Năm 2008, Luật giao thông đường bộ Việt Nam quy định cụ thể những trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ đường và cả những nơi không có vạch kẻ, cũng như khi chuyển hướng, quay đầu xe...
Dù luật quy định rõ và có mức phạt với các phương tiện không tuân thủ, nhưng thực tế khoảng bao nhiêu % các phương tiện giao thông cơ giới ở nước ta chủ động nhường đường cho người đi bộ?
Và trên thế giới, người dân các nước thực hiện điều này thế nào?
Chỉ 30% tài xế Nhật Bản "chịu" nhường đường cho người đi bộ
Nhật Bản vốn là quốc gia nổi tiếng về sự lịch sự. Văn hóa ứng xử của người dân nơi đây luôn khiến nhiều người nể phục vì sự tinh tế, hoàn hảo. Và ngay trong xã hội Nhật Bản, có rất nhiều "luật lệ bất thành văn" được tạo ra nhằm tránh gây bất tiện cho người khác. Nhưng đôi khi, cách cư xử đó dường như "biến mất" trong văn hóa tham gia giao thông.
Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Ô tô Nhật Bản (JAF) thực hiện, quan sát 8.281 phương tiện giao thông trên khắp đất nước và hành vi của họ khi lái xe tới gần khu vực đường dành cho người đi bộ mà không có đèn tín hiệu.
Kết quả cho thấy, số lượng các phương tiện dừng lại nhường đường cho người đi bộ chỉ chiếm khoảng 30,6%. Mặc dù thực tế theo luật giao thông Nhật Bản, tất cả các phương tiện đều phải nhường đường cho người đi bộ, luôn đảm bảo rằng họ đã đi lên vỉa hè an toàn rồi mới được di chuyển tiếp. Bởi vậy, con số này đã gây ra nhiều bất ngờ trong dư luận.
Khi tỷ lệ trung bình nhường đường cho người đi bộ trên toàn quốc chỉ đạt ở mức 30,6%, thậm chí một số khu vực bị đánh giá có "cách cư xử kém" với kết quả còn thấp hơn. Những tỉnh thành đạt điểm số thấp nhất có thể kể tới Aomori (14%), Tokyo (12,1%) và Okayama (10,3%).
Tất nhiên, người phát ngôn của JAF khẳng định, kết quả cuộc khảo sát không thể đại diện cho tất cả các tài xế cũng như hành vi tham gia giao thông của mọi người dân. JAF chỉ đưa ra số liệu mang tính tham khảo, đồng thời hy vọng cuộc khảo sát sẽ giúp nâng cao nhận thức cho nhiều người lái xe tại Nhật Bản, từ đó khuyến khích họ lưu ý tới sự an toàn của người đi bộ.
Trung Quốc lắp camera giám sát để "bắt" những tài xế không nhường đường
Theo nhận định của tờ SCMP, tại Trung Quốc, việc sang đường không phải lúc nào cũng dễ dàng và an toàn. Thậm chí, đôi lúc có thể rất mạo hiểm dù người đi bộ tuân thủ đúng phần vạch kẻ của mình.
Tờ Xinhua từng dẫn lại số liệu của Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết, trong vòng 3 năm qua, khoảng 14.000 ca tai nạn xảy ra tại phần vạch kẻ sang đường trên khắp nước này với gần 4.000 người tử vong. Trong đó, 9% vụ việc là do các tài xế không chịu nhường đường cho người đi bộ.
Cũng giống như nhiều nơi khác, các tài xế Trung Quốc phải giảm tốc độ khi tới gần vạch kẻ cho người đi bộ, dừng lại khi có người sang đường. Thực tế không phải lúc nào cũng thế. Có những lúc, người đi bộ không thể trông chờ vào việc các tài xế sẽ để ý tới phần đường đi bộ, giảm tốc và dừng lại.
Tài xế dừng xe ở vạch kẻ dành cho người đi bộ tại một tuyến phố ở Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: China Plus).
Nhằm đảm bảo việc sang đường an toàn hơn, kể từ năm 2017, nhiều tỉnh thành tại quốc gia này đã tiến hành lắp camera giám sát tại những nơi không có đèn báo giao thông nhằm ghi hình những tài xế cố tình phạm luật.
Cụ thể, những tài xế không giảm tốc khi tới gần nơi có vạch kẻ sang đường hoặc dừng lại nhường người đi bộ sẽ nhận phạt 15 USD (hơn 350 nghìn đồng) và trừ 3 điểm trên bằng lái.
Tuy số tiền phạt không cao, nhưng điểm trừ trên bằng lái là điều khiến người điều khiển phương tiện phải có ý thức hơn. Bởi bằng lái ô tô ở Trung Quốc có tất cả 12 điểm. Nếu trong vòng một năm, người lái xe bị trừ hết điểm sẽ phải học và thi lấy lại bằng.
Tuy nhiên, quy định này cũng nhận nhiều luồng ý kiến. Các tài xế cho rằng điều này không phù hợp với giao thông văn hóa ở Trung Quốc. "Quy định này chỉ hợp với các nước phương Tây. Tại đây, người đi bộ rất chậm vì chỉ mải dùng điện thoại khi sang đường", một vài ý kiến than phiền.
Pháp áp dụng luật nghiêm ngặt bảo vệ người đi đường
Tại quốc gia này quy định, người đi bộ có quyền đi trên phần đường được vạch sẵn. Nếu tài xế lái xe tông vào người đi bộ tại phần đường vốn chỉ dành cho người đi bộ là hành vi rất nghiêm trọng.
Từ năm 2018, Pháp tiếp tục ban hành một loạt biện pháp mới về an toàn đường bộ và người đi bộ. Trong nghị định mới nêu chi tiết về biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn với người đi bộ, cùng hình phạt nghiêm khắc với các lái xe không tôn trọng quyền ưu tiên của người đi bộ.
Luật mới này cũng mang lại "nhiều quyền lực" hơn cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế uống rượu khi lái xe.
Lối dành cho người đi bộ ở Paris, Pháp (Ảnh: France).
Cụ thể, tài xế lái xe nếu không tôn trọng quyền ưu tiên dành cho người đi bộ, bao gồm cả nơi băng qua đường dành cho người đi bộ và bất cứ nơi nào trên đường mà người đi bộ được ưu tiên hơn các phương tiện khác, sẽ bị mất 6 điểm trên bằng lái, thay vì 4 điểm như trước kia.
Ngoài ra, nhà chức trách có quyền cấm lái xe với bất cứ ai bị kết án vi phạm liên quan tới rượu (vượt quá giới hạn 0,8g/l). Thậm chí, nếu bị kết án, người lái có nguy cơ bị mất bằng lái hoàn toàn.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí