Người Việt giỏi tái chếSống ở VN gần hai năm, tôi thường nghe những người bạn nước ngoài than phiền về những mẩu rác vứt bừa bãi trên những nẻo đường hay trôi lềnh bềnh trên sông. Thật ra việc xử lý rác thải là vấn đề đau đầu của nhiều thành phố lớn trên thế giới.

 Ở nơi tôi sinh ra, TP New York (Mỹ), chính quyền chi tiêu vài chục triệu đôla mỗi năm vào việc tái chế và phân hủy rác nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Nhiều hố rác trong thành phố liên tục bị lấp đầy do lượng rác thải ra quá lớn. Nguyên nhân là từ thập niên 1950, người Mỹ đã có thói quen lãng phí và hay vứt bỏ những gì họ cảm thấy không cần thiết. Một sản phẩm mặc dù còn giá trị sử dụng nhưng vẫn có thể bị cho vào thùng rác.

Những công ty ở Mỹ phát triển những sản phẩm không thể sử dụng được nhiều lần, được gói ghém vào bao bì một cách không cần thiết. Ngoài rác thải sinh hoạt còn có những loại “rác” kích thước lớn hơn, là những vật dụng không dùng đến như xalông, bàn ghế, máy vi tính cũ, hỏng bị vứt ra đường. Một số đồ đạc còn tốt được người nghèo nhặt lại đem về nhà sử dụng, số còn lại cứ nằm mãi ở góc đường.

Khi mới dọn đến sống ở TP.HCM, tôi hơi bất ngờ khi không còn nhìn thấy những loại rác lớn bị vứt bừa bãi trên đường. Tôi được biết nhiều người Việt có văn hóa ăn chắc mặc bền, họ chuộng mua những sản phẩm chất lượng tốt có thể sử dụng trong gia đình ít nhất 5-10 năm. Khi đồ điện tử, gia dụng bị hư hỏng cũng có thể dễ dàng đem đi sửa chữa thay vì vứt đi và mua mới.

Tại khu phố tôi ở, tôi quan sát thấy hằng ngày có những cụ bà đến gõ cửa từng nhà thu mua ve chai. Từng xấp báo, chai lọ, lon nước ngọt không dùng đến đều có thể bán lấy tiền. Tuy VN chưa có hệ thống phân loại rác như các nước tiên tiến nhưng nhiều người có ý thức thu gom quần áo cũ không mặc nữa, pin, ăcquy cũ, vỏ hộp sữa đem đến đổi ở các ngày hội tái chế, các sự kiện về môi trường.

Nhiều thứ tưởng là rác nhưng người Việt lại thấy giá trị trong đó. Tôi đã thấy một số sản phẩm qua sử dụng được tái chế trở thành đồ chơi hay những vật dụng rất hữu ích như lon nước ngọt thành ôtô, máy bay đồ chơi, vỏ dừa được trang trí thành quà lưu niệm, giỏ xách làm từ bao bì cũ...

Thật vui khi thấy nhiều bạn trẻ tích cực tham gia các đội, nhóm bảo vệ môi trường. Tôi có dịp tiếp xúc với một nhóm sinh viên tại TP.HCM thường tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc tiết kiệm năng lượng và tái chế. Tuy còn mới và số thành viên còn hạn chế, nhưng bằng những hành động nhỏ của mình, họ đã làm việc hết mình để tuyên truyền, quảng bá việc giữ gìn môi trường sống cho người dân.

Tất nhiên thực tế ở VN vẫn còn một số hạn chế như trên thị trường còn tồn tại những sản phẩm gây hại đến môi trường, túi nilông vẫn còn được phân phát rộng rãi... Tuy nhiên, điều đáng mừng là ý thức của nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đã thay đổi theo hướng tích cực.

BRIAN LETWIN (người Mỹ)

Theo Tuổi trẻ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC