Anh Nguyễn Vũ Cân trong buổi trò chuyện với PV báo VietNamNet. Ảnh: Nguyễn Thảo
Cách đây hơn 3 năm, Nguyễn Đình Tôn Nữ, nữ sinh trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã được ĐH Harvard trao học bổng toàn phần cho 4 năm học.
Trong một buổi chia sẻ ấm cúng với chủ đề “Hãy để con bay!” với sự tham gia của đông đảo học sinh và các phụ huynh, anh Nguyễn Vũ Cân – bố của Nguyễn Đình Tôn Nữ đã nói, “đây không phải là một buổi truyền bá kinh nghiệm nuôi dạy con của mình”. Sau 3 năm, anh vẫn bảo lưu câu nói đó trong một cuộc trò chuyện gần đây với PV báo VietNamNet.
Không vào được Harvard thì học Lâm nghiệp
- Vợ chồng anh có khi nào mâu thuẫn quan điểm trong việc dạy con?
Có chứ. Thậm chí, khi con bé lên tới cấp 3, bà xã vẫn lo. Vợ mình vẫn bảo là lo cho con bé hơn thằng anh vì nó cứ “ngất ngất, ngây ngây, cá tính thế nào ấy”.
Mình có nói với vợ là không nên nói như thế trước mặt con. Nói như thế là so sánh 2 đứa với nhau và nếu chúng hiểu nhầm nhau thì sẽ không thân thiện với nhau.
Mỗi đứa có một cá tính riêng. Cái quan trọng nhất bây giờ là mình đang thấy nó vẫn đi học bình thường, trong cái bình thường ấy có nhiều cái bất thường. Nhiều khi “cái bất thường” là cái mới, cái tiến bộ chưa được chấp nhận thì cần có thời gian. Nếu mình chấp nhận được những cái bất thường ấy thì rồi dần dần nó sẽ trở thành cái bình thường.
Tất nhiên, khi con cái đã có được lòng tin tuyệt đối từ bố mẹ thì những điều bất thường có xu hướng tiêu cực, con không giấu chúng ta đâu. Mình nghĩ, chúng ta nên suy nghĩ và hành xử bao dung không chỉ với con cái mà cả với những người xung quanh thì kết quả chúng ta nhận được là sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
- Khi con còn nhỏ, anh có định hướng cho các con thi vào trường chuyên, lớp chọn không, hay cứ tự nhiên nó diễn ra như vậy?
Không! Thậm chí mình định hướng cũng không được.
Ví dụ như Tôn Nữ, khi học lớp 5, bạn ấy là á quân kỳ thi Olympic tiếng Anh thành phố. Hồi đấy, gia đình muốn cho bạn lên trường Giảng Võ học, sau định hướng thi vào Amsterdam. Nếu bạn ấy cứ theo như thế thì có thể vẫn vào được trường Ams, nhưng có khi lại không được Tôn Nữ như bây giờ.
Khi vợ mình dẫn con lên Giảng Võ nhận trường thì có chút trục trặc. Sau này, Tôn Nữ giải thích cụ thể thế này: “Cái vụ trường Giảng Võ là do phải nộp học bạ gốc mà mình không biết, mang bản photo, nên trên đường về nhà lấy con mới nói không học Giảng Võ nữa. Với con nhớ, hồi đấy cũng phải xin xỏ vì trái tuyến. Dù còn nhỏ thì con cũng không thích việc đấy. Học ở Trường Việt Nam - Algieri đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Con cảm nhận được điều đấy”.
Vợ chồng mình hoàn toàn ủng hộ quyết định của con vì tin rằng nó quyết định đúng.
Chỉ có duy nhất một việc mình can thiệp, đó là nhờ các cô không để cho bạn ấy làm cán bộ lớp. Quan điểm của mình là không tập cho trẻ con ham quyền lực. Mình vẫn nói với con, quyền lực không quan trọng, ảnh hưởng mới quan trọng. Cho đến bây giờ mình vẫn kiên định với quan điểm ấy.
Mình trao đổi với con rằng, nếu con có ảnh hưởng tốt thì con sẽ tập hợp được nhiều người xung quanh mình.
Mặc dù không làm cán bộ lớp nhưng từ tiểu học, THCS rồi THPT, bạn ấy lại là người khởi xướng các phong trào, sáng kiến ở trường, lôi kéo được các bạn tham gia.
