Chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062 của Vua Bảo Đại tiếp tục lập kỷ lục mức giá mới - hơn 5 triệu USD - trong phiên đấu giá cuối tuần trước tại Thụy Sĩ.
Bảo Đại là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Chiếc Rolex phiên bản giới hạn (thế giới chỉ còn ba chiếc) này được ông mua vào năm 1954 tại Geneva, trong thời gian tham dự Hội nghị Hòa bình tại Geneva về những tranh chấp ở Bán đảo Đông Dương.
"Bao Dai" reference 6062 trở thành chiếc Rolex đắt nhất trong lịch sử, bởi nó hội tụ được cả ba yếu tố quan trọng: tình trạng cổ vật, độ hiếm và giá trị lịch sử.
Nhiều di vật của triều Nguyễn, như trang phục hay ấn triện hiện được trưng bày trang trọng trong các bảo tàng chưa chắc đã có được giá trị lịch sử của chiếc đồng hồ Rolex này.
Nó gắn liền với những ngày tháng biến động nhất của cá nhân ông vua cuối cùng, lẫn lịch sử đất nước.
Sau hội nghị Geneva ít lâu, Quốc trưởng Bảo Đại bị phế truất, còn Việt Nam cũng bước vào một chương khốc liệt mới.
Tôi chỉ biết thở dài tiếc nuối, rằng lại thêm một di vật nữa từng thuộc về Việt Nam đã ra khỏi biên giới đất nước.
Trước cái đồng hồ này, rất nhiều những thứ khác như tranh, đồ cổ… đã lặng lẽ rời khỏi Việt Nam theo rất nhiều con đường khác nhau.
Mới đây, những kẻ buôn bán tranh lậu đã định mang tranh của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn tuồn ra nước ngoài - những bức tranh được nhà nước liệt vào dạng bảo vật quốc gia cần phải gìn giữ.
Rất may là công an đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Cách đây vài năm, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng khi làm cuốn sách khảo cứu về Tô Ngọc Vân cũng xa xót thở than rằng, toàn bộ ký họa của Tô Ngọc Vân đã được bán cho một nhà sưu tầm tranh của Thái Lan.
“Trời ơi, tất cả ký họa ghi nhận một thời chống Pháp của danh họa lại được nhà sưu tầm Thái Lan quan tâm khi mà những cơ quan chức năng thờ ơ với chúng”.
Phan Cẩm Thượng đã thực hiện hai chuyến sang Thái Lan để đọc lại các tài liệu từ bộ ký họa ấy mà viết về Tô Ngọc Vân, một họa sĩ Đông Dương, một danh họa gắn liền với lịch sử mỹ thuật cách mạng Việt Nam.
Xa hơn nữa, khi tôi còn ở Đức, một người Việt đã móc ngoặc với giới buôn lậu đồ cổ, với hải quan, mang cả trống đồng từ Việt Nam sang bày bán công khai ở một tiệm bán hàng đỗ cổ của anh ta tại Potsdam.
Những hiện tượng ấy hẳn nhiều người không lạ, bởi bao nhiêu năm, đã có biết bao báu vật, những đồ men sứ, những tượng đài, cả tượng phật cổ, những phù điêu không bao giờ tái tạo được và nhiều dạng thức cổ khác có tuổi hàng nghìn năm, sản xuất từ đời Lý, Trần được tuồn lậu ra nước ngoài và rơi vào tay giới sưu tầm ngoại quốc.
Câu chuyện 5 triệu USD được quyết định chỉ trong 8 phút đấu giá Rolex và những dòng chảy di sản ra nước ngoài đã khiến những người quan tâm đến giá trị cổ vật Việt xót xa và đặt ra câu hỏi thực sự: chúng ta đã thực sự có ý thức giữ gìn các báu vật của đất nước?
Tôi tin chúng ta có những tỷ phú Việt đủ sức bỏ ra 5 triệu USD thậm chí là hơn thế nữa để ngăn chiếc đồng hồ Bảo Đại, tranh Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn… chảy ra nước ngoài.
Bởi họ đã bỏ hàng chục triệu USD để sưu tầm xe sang, kim cương và những mặt hàng xa xỉ khác.
Nhưng dường như chưa nhiều người thực sự chưa biết, chưa ý thức được giá trị của di vật và cổ vật.
Điều này có thể xuất phát từ sự hình thành quá muộn và không rõ ràng của thị trường kinh doanh, mua bán cổ vật ở Việt Nam.
Vì thế, phần còn lại thuộc về công việc của các nhà quản lý.
Myanmar - một đất nước giàu giá trị di sản, nhưng chưa phát triển như chúng ta, từ lâu đã rất ý thức về việc bảo vệ cổ vật của đất nước họ.
Tôi có thể dẫn ra một ví dụ nhỏ nhất.
Trong cuốn hướng dẫn các du khách khi đến Myanmar, cơ quan quản lý văn hóa nước này khuyến cáo khách du lịch không nên mua các cổ vật, tượng Phật cũ vì chúng không được phép vận chuyển ra khỏi đất nước.
Tôi hy vọng cơ quan quản lý văn hóa nước ta một ngày nào đó cũng sẽ quan tâm hơn đến việc bảo vệ các di sản văn hóa; thay vì giám sát chuyện ăn mặc của các nghệ sĩ hay trừng phạt các cô gái đẹp đi thi chui.
Nguồn: NGUYỄN VĂN THỌ
VNEXPRESS