trẻ thời nay không?
Thôi thì "ăn cơm mới nói chuyện cũ". Ta cứ thử hình dung, ngót cả ngàn năm trước, một cặp tình nhân Thăng Long chăm sóc, âu yếm nhau thế nào khi chàng vâng mệnh triều đình, lo công vụ nên phải xa kinh đô.
Ôi, tạm quên đi bao nhớ nhung, sầu muộn sẽ đến trong quãng ngày xa nhau, nàng tự tay chăm chút từng ly từng tý, sắp xếp hành trang cho chàng ngược lên phía bắc. Chàng làm sao quên được hình ảnh nàng hớn hở vác cái ống tre có mắt hai đầu, ở giữa khoét một cái lỗ nhỏ để bỏ tiền dành dụm gọi là ống "phốc mãn".
Nàng khoe như một đứa trẻ rằng, từ khi nàng còn bé, mỗi lần tết đến, ai cho tiền mừng tuổi, nàng nhét ngay vào "phốc mãn". Bây giờ nàng đã mười tám tuổi, cái ống tre đã đầy nhóc tiền. Nàng quyết định đập ống. Chàng thích thú nhìn những đồng tiền đổ ra tung tóe trên nền nhà.
- Tiền "bùa" đấy, chàng giữ lấy làm khước!
Chàng ngơ ngác nhìn nàng. Sao lại gọi là "tiền bùa"? Xưa nay chàng vốn độc thân lại chỉ quen sống trong quân ngũ, mọi việc tiêu pha sắm sửa đều do những người lính hầu lo liệu nên chàng hầu như không biết gì về chuyện tiền nong. Nàng mỉm cười giảng giải:
- Tiền này không tiêu được như tiền bình thường nhưng người ta quý nó lắm. Mấy ông thầy cúng, thầy bói dùng tiền này để gieo quẻ hoặc ban phát cho các thân chủ của mình đeo trong người hay treo trên vách nhà để trừ tà ma. Vì thế mới gọi là "tiền bùa". Tiền cũng đúc hình tròn, khi có lỗ khi không, có khi đúc thêm đoạn chuôi cầm hoặc hình tượng các vị thần linh.
Nghe xong, chàng cảm động nhận đồng tiền còn ấm hơi tay nàng. Nàng cười cười, thu vén những đồng tiền còn lại rồi tuyên bố:
- Còn những đồng tiền này, thiếp có việc phải cần đến chúng.
Chàng cứ nghĩ là nàng sẽ dùng số tiền đó sắm sửa chút gì đó cho riêng nàng. Chàng có ngờ đâu, nàng cất công đến tận tổng La Phù, huyện Thượng Phúc chọn mua giống nếp tốt, trữ lâu một hai năm, mang về cho vào nồi rang, vỏ trấu tróc hết mà hột gạo không nở bung như con nhộng, rồi rưới nước đường ngào thành cơm, rất ngọt và mềm có thể giữ lâu ăn ngon không kém gì cốm Vòng.
Ai không biết, tham bỏ một miếng to vào ấm pha trà thì mùi vị rất đắng, pha đúng liều lượng thì có mùi vị ngọt, dịu, ngậm mà nuốt thì hết đau họng. Nàng còn mua cho chàng thứ trà Đăng trông bên ngoài như rêu xanh, vị cay gắt tính hơi hàn, có công dụng làm mát tim phổi, giải khát và ngủ ngon. Hoa và nhụy trà Đăng càng tốt hơn, mùi hương hết sức tự nhiên. Nàng còn dặn chàng: Lúc nào chàng đi đường thấy khát nước, dừng chân nghỉ tạm đâu đó thì hãm một ít thêm mấy bông cúc, thung dung ngồi uống sẽ thấy sảng khoái, hứng thú thanh cao siêu dật thoát trần!
Chàng bật cười kêu lên: Trời ơi, nàng tưởng chàng đi chuyến này như đạo sĩ Cát Hồng tìm nơi có đan sa để luyện phép tiên sao?
Nàng vênh mặt đáp: Ý, thiếp đâu dám quên sứ mạng trọng đại của chàng. Chính vì vậy thiếp chỉ lo trà cho chàng uống dọc đường chứ không cho mang theo rượu dù rượu có loại Hà Hoa vừa thơm vừa ngon. Chàng biết không, ngày xưa bà phi của vua Vũ là Nghi Địch làm rượu dâng lên, vua uống khen ngon nhưng từ đấy xa dần bà ta và không bao giờ uống rượu ngon nữa. Vua bảo: Đời sau ắt có người vì rượu mà mất nước
Chàng ngẩn người nghe nàng liến thoắng. Thật đúng là con gái nhà nòi của kinh đô, thông thi thư, lễ nhạc, nói năng vừa có duyên, ý tứ sâu xa lại gửi gắm tình cảm nồng đượm. Chả bù cho nhiều vị đường quan trong triều còn chưa biết chữ!
Nàng còn đến chợ Đông mua gấm về, tự tay khâu hai lớp thành cái túi để chàng đựng các thứ áo, lược, khăn, gương, hương liệu, thuốc men, sách vở và những vật dụng tùy thân. Chàng khen cái túi thật giản tiện cho một sứ trình dài mấy tháng trời. Đôi gò má thoáng ửng hồng, nàng bảo khẽ:
- Chàng mở ra xem liệu thiếp sắp xếp còn thiếu thứ gì không?
Chàng hăng hái mở cái túi, một mùi hương thơm ngát ướp sẵn bay ra. Chàng thốt lên:
- Thơm quá, toàn mùi hương bưởi.
Nàng bẽn lẽn đáp:
- Trong sân nhà thiếp có cây bưởi, mùa xuân nở nhiều hoa lắm, nhụy tròn mà trắng như hột châu, tách riêng ra thì giống hoa trà, mùi hương thơm dịu. Ngày xưa, hồi thiếp còn bé tí, chị gái thiếp chưa đi lấy chồng, hai chị em thường hái hoa bưởi xuống, thi nhau xem ai làm nước hoa thơm hơn. Chị thiếp bao giờ cũng thắng. Thiếp vụng về lắm!
Chàng không kìm được lòng mình, cầm nhẹ tay nàng âu yếm:
- Không, nước hoa bưởi của nàng thơm không có hương liệu nào trên đời sánh kịp!
Nàng sung sướng nép vào vai chàng, nói giọng rung rung:
- Thiếp để gói tăm tre chỗ này nhá. Người phương bắc cầu kỳ, ưa lấy lông đuôi voi xỉa răng nhưng không tốt bằng tăm tre của mình đâu. Còn đây là những miếng tre mỏng, thiếp phơi khô rồi tẩm lưu hoàng, ban đêm có việc gấp cần đánh lửa thắp đèn thì dùng, bén nhanh lắm. Đây là cái hộp đựng bút bằng gỗ tử đàn đấy. Chàng trông có đẹp không?
Chàng rạo rực trước sự chăm sóc quá chu đáo của nàng. Nàng đưa cho chàng một chiếc lược dày bằng gỗ:
- Chàng chớ coi thường vật nhỏ mọn này nhá. Vật khinh hình trọng mà. Người ta tưởng lược chỉ dùng để chải tóc cho ngay ngắn, nhưng cổ nhân đã dạy: hễ thường dùng lược chải đầu thì có thể hạ khí độc, đuổi khí tà nên mới gọi lược là "mộc xỉ đan", cái răng bằng gỗ có tác dụng như thuốc!
Buổi chiều cuối cùng, trước ngày chàng vượt Nhĩ Hà, sang bên làng Ái Mộ rồi lên biên ải, nàng và chàng ngồi nói chuyện với nhau trong một quán bán nước chè tươi trên bến Giang Khẩu, bên bờ bắc Tô Lịch gần tòa Trà đình của nhà vua, nhìn sang bên kia sông là đền Bạch Mã.
Số là mùa hè vừa rồi, nàng bị ốm mất cả tuần trăng. Sau khi lành bệnh, nàng gầy võ vàng, nước da tái mét. Nàng rầu rĩ mỗi lần soi gương. Chị gái nàng thấy vậy, bảo nàng:
- Đừng lo, chị sẽ giúp em gái chị đẹp như tiên nga giáng trần, khỏi sợ ý trung nhân của em chê!
Nàng dụi mặt vào ngực chị thì thầm:
- Em xấu như ma thế này chắc ế mất chị ơi.
- Thôi đi, cười lên rồi ra chợ Dừa mua cho chị hai cân sáp ong, hai cân dầu vừng không có thì dầu sở cũng được. Nhớ đi qua cửa hàng của người tầu ở phường Đường Nhân mua mấy lạng chu sa!
Nàng ngơ ngác:
- Chị định làm gì với những thứ đó?
Chị nàng dí tay lên trái cô em gái bướng bỉnh:
- Làm gì rồi biết. Đi nhanh lên!
Nàng tất tưởi ra khỏi nhà, mua mấy thứ chị nàng dặn. Ở nhà, chị nàng nhờ bà vú già nấu bếp nhóm lửa, đặt lên bếp một cái nồi khá lớn.
Lúc nàng quay về, chị gái nàng nhanh nhẹn lấy sáp ong thái thành những miếng nhỏ, hòa với dầu vừng rồi để vào nồi chưng cách thủy bỏ cùng một ít chu sa. Vừa làm, chị nàng vừa giảng giải cho em gái. Đợi chưng xong, để nguội rồi bóp cho nhuyễn ra, nhào nặn hàng trăm lần, nắn thành bánh, ướp với các giống hoa thơm, lại nhồi bóp nữa cho đến khi thật nhuyễn mịn, khi ấy mới dùng để trang điểm. Chính chu sa tạo nên màu trắng hồng.
Nàng thích thú, ngoan ngoãn ngồi im để bà chị gái làm đẹp cho mình. Khắp phòng tỏa ra mùi hương êm ái, ý vị…Chưa hết, chị nàng còn hướng dẫn nàng hàng ngày, trước khi đi ngủ lấy nhụy hoa mạt ly chà xát khắp cơ thể khiến da dẻ thêm trắng mịn và ngan ngát mùi hương quyến rũ…
Nàng không cần liếc nhìn cũng biết chàng đang ngắm mình háo hức và ngưỡng mộ. Trái tim thiếu nữ thanh tân của nàng rộn lên xao xuyến và rạo rực…