Chúng ta cùng dành vài phút suy ngẫm những giá trị cuộc sống mà người Việt ta đang theo đuổi.
1. Cần nhà hơn là tổ ấm
Người Việt chúng ta với tâm lý “an cư lạc nghiệp” nên luôn muốn sở hữu một căn nhà. Vì vậy, ai cũng phấn đấu kiếm tiền tậu được ngôi nhà mơ ước.
Có người vay nợ để mua cho được căn nhà rồi ráng làm lụng kiếm tiền trả dần.
Có nhà rồi, chúng ta vẫn dành phần lớn thời gian ở ngoài đường chứ không phải ở nhà.
Chúng ta vẫn tiếp tục ra đường “cày bừa” vất vả ngoài đường để có thể đổi nhà khác to hơn, mua sắm cho nhà nhiều vật dụng tiện nghi hơn. Lẽ nào chúng ta cần một “căn nhà” hơn là một “tổ ấm”?
2. Đẻ con cho người giúp việc
Vợ chồng ở với nhau chỉ mong có đứa con cho vui cửa vui nhà. Cặp vợ chồng nào chẳng may vô sinh hiếm muộn thì quáng quàng đi bác sĩ Đông Tây đủ thể loại mong kiếm được mụn con.
Trông mong vậy nhưng đến khi có con, chúng ta mặc nhiên giao con của mình cho người giúp việc trông nom, chăm sóc.
Việc dạy dỗ con cái cũng khoán luôn cho người giúp việc.
Còn chúng ta – những người đã sinh ra những đứa trẻ thiên thần ấy thì mải mê đi làm kiếm tiền.
Mỗi ngày gặp con chưa được 1, 2 tiếng đồng hồ.
Vậy, chúng ta đẻ con để người giúp việc có được niềm vui nâng niu ẵm bồng chớ đâu phải cho ta?
3. Người nghèo sang hơn người giàu
Chúng ta ở thành phố, mức sống cao, thu nhập cao nhưng mấy khi chúng ta sắm được cho cha mẹ ở quê những thứ tốt nhất.
Hầu hết những gì chúng ta gửi về nông thôn là những thứ đồ cũ chúng ta không xài nữa, đã hư hỏng hoặc không hợp thời.
Ngược lại, những người “nghèo khó” ở nông thôn luôn chọn những thứ tốt nhất gửi lên cho người thành phố. Con gà béo nhất, buồng chuối to nhất, trái mít ngọt nhất…
Chẳng phải dân nhà quê “chơi sang” hơn người thành phố sao?
4. Kiếm tiền mua sức khỏe
Chúng ta muốn kiếm thật nhiều tiền, vì thế chúng ta phải làm việc thật nhiều.
Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, tuần làm 40 giờ không đủ tranh thủ thêm cuối tuần.
Hậu quả là cơ thể không một phút nghỉ ngơi khiến cho mắt mờ chân run, đầu óc mụ mị, lục phủ ngũ tạng rệu rã… phải vào bệnh viện.
Lúc đó, bao nhiêu tiền do làm lụng vất vả mà có lại đưa hết cho thầy thuốc để mua sức khoẻ.
Liệu có mua được không?
5. Thế giới ảo “thực” hơn thế giới thực
Công nghệ càng phát triển, chúng ta càng kết nối được nhiều người, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề nữa. Ngồi một chỗ, chúng ta có thể trò chuyện với bạn bè khắp thế giới, kết nối mọi thông tin thông qua cái điện thoại bé xíu cầm trên tay.
Nhiều quan hệ quá, nhiều thông tin quá nên chúng ta không còn thời gian cho quan hệ thật, đời sống thật nữa. Bữa cơm gia đình mỗi người bưng một tô ăn với một cái điện thoại.
Gặp gỡ cà phê cũng mỗi người cầm một điện thoại hí hoáy chấm quẹt, thỉnh thoảng ngước lên nhìn nhau gượng gạo cười lấy lệ rồi lại cắm cúi chấm quẹt.
Thế giới ảo hấp dẫn hơn thế giới thật mất rồi!
Vì vậy:
- Cái chúng ta cần là những đứa trẻ, là con của chúng ta...
- Cái chúng ta cần là một tổ ấm thực sự "ấm" chứ ko phải là một căn nhà lạnh lẽo sáng đi, tối về ngủ
- Cái chúng ta cần là tiền để tận hưởng cuộc sống này, chứ ko phải dùng tiền để mua lại sức khoẻ
- Cái chúng ta cần là những con người bằng xương, bằng thịt, có thể quan tâm chia sẻ với chúng ta niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống chứ ko phải những dòng tin nhảy múa thông qua cái màn hình nhỏ xíu
Và thay cho lời cuối:
Vâng còn 6 nghịch lý nữa, không chỉ ở Trong nước
- Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
- Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
- Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
- Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
- Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
- Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý"
Từ "Ai" không phải là "Tất cả".
Phạm Bình - TINTUCVIETDUC.DE
Theo cachsong