Thực tiễn cũng cho thấy, trong xã hội càng có nhiều tấm gương sáng thì có hội cho lớp trẻ học tập làm theo để hoàn thiện mình càng nhiều và ngược lại.

Những ai đang quan tâm đến đến giáo dục hôm nay hẳn không thể yên lòng khi tình trạng bạo lực đang diễn ra tràn lan ở mọi nơi, mọi lúc.

Điều đáng lưu tâm là người lớn - những đối tượng phải nêu gương tốt thì rất nhiều người lại trình diễn một gương mặt đầy bạo lực, xấu xa.

Vào mạng mỗi ngày, chúng ta rùng mình chứng kiến hàng loạt clip đánh, chém, giết, bắn… với nhân vật chính là người lớn.

  • Một vụ bắn nhau ngay trên đường như phim hành động,
  • một phụ nữ bị đè giữa đường kề dao vào cổ vì nghi bắt cóc trẻ con;
  • một thanh niên ngoại quốc bị đánh xịt máu mũi vì va chạm giao thông;
  • một đứa bé không biết có tội tình gì mà bị treo hai tay lên xà nhà, giãy giụa kêu cứu…

Bên cạnh đó là vô vàn những vụ việc khác, thậm chí, cô giáo thầy giáo cũng sử dụng bạo lực với nhau và với học sinh!

Bạo lực bắt nguồn từ người lớn - 0

Nhà sư phạm A.Makarenko đã đúc kết: Nêu gương là một phương pháp giáo dục cực kỳ quan trọng, trong đó, đối tượng trẻ em, học sinh quan sát người lớn và học tập làm theo.

Những hình ảnh ấy là những tấm gương xấu để trẻ em nhìn vào và làm theo.

Vì thế, chúng ta không hề ngạc nhiên khi chứng kiến một em học sinh lớp 9 ở Quảng Trị bị bạn bè đánh hội đồng đến ngất xỉu phải nhập viện ngay ban ngày ban mặt.

Lên google tìm kiếm cụm từ “bạo lực học đường” lập tức ra hàng triệu kết quả, hàng trăm clip trong đó, nhân vật chính là các em học sinh! Đánh hội đồng, làm nhục, bắt quỳ, rồi quay phim tung lên mạng…

Những chiêu trò, hành vi đó, các em bắt chước từ người lớn, từ tình trạng bạo lực tràn lan không thể kiểm soát. Tệ hơn nữa, các em cũng học theo người lớn, lập băng nhóm, tôn xưng người đầu nhóm là “anh đại, chị đại”!

Một phụ huynh tâm sự:

"Tôi thà bỏ việc, bỏ thu nhập để trực tiếp đưa đón con tận cổng trường chứ không thể nào yên tâm khi chuyện học sinh đánh bạn diễn ra mỗi ngày. Tôi sợ, có ngày con tôi cũng là nạn nhân, hoặc biết đâu, là thủ phạm tham gia đánh bạn”.

Nhưng không phải ai cũng có thể kèm cặp bảo vệ con cái thường xuyên được. Và bạo lực có thể “ghé thăm” con bạn bất cứ lúc nào.

Theo tôi, tình trạng bạo lực trẻ em, bạo lực học đường vẫn còn tiếp diễn chừng nào người lớn vẫn còn nêu gương xấu. Đến khi nào trẻ em được sống trong một môi trường thân thiện, nhân văn, không có bạo lực máu me?

Câu hỏi đó, cũng là trách nhiệm của người lớn, của các cơ quan chức năng, của toàn xã hội.

Y Thiện Niê - Đăng trên báo Thanh Nien Online

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, thầy giáo dạy văn ở một trường cấp 3 tại Đắk Lắk.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC