Đã 20 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa có một sàn giao dịch điện giá cạnh tranh thật sự, chỉ có một đơn vị duy nhất độc quyền.

1 Xay Muc Gia Canh Tranh De Khong Con Kho Vi Mat Dien

Sau giờ học tiếng Anh, cô con gái nhỏ của tôi chạy lại hỏi bố: "Bố ơi, nhà mình dùng điện từ điện mặt trời, điện gió hay thủy điện hả bố?". Câu hỏi tưởng đơn giản với người nhiều năm gắn bó với lĩnh vực năng lượng như tôi nhưng thật sự rất khó để trả lời một cách chính xác. Tôi đành trả lời một cách đại khái: "Từ tất cả các nguồn đó đấy con".

Con bé cười tít mắt rồi thì thầm nói nhỏ vào tai tôi: "Từ giờ trở đi, nhất định con chỉ dùng điện sạch để góp phần bảo vệ trái đất". Tôi cười rồi hỏi: "Thế theo con điện nào là điện sạch?". Con bé hớn hở: "Điện mặt trời này, điện gió này và cả thủy điện nữa". "Thế lúc không có nắng, gió hay mưa thì con làm thế nào?", tôi hỏi lại. Con bé nhanh trí đáp: "Mình sẽ dùng điện từ pin trong iPad".

Câu chuyện tiếp tục với những vấn đề như: làm thế nào để bà nội lấy điện từ iPad để nấu cơm, mở điều hòa hay bật quạt...? Nhưng sau nhiều giải thích, tôi vẫn không lay chuyển được ý chí kiên định của con với mục tiêu bảo vệ trái đất.

Những ngày tháng 5 và tháng 6 này, miền Bắc nóng hầm hập. Lịch cắt điện luân phiên còn làm người dân càng "nóng" hơn. "Nóng" từ quán trà đá, vỉa hè cho đến nghị trường Quốc Hội. Đi đến đâu, tôi cũng nghe người ta bàn luận về chuyện cắt điện chỗ này, mất điện chỗ kia, lỗi tại người này, người nọ. Nhưng giải pháp thật sự là gì thì dường như rất ít người đề cập tới.

Tôi từng nói tới vấn đề của tính thị trường trong ngành điện là 'giá điện thị trường theo vùng' và 'giá điện thị trường theo giờ cao điểm, thấp điểm'. Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến hai vấn đề nữa mà từ lâu chúng ta vẫn đang làm chưa tốt.

Trợ giá cho năng lượng nói chung và năng lượng sạch nói riêng

Các nước trên thế giới đều có những chính sách trợ giá cho năng lượng theo cách này hay cách khác và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhưng cách trợ giá của chúng ta đang không đúng trọng tâm, trọng điểm. Điện được trợ giá trên toàn quốc và ai cũng như ai, dù địa phương nghèo hay giàu, người hoàn cảnh khó khăn hay người có điều kiện.

Thực tế hiện nay, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, thuộc top đầu của thế giới và khoản tiền trợ cấp năng lượng cũng tăng theo cấp số nhân. Nhưng nếu theo lẽ thường, khi kinh tế phát triển, các khoản trợ cấp như vậy sẽ phải giảm đi. Trong khi đó, chúng ta đang làm ngược lại. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi mọi nền kinh tế dù phát triển đến mấy cũng không đủ khả năng trang trải cho khoản trợ cấp như vậy.

Nhìn qua các nước phát triển, việc trợ giá năng lượng đều nhắm đến nhóm người có thu nhập thấp hay những vùng kinh tế kém phát triển. Như vậy, những nhóm người này có nhiều cơ hội hơn để cân bằng trong mức số chung của xã hội, những vùng kinh tế kém phát triển có nhiều cơ hội hơn để thu hút các nguồn lực và cân bằng kinh tế với những vùng đã phát triển. Chính vì vậy, khi kinh tế phát triển cân bằng hơn, khoản trợ cấp cho năng lượng cũng dần giảm xuống.

>> Công ty điện lực vô can khi để mất điện diện rộng?

Trợ cấp cho năng lượng sạch cũng tương tự như vậy. Mức hỗ trợ giá FIT hay các nguồn vốn giá rẻ cũng chỉ có ở thời điểm đầu để tạo động lực cho nền kinh tế chuyển mình. Còn sau đó sẽ là những khoản thuế tài nguyên đánh rất mạnh vào những hàng hóa, lĩnh vực tiêu thụ những nguồn năng lượng không sạch.

Nhìn vào lĩnh vực năng lượng sạch ở miền Bắc, ngay cả với mức giá FIT trước đây, liệu có nhà đầu tư nào sẵn sàng bỏ vốn để đầu tư nhà máy với số giờ khả dụng của ngày nắng chỉ 1.000-1.500 giờ và gió trung bình chỉ xấp xỉ mức 3 m/s trong vòng 5 tháng. Nói về năng lượng sạch cũng cần phải nói về H2 xanh - loại hình năng lượng có sức hấp dẫn tuyệt đối trong tương lai. Nhưng làm thế nào để nhà đầu tư tìm thấy lợi nhuận từ đây thì chắc cũng vẫn cần những khoản đầu tư lớn.

Nhìn vào việc phát triển của lĩnh vực xe điện, liệu nó có thật sự sử dụng nguồn năng lượng sạch hay vẫn là sử chuyển biến từ nguồn năng lượng xăng, dầu sang than đá. Nhìn vào nguồn vốn đầu tư, từ năm 2017-2020, chúng ta có một nguồn vốn khổng lồ từ rất nhiều doanh nghiệp nội và một số từ những nguồn vốn doanh nghiệp Nhà nước.

Nói vậy để thấy, doanh nghiệp trong nước giờ cũng rất mạnh về nguồn lực, nhưng vấn đề là cơ chế thế nào để doanh nghiệp có thể đầu tư vào đúng nơi cần, đúng chỗ cần và đúng việc cần? Nhà nước chắc chắn không thể kêu gọi nguồn vốn này chỉ bằng những mệnh lệnh hành chính. Còn dòng vốn cũng chỉ chạy vào nhưng nơi, những chỗ mang lại nhiều lợi nhuận.

Xây dựng thị trường mua bán điện cạnh tranh

Mục tiêu này được đặt ra đã lâu (khoảng những năm 2003) nhưng đến nay đã tròn 20 năm mà chúng ta vẫn chưa có một sàn giao dịch điện giá cạnh tranh thật sự. EVN vẫn là đơn vị duy nhất mua và bán theo giá quy định của nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân phần lớn chỉ đầu tư ở nguồn phát điện với mức giá cố định 20 năm theo hợp đồng với EVN. Vậy sau 20 năm đó, hợp đồng tương lai sẽ như thế nào?

Thực tế là có, nhưng ở quy mô rất nhỏ và vẫn theo giá quy định (cố định) của nhà nước.

Chẳng hạn những người cho thuê nhà đang gián tiếp bán điện cho người thuê, hay các trạm sạc xe điện công cộng bán điện gián tiếp cho những người sử dụng.

Với phương thức quản lý giá bán như hiện nay, làm sao để có thêm nhiều thành phần doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán điện?

Chỉ có như vậy mới có thêm thành phần tham gia sàn giao dịch điện giá cạnh tranh.

Mong rằng trong tương lai gần, chúng ta có thể thay đổi nhưng điều căn bản đó để Việt Nam thực sự có một thị trường điện cạnh tranh và năng lượng xanh sẽ thực sự phát triển đúng với bản chất của nó.

Quốc Bảo




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC