Hình ảnh một cậu bé 4 tuổi rưỡi theo mẹ đi nhặt ve chai, khi bắt gặp cô giáo và các bạn cùng lứa tuổi ở công viên 30/4 (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã tự động xếp dép cho cô và các bạn, khiến nhiều người cảm động.
Cậu bé đang xếp dép. Ảnh: FB Phạm Nghĩa
Anh Phạm Nghĩa, một nhà báo tại thành phố Hồ Chí Minh, người quay clip video và cho lên Facebook của mình, cho biết khi đang ngồi gần Nhà Thờ Đức Bà, đúng vào hôm có nhiều bé mầm non đi dã ngoại, anh đã vô tình thấy một bé trai đi lượm rác gần đó.
“Lúc đầu chỉ có ý định đi theo xem bé khi thấy các bạn cùng lứa tuổi được ăn mặc đẹp và ba mẹ chăm sóc thì sẽ phản ứng như thế nào, nhưng không ngờ bé đã có một hành động rất đẹp, đó lấy đôi dép của cô lúc đó để khá xa về để gần cũng các bạn và sắp xếp dép lại cho các bạn, rồi bé đứng xem và múa theo các bạn, sau đó lại tiếp tục theo mẹ đi lượm rác,” nhà báo Phạm Nghĩa kể.
Cảm động trước một hành động đẹp, có văn hóa và việc liên tưởng tới chính tình cảm của các cha mẹ với con cái mình – có lẽ đó chính là lý do khiến những hình ảnh này đã lan tỏa như vậy, theo nhà báo Phạm Nghĩa.
Anh giải thích thêm: “Không phải đứa trẻ nào đi học, được thầy cô hướng dẫn cũng đều thực hiện được như bé”.
“Sự tử tế là từ những việc đơn giản nhất, bình dị nhất trong cuộc sống”, nhà báo Phạm Nghĩa viết trên trang Facebook của mình.
Cảm ơn Facebook Nghia Pham đã tinh tế ghi lại được khoảnh khắc lay động lòng người như thế.
Với một chiếc mũ quá khổ, chiếc áo xám hơi nhàu cùng đôi dép rộng thùng thình, bé lon ton xếp giày dép cho các bạn mầm non và cô giáo đang đi dã ngoại. Rồi bé hồn nhiên đứng ngắm dãy giày không thể nào ngăn nắp hơn.
Giây phút ấy, hẳn là lòng cậu bé đã rất vui và hãnh diện vì “thành quả” công việc dù nhỏ bé của mình. Và bé biết không, hành động bé nhỏ ấy đã khiến bao người phải ngạc nhiên, bật cười, giật mình và cả xấu hổ…
Hình thức bên ngoài lạc lõng trước những bộ đồng phục rực rỡ của các bạn đồng trang lứa nhưng hành động và tâm hồn của cậu bé quá đẹp.
Cô và trò bước lên tấm thảm ni-lông, vô tình bỏ những đôi giày chỏng chơ, lộn xộn. Bao nhiêu người đi qua, mấy ai nghĩ đến việc xếp giày theo hàng, theo lối?
Vậy mà cậu bé đã nhìn thấy, nghĩ suy và nhanh tay, tự nguyện xếp chúng ngăn nắp, gọn gàng.
Đáng quý hơn nữa là những chiếc giày nằm thuận chiều xỏ chân của các bạn.
Cậu bé và những đôi dép đã được xếp gọn gàng. Ảnh: FB Nghĩa Phạm
Những bài học mà cô giáo đã dạy bé từ hồi bé còn đến lớp bây giờ chỉ là những chuỗi ký ức đẹp theo từng bước chân bé nhặt ve chai mưu sinh với mẹ. Hoàn cảnh khốn khó buộc bé phải nghỉ học nhưng sự tử tế của cậu thực sự là bài học quý giá trong cuộc sống này.
Cậu bé và bài học về cách cho đi ấy khiến nhiều người phải tự vấn bản thân và đôi khi hổ thẹn với chính mình.
Từ chuyện nhỏ là xếp giày dép ngăn nắp đến những việc lớn hơn như chấp hành luật giao thông, bỏ rác đúng quy định, trật tự nơi công cộng…, bao người đã vô tâm và thậm chí là mặc nhiên vi phạm.
Và chính cậu bé đã chứng minh chân lý:
“Gieo ý thức, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận” (Samuel Smiles).
Nếu điểm xuất phát là ý thức mang tính tích cực, hẳn nhiên là người tốt, việc tốt sẽ nhân lên trong xã hội ngày nay.
Hành động nhỏ của bé còn có sức thức tỉnh lớn đối với nhiều phụ huynh trong cách giáo dục con trẻ.
Chu toàn cho con một cuộc sống đủ đầy vật chất nhưng đừng bỏ quên dạy trẻ về lòng tốt, sự sẻ chia và những kỹ năng sống cần thiết.
Tất cả cần được nuôi dưỡng thành thói quen, nếp nghĩ, nếp sống ngay từ nhỏ. Và hạnh phúc của người làm cha làm mẹ đôi khi đơn giản là có một đứa con tử tế, nên người.
Cảm ơn cậu bé đã mở ra một lát cắt khác giữa cuộc sống bề bộn này và mang lại niềm tin về sự tử tế!
Tin mới nhất cho hay, sau khi video và ảnh của cậu bé được đăng tải trên mạng xã hội và truyền thông, điều kỳ diệu đã đến.
Bé Đạt đã được hai ngôi trường mầm non tiếp nhận, tài trợ tiền học miễn phí. Còn chị Linh, mẹ bé Đạt được công ty Vinamilk nhận vào làm việc. Họ đã tiếp nhận hồ sơ, hứa sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để người mẹ trẻ có công việc ổn định để nuôi con, đồng thời hỗ trợ chị Linh tìm nhà trọ gần trường bé Đạt học để tiện đưa đón, sau đó bắt xe buýt đi làm.
Nguyễn Trang - BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG