LTS: Bạn đừng nổi cáu và cũng đừng nên mừng. Vâng, theo "những người nước ngoài" thì họ cho là vậy. Nhưng thử hỏi người Việt ta xem...họ có hài lòng về cuộc sống không?
Xin giới thiệu tới bạn đọc một bài viết đăng trên tờ Bloomberg.
Quan niệm rằng Anh và Mỹ là những nơi tốt để sinh sống và làm việc đang phai dần khi trong thế giới ngày càng năng động hơn
Theo những người nước ngoài, Việt Nam xếp thứ 1 thế giới về chi phí sinh hoạt phải chăng. Nguồn ảnh: Asia Life
Top 10 nước đứng đầu (cột bên trái), và 10 nước đứng cuối bảng (cột tay phải), theo quan điểm của người nước ngoài. Ảnh: Bloomberg
Kể từ sau cuộc trưng cầu việc Anh rời Liên minh Châu Âu (Brexit) hay cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái, cả Mỹ và Anh đều được người ngước ngoài đánh giá là kém thân thiện và kém ổn định về chính trị, theo cuộc khảo sát thực hiện với gần 13.000 người nước ngoài của 166 quốc gia.
Người nước ngoài cũng nói rằng chất lượng cuộc sống của hai nước trên đang giảm xuống theo một số tiêu chí khác, đặc biệt là khi giá cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Mỹ và nhà ở ở Anh tăng lên.
Cuộc khảo sát thực hiện với những lao động nước ngoài tại các quốc gia được thực hiện hằng năm bởi InterNations, một mạng lưới có 2,8 triệu người lao động nước ngoài, có trụ sở tại München.
Cuộc khảo sát được thực hiện nhằm mục đích nắm bắt quan điểm của hàng triệu giám đốc điều hành, công nhân lành nghề, sinh viên và người về hưu đang sống ở bên ngoài nơi họ sinh ra và lớn lên.
Theo nghiên cứu thị trường của Finaccord, thế giới có khoảng 50 triệu người làm việc ở nước ngoài, và con số này sẽ đạt 60 triệu trong năm năm tới. Họ thường được hỏi về nơi họ muốn sống, và ý kiến của họ có ý nghĩa đối với các quốc gia muốn thu hút những người có tài và giàu có.
Nước được xếp hạng đầu bảng năm 2017 là Bahrain, vốn được người nước ngoài đánh giá là nơi làm việc và sinh sống lý tưởng cho họ.
Thứ hạng của Bahrain vượt xa nhiều nước láng giềng như Kuwait, Arab Saudi và Qatar, cả 3 nước này đều nằm trong nhóm 10 nước có thứ hạng cuối cùng trong số 65 nước được xếp hạng trong cuộc khảo sát.
Hy Lạp đứng ở đáy của danh sách do nền kinh tế xuống dốc thảm hại.
Úc, đứng trong top 10 năm ngoái, rơi xuống vị trí thứ 34. Xếp hạng của người nước ngoài tại Úc về công ăn việc làm, triển vọng nghề nghiệp, giờ giấc làm việc và cân bằng cuộc sống đều giảm đi.
Một trong những nơi làm việc ưa thích của người nước ngoài là Trung Quốc, nơi mà 2/3 người được hỏi hài lòng với sự nghiệp của họ.
Nhưng Trung Quốc đứng thứ 55 trong tổng số 65 vì chất lượng cuộc sống.
Người nước ngoài, đặc biệt là trẻ em có quan ngại về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng; chất lượng và chi phí chăm sóc sức khoẻ và giáo dục đắt đỏ.
Về các nước Châu Á, Đài Loan, từng giữ vị trí số 1 trong năm ngoái, tụt xuống vị trí thứ 4, trong khi Singapore tụt xuống vị trí thứ 10. Hong Kong, đối thủ lâu năm của Singapore, đứng vị trí thứ 39, tăng năm bậc so với năm ngoái.
Vương quốc Anh đứng thứ 54, giảm 21 bậc so với năm ngoái vì Brexit. Trước cuộc trưng cầu dân ý này, 77% người nước ngoài làm việc tại Anh cho rằng môi trường trính trị tại nước này là ổn định,và tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 47% trong năm nay.
Chỉ một nửa số người nước ngoài cho biết rằng nước Anh thân thiện với người nước ngoài, so với mức 67% của thế giới
Thứ hạng - Đánh giá của người nước ngoài về cuộc sống tại Mỹ (màu đen) và Anh (màu trắng) qua các năm. Ảnh: Bloomberg
Người nước ngoài ở Anh cũng đã bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế của nước này. Việc đồng Bảng suy yếu và lạm phát cao hơn đã làm cho Vương quốc Anh rơi xuống vị trí 59 về xếp hạng tài chính cá nhân. Gần 2/3 số người nước ngoài làm việc tại Anh cho rằng họ không hài lòng chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại đây.
Các nước xếp nhất (cột thứ 2) và xếp chót (cột thứ 3) về một số tiêu chí theo đánh giá của người nước ngoài. Việt Nam xếp thứ 1 về chi phí sinh hoạt. Ảnh: Bloomberg
Theo ông Malte Zeeck, người sáng lập và đồng giám đốc điều hành của InterNations, Mỹ dường như đã mất đi một chút sức hút sau một năm đầy biến động về chính trị. Chỉ 36% người nước ngoài có quan điểm tích cực về sự ổn định chính trị của Mỹ, giảm từ mức 68% trong cuộc khảo sát năm ngoái.
Nhìn chung, Mỹ xếp thứ 43/65 nước, rớt 17 bậc so với năm ngoái. Nhưng danh tiếng của nước Mỹ đã giảm từ trước cuộc bầu cử Tổng thống. Trong cuộc khảo sát năm 2014, Mỹ đứng thứ 5. Một điểm sáng là 69% người nước ngoài có quan điểm lạc quan về nền kinh tế Mỹ.
Các nước xếp nhất (cột thứ 2) và xếp chót (cột thứ 3) về một số tiêu chí liên quan đến gia đình theo đánh giá của người nước ngoài. Ảnh: Bloomberg
Các vấn đề chính trị hiện nay được thể hiện rõ trong kết quả:
Khoảng 72% người nước ngoài ở Mỹ nói rằng hệ thống giá cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây là quá đắt đỏ và Mỹ xếp hạng 50 theo thang đo về sức khoẻ và hạnh phúc.
Cơ sở hạ tầng giao thông của Mỹ chỉ được 15% số người nước ngoài "đánh giá rất tốt".
Mỹ xếp cuối về sự phải chăng của giá cả các dịch vụ chăm sóc trẻ em và xếp thứ 39/45 quốc gia được xếp hạng về sự phải chăng của giá cả dịch vụ giáo dục.
Người Mỹ vẫn có tiếng là hiếu khách, nhưng nhận thức đó đang thay đổi. Ba năm trước, 84% người nước ngoài đánh giá cao Mỹ về "thái độ thân thiện với người nước ngoài" và chỉ 5% đánh giá tiêu cực.
Đến năm 2017, số người đánh giá tiêu cực đã tăng gấp ba, và xếp hạng tích cực đã giảm 16 điểm.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg