Liên tiếp trong mấy ngày gần đây là những người lương thiện bị đánh tới thừa sống thiếu chết vì nghi bắt cóc trẻ em. Điều gì đang xảy ra?
Khi tin tức về vụ người dân xã Hồng Lạc, (Thanh Hà, Hải Dương) đốt cháy chiếc xe Fortuner và quây đánh người đàn ông chủ xe vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em chưa kịp nguội thì lại đến vụ 2 người phụ nữ bán tăm bị người dân đánh tới mức phải nhập viện cấp cứu ở thôn Thái Phù (xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội).
Tất cả đều chỉ với một lý do rất mơ hồ: nghi ngờ bắt cóc trẻ em.
Những vụ đánh người chỉ vì nghe tin đồn vu vơ không phải là mới, chỉ cần lên mạng tìm kiếm sẽ ra hàng loạt những vụ việc như vậy đã xảy ra trong thời gian gần đây. Mà điều đáng buồn là tất cả đều là những vụ đánh người oan uổng.
Trước đó, ngày 5/7, người dân thôn 8, phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) phát hiện 2 người đàn ông lạ mặt, nói giọng Bắc đến từng nhà hỏi để phun thuốc xịt muỗi.
Nghi ngờ đây là đối tượng bắt cóc trẻ em, một số người đã lao vào hành hung gây thương tích.
Nạn nhân của vụ đánh đập này cũng phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Hai người phụ nữ bán tăm bị đánh đến mức phải nhập viện
Xem clip người dân đổ xô vào đánh đập 2 người phụ nữ đứng tuổi đi chào bán tăm để gây quỹ tình thương cho hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức, những người yếu bóng vía chắc chắn sẽ cảm thấy sợ hãi cho sự hung hãn mất kiểm soát của đám đông.
Chỉ vì nghe thấy loáng thoáng tin đồn “có người bắt cóc trẻ em”, cả đám đông nhảy vào đánh đập 2 người đàn bà chân yếu tay mềm, đến nỗi họ ngã sấp ra trên mặt đất, họ quỳ xuống lạy van nhưng đám đông vẫn không tha. Người ta vẫn nhảy vào đánh đạp, giật tóc, tát, đá vào mặt 2 người đàn bà luống tuổi đang bò ra dưới đất.
Thật sự là cảnh tượng ấy, dã man không khác những vụ cả làng quây đánh trộm chó là bao.
Vì sao như vậy?
Vì sao chỉ cần một tin đồn loáng thoáng chưa biết đúng sai mà cả đám đông lại lao vào đánh đập không chút nương tay một người mới chỉ là “nghi phạm”?
Đành rằng chúng ta sẵn có lòng căm thù với kẻ xấu, những kẻ bắt cóc trẻ em, nhưng dường như qua những vụ việc này, có thể thấy không phải những đứa trẻ, mà chính là lòng tin của xã hội mới là thứ bị “bắt cóc” đi nhiều nhất.
Chúng ta không còn tin nhau.
Chúng ta nhìn đâu cũng thấy ngờ vực, thấy kẻ xấu, thấy chuyện bất công, thất đức, lừa lọc, hãm hại. Nhưng nếu chỉ vì thế mà mất kiểm soát, bất chấp tất cả để hành xử theo lối bản năng dã man thì không ai và không ở đâu có thể chấp nhận được.
Nếu ai cũng có tinh thần thượng tôn pháp luật, nếu ai cũng có niềm tin vào sự công bằng của luật pháp sẽ xét xử đúng người đúng tội thì có lẽ không có những đám cả làng quây đánh trộm chó hay đánh đập dã man những người vô tội chỉ vì nghi ngờ “bắt cóc trẻ em”.
Chúng ta có thể sống hạnh phúc và yên bình được không nếu như lòng tin vào nhau không còn nữa? Mua một bó rau, miếng thịt cũng nghi ngờ, không biết có độc tố gì không, ăn một bát phở cũng lo nơm nớp vì có khi nước dùng ninh từ xương thối, hóa chất.
Chỉ cần có người lạ đến ngó nghiêng, ngay lập tức chúng ta nghĩ ngay đến bọn bắt cóc trẻ em. Con người mất lòng tin vào nhau thực chất là không tin vào chính mình nữa, đó mới thực sự là một tai họa.
Khi đám đông chỉ nghe theo những tin đồn vu vơ, nghe theo sự dẫn dắt của bản năng hung bạo mà chà đạp lên những quy định của luật pháp và đạo đức ứng xử thì đó là sự tha hóa, đi ngược chiều văn minh.
Cứ nhìn từ thảm kịch của 2 người đàn bà bán tăm này là biết. Bất cứ ai trong chúng ta đều cũng có thể trở thành nạn nhân của những đám đông tăm tối ấy.
Để gây dựng lại lòng tin cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng, tất cả chúng ta đều phải cố gắng mỗi ngày gieo thêm nhiều hạt giống của sự tử tế, điều thiện lành và lòng nhân ái. Và, điều này thực sự rất khó, nó đòi hỏi mỗi cá nhân phải chiến thắng cái ác dữ ngay trong chính bản thân mình.
Hãy nên làm những việc tử tế, dù rất nhỏ, chính mình trước khi tin và trao nó cho những người xung quanh.
Rất khó nhưng có thể làm được, đúng không?- thưa các quý vị giàu lòng trắc ẩn và nhân ái?
Nguồn: Mi An
Báo Đất Việt