Hầu hết đều khẳng định đề tài quá tầm thường, không giúp ích cho cuộc sống. Đây không phải luận văn đầu tiên bị "soi", nhiều năm qua, vẫn thấp thoáng những luận văn gây xôn xao dư luận bởi kém hàm lượng khoa học hoặc chỉ là thứ "công nghệ nhân bản".
Chẳng hạn, riêng môn thể thao cầu lông, theo thống kê chính thức, có tới 6 luận án liên quan đến việc thúc đẩy môn này "trăm hoa đua nở" trong nhà trường các cấp. Cầu lông có quan trọng đến thế không, có nhất thiết "nâng lên tầm cao mới" để các ông dự bị tiến sĩ phải "lao tâm khổ tứ" vì nó?
Môn thể thao cầu lông cần cho cuộc sống nhưng trở thành đề tài luận án tiến sĩ thì đó lại trở nên kệch cỡm, vô bổ. Thế nhưng những đề tài như vậy lại là điều kiện cần và đủ để các nghiên cứu sinh xênh xang mũ áo trên bục vinh danh.
Tại sao nên nông nỗi này?
Trước hết, xã hội đang nhuốm "bệnh sĩ" trầm kha, cái danh đè nặng lên nhân phẩm. Kế nữa, quy chế bắt buộc bằng cấp trong tuyển dụng và đề bạt cán bộ quá cứng nhắc, không coi năng lực là tiên quyết. Cả hai điều này thúc đẩy nhiều người suy thoái phải chạy đua với bất cứ giá nào, kể cả chui lủi, miễn sao đạt mục đích.
Thực trạng của ngành giáo dục - đào tạo cũng là vấn đề đáng bàn. Tình hình nhức nhối tới mức Thủ tướng Phạm Minh Chính từng kêu gọi "học thật, thi thật".
Sẽ là học thật thi thật nếu các hội đồng thẩm định, các giáo sư hướng dẫn đừng "đánh trận giả", đồng thời phải là những người chân chính, có trách nhiệm thì không ai chấp nhận thứ luận văn mới nhìn qua tiêu đề đã đủ biết không xứng tầm, thậm chí ngớ ngẩn, vớ vẩn.
Hiện các học viện, các trường đại học đua nhau cho ra lò hàng trăm, hàng ngàn tiến sĩ là rất bất bình thường. Hình như có cái gì đấy không đàng hoàng, ẩn chứa phía sau mục tiêu nâng cao học thức, trình độ là bóng đen tiêu cực, dẫn đến chất lượng đào tạo bị nghi ngờ.
Vấn nạn nêu trên là kết quả của một loạt mắt xích liên kết chặt chẽ. Tiếc rằng các cơ quan hữu trách để cho chuyện ai cũng biết này kéo dài quá lâu, tồn tại quá sâu.
Chúng ta thường rất đại ngôn khi nhắc nhở con người là vốn quý, trung tâm của động lực phát triển, nhưng trên thực tế lại buông lỏng quản lý, làm ngơ cho những hiện tượng xấu mặc sức tung hoành. Điều đó không chỉ hại cho hôm nay mà còn họa cho cả ngày mai.
Vậy có dẹp được nạn vẽ vời để thành tiến sĩ không? Khó, bởi các nguyên nhân dẫn đến nở rộ đào tạo tiến sĩ đã được chỉ ra nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Cứ thế, nhu cầu muốn thành tiến sĩ ngày càng tăng và những luận án vô bổ, thậm chí nhí nhố cứ ra đời.
Một lần nữa, chuông cảnh báo lại vang lên, chỉ sợ khi tiếng ngân nga không còn nữa thì đâu vẫn vào đấy. Đất nước muốn hóa rồng thì phải vĩnh viễn tiễn đưa cái trò "tiến sĩ giấy" của cụ Nguyễn Khuyến vào dĩ vãng. Chớ có phục sinh nó, khiến người xưa khóc, người nay đau lòng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online