Ở các đợt dịch trước, chúng ta đã chứng kiến bộ đội vào rừng ngủ lán, nhường doanh trại cho người dân ở xa về cách ly. Rồi bộ đội nấu cơm cho dân ăn…  

1 Cam On Anh Bo Doi

Ở các đợt dịch trước, chúng ta đã chứng kiến bộ đội vào rừng ngủ lán, nhường doanh trại cho người dân ở xa về cách ly. Rồi bộ đội nấu cơm cho dân ăn…

TPHCM từ đầu đợt bùng dịch thứ tư, quân đội đã tham gia tích cực. Quân khu 7 đã dốc toàn lực cho việc phòng, chống dịch. Trên địa bàn Quân khu tính đến 21/7 đã thành lập 55 điểm cách ly phục vụ hơn 7,7 vạn người. Điều động 132 y, bác sỹ hỗ trợ các địa phương trên địa bàn cùng 1.200 cán bộ, chiến sĩ túc trực thường xuyên.

Gần 60.000 bộ đội, dân quân tham gia phối hợp. Họ tuần tra kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, hỗ trợ y tế lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng vắc-xin, tham gia làm nhiệm vụ tại 445 chốt liên ngành phòng, chống dịch...

Vậy nên, khi tình hình dịch bệnh nóng hơn, việc huy động các chiến sĩ bộ đội, công an hay bác sĩ quân y từ Bắc vào hỗ trợ là lẽ đương nhiên. Nó chỉ gây xôn xao không cần thiết khi ai đó đem hình ảnh xe bọc thép trong một buổi diễn tập phòng thủ khu vực tại Hải Phòng quàng vào sự việc.

Tuy nhiên khía cạnh “lãng mạn” mới được nhiều người quan tâm, cũng là một dịp để xả bớt căng thẳng. Hình ảnh những chú bộ đội sáu múi thêm một lần được lan tỏa rầm rộ. Chị em nào cũng mong ngóng các anh đến tận nhà mang đồ ăn cho, lại đi chợ hộ nữa thì nhất…

Một người bạn ở Thụy Sĩ kể: Châu Âu hè năm ngoái, quân đội hiện diện nhiều nơi, đặc biệt tại Ý và Tây Ban Nha “cứ như thể Đại chiến thế giới”. Dân Thụy Sĩ ít ngỡ ngàng hơn vì quân đội thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện lớn, bên cạnh cảnh sát. Hình ảnh xe bọc thép chặn đường mỗi khi diễn ra lễ hội lớn là chuyện thường.

“Khi dịch bệnh xảy đến (H1N1 năm 2009, COVID-19), quân đội là lực lượng được huy động đầu tiên. Tùy trình độ (quân nhân chuyên nghiệp, quân y, thanh niên nghĩa vụ) mà phân công” - bạn kể.

Bạn cẩn thận thống kê từ giữa tháng Ba đến cuối tháng Sáu năm ngoái là thời gian Thụy Sĩ bắt đầu đóng biên giới, phong tỏa đợt một, đã có 6.000 quân nhân, thực hiện hơn 300 nhiệm vụ theo yêu cầu của các bang. Kế đó là 24.000 dân phòng phục vụ trong bệnh viện, đảm nhận đón tiếp, kiểm tra, làm sạch và khử trùng, khuân vác, vận chuyển thiết bị bảo hộ… Tổng cộng họ đã hoàn thành khoảng 320.000 ngày làm việc trong ba tháng rưỡi. Hình ảnh quân, dân sát cánh dù ở đâu luôn đem lại sự an tâm. Vì ai cũng biết tính kỷ luật cao của quân đội.

TPHCM áp dụng Chỉ thị 16 tới nay được gần tháng rưỡi, Hà Nội cũng tròn một tháng giãn cách. Cũng có những lời kêu ca, một số phản ứng bằng hành động: Ra đường tập thể dục, đạp xe như chưa hề có chuyện cách ly… Ngồi nhà trong khi thu nhập giảm, lại thêm stress vì có bao giờ phải nhìn mặt người nhà nhiều thế đâu(!).

Một người bạn khác của tôi ở Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm vượt qua kỳ phong tỏa tưởng 6 tuần cuối cùng kéo dài 7 tháng (chia thành hai đợt). Đó là tìm những thứ hữu ích để làm (trồng cây, đan lát, dọn dẹp, nấu ăn…) và chi tiêu tiết kiệm.

Mặc dù có thể ra ngoài tự mua đồ nhưng bạn cẩn thận chỉ đặt mua qua mạng, tuần nhận hàng một lần. Bạn vừa thông báo 90% dân số Hà Lan đăng ký tiêm chủng COVID-19 trong đó gần 80% đã tiêm xong. Hiện bạn đang du lịch tung tăng khắp châu Âu, và bạn vẫn huy động từ xa 2,5 tấn gạo chuyển về hỗ trợ TPHCM chống dịch.

N.M.Hà

Nguồn: tienphong.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC