Truyền thông Mỹ gần đây tiết lộ Tổng thống Donald Trump liên tục nhắc đến khả năng dùng bom hạt nhân để trung hòa các cơn bão biển sắp đổ bộ vào nước này.
Thống thống Trump muốn dùng bom diệt bão?
“Tại sao chúng ta không ném bom hạt nhân vào chúng”, Tổng thống Trump hỏi trong cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng về các cơn bão.
Theo Axios, ông Trump đang ủng hộ một giải pháp hạt nhân cho những cơn bão nhiệt đới tấn công vùng đông nam nước Mỹ.
“Chúng hình thành ngoài khơi châu Phi. Nếu chúng đến Đại Tây Dương, ta thả một quả bom vào cơn bão và phá vỡ nó. Tại sao chúng ta không thể làm điều đó”, trang Axios dẫn lời ông Trump.
Tổng thống Trump hiện đã bác bỏ thông tin cho rằng ông đề xuất “ném bom hạt nhân vào tâm bão”. Ảnh: Axios.
Tổng thống Trump hiện đã bác bỏ thông tin cho rằng ông đề xuất “ném bom hạt nhân vào tâm bão”. Nhưng câu hỏi khiến nhiều người quan tâm là cần bao nhiêu sức mạnh để phá hủy một trận bão?
Việc tìm cách ngăn các cơn bão bằng bom đã được nghĩ đến từ lâu. Vào những năm 1950, các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng sử dụng bom hạt nhân để đổi đường đi và cường độ các cơn bão.
Thế nhưng theo một tài liệu từ Cơ quan Khí tượng và Thủy văn Quốc gia Mỹ (NOAA), đây không phải ý tưởng hay. Họ viết rằng không thể phá vỡ một cơn bão bằng bom hạt nhân đơn giản vì công suất nổ không đủ mạnh để thay đổi áp suất không khí.
Bão hình thành như thế nào?
Bão là những cơn áp thấp diện rộng với tốc độ gió trên 74 dặm/h. Nó hình thành trên mặt nước ấm giữa đại dương. Khi độ ẩm tăng lên, nó giải phóng năng lượng, tạo thành giông bão. Khi nhiều trận bão được hình thành, những cơn gió xoắn ốc hướng lên trên và lan ra ngoài tạo thành các trận lốc. Mây hình thành trong khí quyển phía trên không khí nóng sẽ bị ngưng tụ.
Khi gió thổi, một vùng áp thấp hình thành trên bề mặt đại dương và giúp nuôi dưỡng hình dạng lốc xoáy của cơn bão. Nếu không khí nóng hoặc các vùng áp suất thấp biến mất, bão sẽ giảm sức mạnh hoặc tự tan.
Bão mạnh gấp trăm lần một vụ nổ hạt nhân. Ảnh: AP.
Vì vậy, vào năm 1959, Jack Reed, một nhà khí tượng tại Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, đã nêu ra khả năng phá vỡ các điều kiện thời tiết hình thành bão bằng vũ khí hạt nhân.
Reed đưa ra giả thuyết rằng chất nổ hạt nhân có thể ngăn chặn cơn bão bằng cách đẩy không khí ấm lên cao và ra khỏi mắt bão. Điều này sẽ cho phép không khí lạnh lọt vào tâm bão. Ông tin rằng nó sẽ khiến cơn bão tan đi.
Theo Reed, cách đơn giản để đưa bom hạt nhân tiếp cận trận bão là sử dụng tàu ngầm. “Một tàu ngầm có thể xuyên qua mắt bão từ dưới nước. Sau đó, nó phóng một tên lửa hạt nhân vào tâm bão rồi di chuyển đến nơi an toàn”, Reed viết.
Tuy vậy, ý tưởng của Reed vấp phải hai vấn đề được NOAA đề cập.
Cần bao nhiêu quả bom hạt nhân để phá hủy bão?
Đầu tiên, bão cực kỳ mạnh. Trong 20 phút, mỗi trận bão giải phóng năng lượng tương đương một vụ nổ bom hạt nhân với 10 megaton. Nguồn năng lượng này mạnh gấp 666 lần so với quả bom Little Boy mà Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
Vì vậy, để giải quyết một cơn bão, cần 2.000 quả Little Boy, giảm xuống sau mỗi giờ cho đến khi cơn bão tan biến hoàn toàn.
Tsar Bomba, quả bom hạt nhân lớn nhất từng được cho nổ với sức mạnh 50 megaton do Nga thực hiện tại Bắc Cực năm 1961 cũng không đủ để làm “sứt móng chân” một cơn bão.
Quả bom Little Boy được thả xuống Hiroshima, Nhật năm 1945 chỉ bằng 1/666 năng lượng của một cơn bão trong 20 phút.
Hơn nữa, NOAA cho rằng một cú sốc áp suất cao chỉ có thể làm tan cơn bão nếu như nó được thực hiện liên tục.
Ví dụ, muốn biến cơn bão cấp 5 Katrina với sức gió 175 dặm/h thành cấp 2 với sức gió 100 dặm/h cần nửa tỷ tấn khí. Một quả bom hạt nhân không bao giờ làm được chuyện đó. Hơn nữa, nếu bão giảm xuống cấp 2 thì nó vẫn tàn phá nhà cửa, đường sá… như bình thường.
Báo của NOAA cũng đề cập việc con người sẽ hứng chịu một cơn bão và lượng bụi phóng xạ nó mang theo.
“Bụi phóng xạ được giải phóng sẽ theo cơn bão ảnh hưởng đến khu vực đất đai và gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, tài liệu của NOAA viết.
Nếu Mỹ cố gắng phá một cơn bão bằng bom hạt nhân, bụi phóng xạ có thể lan sang các quốc đảo ở vùng Caribbean hoặc những bang giáp với Vịnh Mexico.
"Không cần phải nói, đây không phải là một ý tưởng tốt," bài viết của NOAA kết luận.