- Nhiều phụ huynh hay “thổi” ước mơ đi du học cho con từ nhỏ. Tôn Nữ có thành tích học tập rất tốt từ khi học tiểu học. Anh có từng nhen nhóm ý định hay có tác động gì để con đặt mục tiêu đi du học, hay vào các trường tốp đầu như Harvard không?
Hoàn toàn không. Mình từng nói mình là ông bố “vô tích sự”. Bạn ấy nhờ cái gì thì làm cái đó.
Mình vẫn nói là nếu đi du học được thì tốt, nhưng nếu du học dựa hoàn toàn vào kinh phí của gia đình thì nên cân nhắc với cùng kinh phí ấy, nên học trong nước hay ngoài nước tốt hơn.
Về việc đi du học, chính Tôn Nữ nói là nếu không đi du học thì học đại học trong nước. Nếu không được học ở những trường đại học tốp đầu trong nước thì bạn ấy đi học ĐH Lâm nghiệp, vì bạn ấy thích rừng. Tất nhiên là bạn ấy nói theo cảm hứng riêng trong tâm thế rất thoải mái, an nhiên.
Mình nghĩ là khi trong đầu đã có một lượng kiến thức nhất định thì kiểu gì bạn ấy cũng sống được, còn việc quyền cao chức trọng là do cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm sống, do cách bạn ấy xây dựng các mối quan hệ... Những việc ấy mình không thể đi làm thay bạn ấy được.
‘Dân chủ không nghe thì phải thể hiện quyền lực’
- Những khi con không chịu tiếp thu hay không chấp nhận những gì anh hướng dẫn, khuyên bảo, anh làm thế nào?
Có rất nhiều lần như thế. Ví dụ như có lần bạn ấy muốn lái xe ra sân bay đón mẹ nhưng lại dậy muộn. Khi bắt đầu đi, bạn ấy không làm theo hướng dẫn của bố, cứ tự làm theo ý mình. Lúc ấy, mình yêu cầu con không lái xe nữa vì tâm lý con như thế là không ổn định. Mình nói dứt khoát luôn là bây giờ không phải là giờ để con xây dựng phương pháp, không phải là giờ để con tự ý, mà phải theo hướng dẫn của bố hoặc để bố tự lái. Thế là bạn ấy tự ái, xuống xe đi bộ về.
Có những khi mình phải thể hiện quyền lực và các con phải tuân theo nhưng rất hãn hữu. Khi các bạn ấy cưỡng lại, mình phải tìm lối thoát cả cho cả hai chứ không đối đầu.
Sau đó, các bạn ấy sẽ nhận thức ra là mỗi người có một quyền. Và phương pháp tiếp cận cái quyền ấy của mỗi người một khác. Có người thì nới lỏng quyền lực của mình, có người thì làm chặt vô cùng, có người thì tùy cơ ứng biến. Mình thuộc dạng thứ 3. Bởi vì trong trường hợp ấy, nếu cứ để nó tiếp tục như thế, sẽ gây nguy hại cho cả đôi bên. Mình đã để cho một giới hạn dân chủ rồi mà con vẫn không nghe thì lúc ấy mình phải thể hiện quyền lực.
Tôn Nữ vãn cảnh chùa làng cùng với bố năm 2019. Ảnh: NVCC
- Anh từng nói, anh hay bị mọi người chê trách là “viển vông” khi dạy con?
Thực sự là nhiều người bảo mình chiều con. Một ví dụ mà mọi người cho là “viển vông”, đó là chuyện “gap year” của Tôn Nữ.
Khi gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đi học của con rồi thì đùng cái con thông báo sẽ nghỉ 1 năm chưa đi. Lúc ấy, Donald Trump vừa trúng cử Tổng thống, dự đoán nước Mỹ sẽ có nhiều thay đổi.
Mọi người can ngăn rất nhiều. Khi ấy, mình cũng mơ hồ. Nhưng mình nói với mọi người là cháu đã quyết định rồi, mình không còn cách nào khác là ủng hộ cháu thôi.
Mình ủng hộ ngoài việc tin tưởng tuyệt đối vào quyết định của con còn phải dựa vào sự hiểu biết nhất định của chính bản thân mình. Cái này quan trọng lắm vì nó làm mình tự tin và củng cố lòng tin đã đặt trọn vẹn vào con.
Lúc ấy, mình tin rằng có thể chính quyền thay đổi nhưng hệ thống hành chính và giáo dục của Mỹ thì không thay đổi. Cũng có người bảo mình như thế là viển vông. Nói viển vông là vì nó không phù hợp với số đông nhưng không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về số đông. Và quan trọng nhất là mình phải đặt cược niềm tin vào con.
Ngay cả bây giờ, khi vừa về Việt Nam, bạn ấy nói thích ra ở riêng. Ban ngày, bạn ấy ra chỗ của bạn ấy học hành, quan hệ bạn bè, đến chiều tối về nhà ăn cơm, ngủ và học đêm ở nhà. Mình tôn trọng quyết định đó và không nặng nề chuyện bạn ấy sống ở đâu.
‘Gia đình mình không có dân chủ giả tạo’
- Trong quá trình nuôi dạy con, có khi nào anh cảm thấy mình bị “ngược chiều” vì không đi theo số đông?
Dạy con, giáo dục con cái, gắn bó với con cái – đó cũng là cuộc sống của mình, cho nên mình cũng không bận tâm lắm việc người ta nói thế này thế khác. Nếu có, mình sẽ bảo vệ con mình, bảo vệ mình.
Ví dụ như hồi nhỏ anh trai Tôn Nữ cũng nghe người lớn chửi bậy. Một lần, cô hàng thịt gần nhà nói đùa con chuyện gì đó, thằng bé phản ứng chửi lại và bị cô ấy cầm dao đuổi về tận nhà. Mục đích của cô ấy là dọa thôi. Cậu chàng sợ quá, co giò chạy về đóng cửa lại.
Lúc ấy, mình nói với cô hàng thịt bỏ qua cho con, con sợ lắm rồi. Sau đó, mình mới ra bảo cô ấy là trẻ con thấy người lớn nói gì thì bắt chước. Chẳng qua là cô đùa nó, nó thử lại phản ứng của cô thôi, chứ nó cũng chưa biết gì đâu. Lần sau nó mà nói như thế, cô cứ lờ đi, coi như không có chuyện gì. Còn nếu như cô nhắc lại, tức là nó thấy cô tức giận, thấy được hiệu quả lời nó nói ra, rồi nó lại tiếp tục.
Bởi vì sao? Não của con người khi có cái gì hay hoặc dở đều nhớ lâu. Nhưng phải có ngoại cảnh tác động thì mới nhớ được. Còn nếu ngoại cảnh không tác động thì rồi cũng quên đi.
Mình cũng vậy. Khi con cái nói tục, chửi bậy, mình không bao giờ lớn tiếng đe dọa, mà coi như chưa nghe thấy gì, chuyển sang đề tài khác. Sau một lúc nào đó, mình sẽ nói lại với con.
- Anh ứng xử như thế nào trước những mâu thuẫn với con do khác biệt thế hệ?
Ví dụ như chuyện trước đây anh trai của Tôn Nữ hay mang xe ra tự sửa, nhưng từ khi bắt đầu đi học đại học, bạn ấy có cách nhìn khác. Bạn thấy bố lôi xe ra sửa thì bảo bố làm thế làm gì, bây giờ dịch vụ đầy ra, thời gian đấy để làm việc khác, thì mình cũng phải chấp nhận thôi. Đấy cũng là sự biến đổi của thời gian và tư duy con người, là quy luật.
Mỗi người, dù là con cái hay cha mẹ đều có một cuộc đời của riêng mình. Chúng ta dựa vào nhau để sống cuộc đời riêng của mình tốt hơn, có ý nghĩa hơn chứ không phải là sự tráo đổi cuộc đời cho nhau. Vì thế, chúng ta nên tôn trọng tự do của nhau và tạo điều kiện phát triển tự do. Tất nhiên, tự do trong một quy luật nhất định, trong nề nếp gia đình và trật tự xã hội.
Ở nhà mình không có sự dân chủ giả tạo. Tức là mình không cố gắng để gò mình vào cho vừa với ý của con. Mình nói, mình có cách riêng, nhưng nhiều khi nó bảo đấy là suy nghĩ của bố thôi. Mình bảo, “đúng, đó là suy nghĩ của bố và bố nói ra để mọi người trong nhà có thể chấp nhận ý nào được thì chấp nhận, còn không thì bố vẫn bảo lưu ý kiến đó của bố. Bố sống cuộc sống của bố. Chúng ta không xung đột, mà tôn trọng lối sống của nhau”.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nguồn: Nguyễn Thảo/ Vietnamnet.vn