Xu hướng chung của xã hội hiện nay, con người vẫn ham học, ham tìm hiểu và mày mò về thế giới kiến thức xung quanh.
Chưa có định hướng cụ thể cho giới trẻ
Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo về vấn đề nhân cách người học trong giáo dục diễn ra mới đây ở TPHCM, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm nêu ra quan điểm:
"Truyền thống hiếu học, tính cần cù được người ta ca tụng, tự hào là ưu điểm của người Việt, nhưng đây là chỉ huyền thoại. Người Việt không hiếu học, mà là ham vui chơi và ưa nói dối".
Trước nhận định trên, ngày 14/12, TS Phùng Văn Phách - Viện trưởng Viện địa chất và địa vật lý biển, Viện hàn lâm khoa học công nghệ VN cho hay:
"Tôi cho rằng nhận định này cũng còn tùy vào người này, người khác và tôi tin nó chỉ là một bộ phận nhỏ trong xã hội.
Còn xu hướng chung của xã hội hiện nay, con người vẫn ham học, ham tìm hiểu và mày mò về thế giới kiến thức xung quanh không chỉ qua sách vở mà qua đài, báo chí, web...
Và để làm được điều này thì vai trò định hướng của tổ chức đoàn thể, của nhà nước rất quan trọng.
Nói ngay như việc học tập cũng vậy. Trong tiềm thức ai cũng có sự tò mò, muốn được tìm hiểu những gì mình chưa biết hoặc chưa có điều kiện để học.
Nhưng ở VN, có một số bạn trẻ giờ đây không muốn học hành cũng chỉ bởi chúng ta chưa kích hoạt được tinh thần còn tiềm ẩn đó đúng mức.
Nếu cải tiến được tình hình tổ chức, kích hoạt được tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, đam mê nghiên cứu thì mọi chuyện sẽ khác. Bản thân tôi không suy nghĩ bi quan như GS Thêm".
Bên cạnh đó, theo ông Phách, các bạn trẻ hiện nhiều người ham học lắm, nhưng mất phương hướng vì bản thân những người quản lý không tạo ra cho họ được một môi trường tốt để có cơ hội phát huy.
Đó là lỗi thiếu định hướng.
Cũng có một bộ phận người trẻ ham chơi, nhưng không phải là phần nhiều, và đó là những người không biết định hướng như nào, nên có suy nghĩ tiêu cực.
Nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, lớp trẻ hiện đang ngày càng mất phương hướng, vì hệ thống giáo dục ít phát triển hơn các đô thị lớn.
Nói ngay như các hành động bỏ học, cháu giết bà để lấy tiền, anh em đánh nhau vì tranh giành tài sản...tất cả đều rơi vào các vùng xa xôi, các tỉnh nghèo là nhiều.
Còn ở các đô thị, thành phố phát triển như HN, TPHCM, Đà Nẵng vô cùng ít.
"Tâm lý các bạn trẻ hiện nay đều biết xã hội bây giờ nhiều thông tin nên phải chịu khó học hỏi, học cái hiện đại, truyền thống, học lịch sử của đất nước, các dân tộc VN.
Nhưng trong nhà trường lại đang dạy những kiến thức sáo rỗng, không áp dụng được vào trong thực tế cuộc sống, cũng như việc nghiên cứu của các em.
Từ mẫu giáo đến đại học toàn học những cái viển vông dẫn đến việc học sinh ra trường không biết gì, học ĐH tốt nghiệp ra trường cũng thất nghiệp.
Đây là hệ quả của một đất nước phát triển chỉ mải mê làm kinh tế không để ý các vấn đề liên quan đến giáo dục nhất là các vùng nông thôn, dẫn đến thiếu định hướng cho giới trẻ", ông Phách nói thêm.
Bản chất con người luôn hướng thiện
Trong một góc độ khác, theo nhóm nghiên cứu GS Trần Ngọc Thêm thực hiện với 5.600 người thì bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%.
Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển giáo dục 2008 thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh ở cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50% và cấp 3 là 64% và sinh viên ĐH là 80%.
Trước con số này, theo ông Phách, bản thân ông không tin vào các con số này, nó không chính xác.
Còn về bản chất con người sinh ra lúc nào cũng hướng thiện, từ lúc đẻ ra đến lúc chết không ai muốn làm việc xấu xa, 10 người may có một.
Nhất là bây giờ thế giới phẳng, thông tin trên mạng nhiều, xã hội đang phát triển nhanh, đừng nghĩ xã hội đang dừng lại.
Vị chuyên gia tin tưởng, bản thân họ tốt nhưng chúng ta chưa kích hoạt được, chưa tạo cho họ một môi trường điều kiện thuận lợi để duy trì bản tính tốt đó, mà lại ép họ vào đường phải nói dối.
Thậm chí, bệnh đồng phục tư duy được GS Thêm chỉ ra, theo ông Phách, cũng không chính xác.
Ông Phách nói thẳng:
"Không phải tình cờ Nhật Bản, Hàn Quốc luôn bắt mặc đồng phục, hô khẩu hiệu, vì điều đó thể hiện tinh thần tập thể, làm cho con người có ý thức kỷ luật. Nói vậy cũng không khác gì việc cho người dân tộc quần áo đi từ thiện mà lại khẳng định là họ mất đi tính dân tộc".
Đừng áp đặt con số phiến diện
Đồng tình quan điểm, GS.TS Ngô Gia Võ - Chủ tịch Hội đồng ngành giáo dục tiểu học, Đại học sư phạm Thái Nguyên cho biết:
"Tôi cho rằng đây chỉ là một suy nghĩ cực đoan, chỉ là một số hiện tượng, chứ không phải phần đông. Tôi đã đi thực tế nhiều vùng miền đất nước, thấy các cháu vẫn ngoan, có tinh thần hiếu học thực sự.
Ở Thành phố Thái Nguyên tôi đang làm việc, các con em bạn bè làm cán bộ giảng dạy, cán bộ công chức rất ham học, ngoài giờ còn đi học thêm, vô cùng chăm chỉ.
Các trường hợp lười biếng, giả dối chỉ là cá biệt, còn nhìn chung các cháu vẫn làm tốt, truyền thống hiếu học vẫn còn.
Không ở đâu xa, nhìn nhiều học sinh đi ra nước ngoài học đều được đánh giá rất cao về tinh thần hiếu học.
Thậm chí có các học bổng lớn, cho nên GS Thêm nhìn một số hiện tượng mà khái quát lên là không đúng".
Theo ông Võ, chúng ta vẫn có các tài năng, các học sinh giỏi tham gia các kỳ thi Olympia, nên thấy truyền thống của chúng ta vẫn là hiếu học.
Các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình chăm học, nhìn vào các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh cái tinh thần ham học càng rõ rệt, bố mẹ có thể bỏ nhà cửa ra thành phố lăn lộn kiếm tiền cho con ăn học đại học.
"Tôi không tin các con số thống kê được đưa ra vì nó chưa đủ tính khái quát, mang tính phiến diện, chưa có căn cứ nào để khẳng định thông tin đó đúng và chính xác.
Còn thực trạng học sinh giả dối trong học tập là có nhưng không nhiều, 30 em thì có 5-7 em rơi vào tình trạng đó. Rơi vào một số hình thức như thuê học, thi hộ, quay cóp, nhưng đó không phải số đông, cả 10 phòng thi bắt được bao nhiêu em.
Cần cù ngày xưa khác với cần cù bây giờ, ngày xưa cứ cầm sách nghiên cứu cả ngày là chăm, nhưng bây giờ các em có thể ngồi máy tính nhưng vẫn là học, một thế giới phát triển thì phải như vậy mới hội nhập được.
Tôi đã làm việc 36 năm trong ngành giáo dục, đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều em gia đình nghèo, cơm ăn với muối ớt mà vẫn ham học, nhiều con em miền núi, nhà rất nghèo, đi học bán trú cả tháng có 30 nghìn đồng, mà vẫn đỗ Ngoại thương, Học Viện an Ninh, Cảnh sát bình thường. Hãy nhìn vào những tinh thần nỗ lực, hiếu học ấy chứ đừng quá tiêu cực, cực đoan rồi quy chụp cho cả một thế hệ", ông Võ nhận định.
Theo Châu An
Báo Đất Việt