Trong hôn nhân không thể tránh được những mâu thuẫn, cãi vã... Nhưng cãi nhau thế nào để yêu thương nhau hơn chứ không phải để ghét bỏ nhau. Nghe thì có vẻ ngược đời, thế mới nói, cãi nhau cũng cần có... nghệ thuật.

42 1 Nhung Nguyen Tac Vang Khi Cai Nhau Voi Chong

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

"Tuyên chiến" nhẹ nhàng

Các nhà khoa học đã tìm ra rằng, kết quả của một cuộc xung đột có thể được quyết định rất nhiều từ cách nó bắt đầu trong 3 phút đầu tiên. Hãy chọn tông giọng và những lời lẽ không mang tính chất đổ lỗi hay tấn công. Thay vì nói "anh bảo tôi 1 tiếng nữa anh về, đến giờ thì bữa tối cũng chẳng còn thời gian mà ăn nữa" hãy nói "em vui vì thấy anh về, em cứ mong anh về sớm hơn. Có chuyện gì đột xuất xảy ra à?".

Không được cãi vã trước mặt người khác

Đặt bạn đời của mình vào một tình huống khó xử hay xấu hổ không phải cách làm tốt. Cho dù ở mức độ mâu thuẫn như thế nào, bạn phải tuân theo nguyên tắc này đầu tiên.

Hãy giữ cho mình cũng như anh ấy/ cô ấy thể diện, nếu bạn có một chút không hài lòng với chồng hoặc vợ bạn, phải thật bình tĩnh và nghĩ đến cuộc trò chuyện riêng vào lúc này là thực sự cần thiết. Khoảng thời gian không có nhiều người sẽ giúp bản thân bạn có thêm thời gian suy nghĩ vấn đề này một cách tỉnh táo hơn.

Không bao giờ cãi nhau trước mặt con bạn

Tâm sinh lý của một đứa trẻ phụ thuộc 80% vào hành động của bố mẹ. Nếu được quyền lựa chọn để giải quyết mọi mâu thuẫn, bạn cần phải chọn những cách làm hòa bình nhất. Đôi khi bạn chỉ cần nhìn vào thái độ của con cái, bạn sẽ biết được chúng buồn và thất vọng về bố mẹ như thế nào.

Hãy cùng trao nhau những cái ôm thân thiện, những nụ hôn tình cảm trước mặt con cái bạn, hãy để chúng biết rằng ở mọi lúc, mọi nơi, bố mẹ chúng vẫn hạnh phúc như thế nào.

Giữ thái độ tích cực

Nói với người khác mình không thích hay không muốn thì rất dễ, nhưng cách nói ấy không hề có tính xây dựng. Bạn sẽ tìm ra đường dẫn đến giải pháp tích cực hơn bằng cách nói những gì bạn muốn. Ví dụ, thay vì nói "tôi không thích anh để phòng bừa bộn thế", hãy nói "em luôn thích phòng chúng mình gọn gàng, sạch sẽ, anh thử dọn cùng em nhé?".

Dùng cho đúng đại từ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người không bao giờ thích bị phê bình, chỉ trích hay đổ lỗi là họ đã làm gì sai, cho dù họ có sai thật. Cho nên nếu bị ai đó nói "anh lại về muộn nữa rồi", chúng ta thường có phản xạ là tìm cách lý giải lỗi không thuộc về mình.

Lời khuyên dành cho bạn là hãy nói "em hơi buồn vì anh về muộn", cách nói này dẫn đến một phản ứng ít phòng thủ hơn ở đối phương.

Đừng bao giờ nhắc đến quá khứ của họ

Trong khoảnh khắc bạn tức giận, bạn sẵn sàng lôi những điều không tốt trong quá khứ để làm đối phương phải xấu hổ. Tất cả những gì bạn đang làm là cố gắng thu hút sự chú ý của đối phương sang vấn đề khác. Cách làm này chỉ khiến vấn đề giữa hai người không được giải quyết mà còn trở nên tồi tệ hơn.

Tránh dùng bạo lực

Phụ nữ hay đàn ông đều có xu hướng bạo lực khi cãi vã đặc biệt là với người bạn đời của mình. Bạn phải giữ cho tinh thần của bản thân ở trạng thái tốt nhất có thể. Đừng khiến cho mâu thuẫn quá kịch tính, điều này chỉ mang lại những tác hại mà khiến bạn cảm thấy hối hận sau này.

Tuyệt đối không vì mâu thuẫn với chồng/vợ mà ngoại tình

Hôn nhân chính là mối quan hệ thiêng liêng nhất mà bạn có. Việc bạn ngoại tình vì tức giận bạn đời là cách làm tổn thương đối phương một cách sâu sắc nhất và còn làm tổn thương chính bản thân bạn. Đừng để cảm xúc lấn át dẫn đến hành động ngốc nghếch. Những gì bạn đang làm khi ngoại tình chẳng qua chỉ là để che giấu sự giận dữ bên trọng, bạn sẽ khiến trái tim của chồng/vợ bạn bị tan vỡ. Nếu bạn đã sai lầm bạn sẽ khiến cho không chỉ một mà rất nhiều người phải tổn thương vì sai lầm đó.

Thanh Thanh (t/h) Nguồn: phunutoday.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC