Dư luận gần đây bức xúc trước sự phân biệt đối xử giữa khách ta và khách Tây tại một số cơ sở dịch vụ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Song, cũng có người giật mình nhìn lại: khách Việt thế nào mà lại bị đối xử như vậy?
Chán ngấy thói xấu của khách Việt
Sở dĩ nhiều chủ cửa hàng phũ phàng từ chối khách Việt vì không thể chấp nhận được những thói xấu của họ.
Nhiều khách sạn lớn còn ngần ngại khi phải tiếp đón những đoàn khách nội địa.
Bởi, có những điều trong Bảng nội quy, treo ngay trước sảnh khách sạn, nhiều khách Việt vẫn lờ đi, không thèm để ý.
Họ thản nhiên phì phèo thuốc lá, xả rác bừa bãi, ồn ào nơi công cộng, không chịu xếp hàng hay nhường nhau...
Khi nhân viên phục vụ nhắc nhở thì lại tỏ vẻ khó chịu và cau có.
Bên cạnh đó, thực khách Việt lại có một thói quen xấu khi ăn buffet là lấy rất nhiều đồ ăn ra đĩa nhưng lại để thừa mứa. Điều này không chỉ lãng phí mà gây mất vệ sinh, bởi sau khi buổi tiệc kết thúc, thức ăn thừa sẽ vương vãi khắp nơi.
Không chỉ ở các nhà hàng, khách sạn lớn mà ngay cả ở những quán ăn bình dân, rất dễ bắt gặp cảnh khách hàng thẳng tay xả rác vô ý thức.
Thùng rác đặt không xa, cách có vài bước chân thậm chí được đặt ngay dưới gầm bàn nhưng dường như hầu hết khách hàng Việt vẫn chưa rèn cho mình ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Anh Thái (nhân viên phục vụ tại khách sạn lớn ở Hà Nội) chia sẻ:
“Khách hàng Việt còn không có văn hóa xếp hàng, chờ đợi. Cứ mỗi lần gọi đồ ăn, nếu nhân viên phục vụ mang ra chậm một chút là y như rằng bị họ trách móc.
Lúc trả tiền, gửi xe hay mua xăng,... ai cũng muốn nhanh hơn người khác. Lần trước chính mình chứng kiến ông khách Tây há hốc miệng kinh ngạc khi bị một vị khách Việt Nam chen lấn, đẩy ra khỏi hàng để chen ngang”.
Hình ảnh của vị Thủ tướng Singapore xếp hàng 30 phút đợi suất gà rán lan trên mạng nhiều ngày qua làm nhiều người phải giật mình nhìn lại bản thân.
Xuân Lan (tiếp viên hàng không) cũng tâm sự:
“Dạo này, bên hãng mình cũng đã chấn chỉnh thái độ phục vụ của các tiếp viên với tất cả hành khách.
Nhưng thật sự mình thấy thoải mái khi phục vụ khách ngoại quốc hơn nội địa. Mình cũng là người Việt nhưng phải thừa nhận rằng, ứng xử của khách Việt không văn minh bằng khách Tây”.
Lan kể, nhiều khách hàng vô tư ấn nút gọi tiếp viên rồi khi tiếp viên ra lại buông ra một câu “ấn nhầm”.
Có người thì vô ý thức vắt hẳn chân lên ghế trong khi mùi tất chân hôi rình.
Những người ngồi bên cạnh khó chịu ra mặt nhưng vị khách vẫn bất chấp vì cho rằng ghế ai thì người đó ngồi, miễn là không ảnh hưởng là được.
Trong nhà vệ sinh của máy bay nhiều khi có cả tàn thuốc lá chứng tỏ vẫn có người lén lút, bất chấp nội quy cấm hút thuốc, bất chấp cả sự nguy hiểm với chuyến bay.
Thượng đế Việt có nhiều thói xấu lại đi kèm lối ứng xử thiếu văn minh khiến không ít những chủ cửa hàng, khách sạn lâm vào cảnh xấu hổ.
Chẳng là anh Tuấn (chủ nhà hàng lớn ở Hà Nội) đã từng có lần gặp một thực khách đập bàn, đập ghế ầm ầm chỉ vì anh nhân viên chạy bàn góp ý vứt rác đúng nơi quy định.
Khi anh ra can thiệp nhắc nhở chân thành, vị khách đã tím mặt giận dữ, quát tháo cả anh rồi hầm hầm bỏ về không quên vài câu chửi tục tĩu.
Trong khi nếu là khách Tây, họ sẽ lịch sự xin lỗi và tiếp thu ý kiến ngay.
“Sức nặng” của khách Tây
Khi đi nhà hàng, người phương Tây có thói quen “bo” cho nhân viên phục vụ như một nét văn hóa, còn người Việt thì ít người làm vậy.
Cho nên với khách Tây, nếu nhân viên phục vụ có thái độ niềm nở với họ thì cũng không phải là khó hiểu.
Chị Lan Phương (nhân viên lễ tân) kể:
“Mình hay làm nhiệm vụ sắp xếp nhân viên phục vụ đối với khách.
Các anh ấy hầu như đều tranh khách ngoại quốc, rất ít người nhận khách Việt. Bởi vừa được tăng thu nhập, vừa được thoải mái thì ai cũng thích.
Chính từ khoản tiền bo này mà không ít khách Việt bị coi thường trong đối xử với khách Tây”.
Không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả những khách sạn nước ngoài, khách hàng Việt cũng bị phân biệt đối xử.
Anh Thái (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ:
“Tôi là người làm khách sạn được 10 năm và nghiệm ra thế này: Tây hay ta gì cũng vậy thôi, người Mỹ, Anh, Pháp... họ lịch sự và có ý thức vệ sinh hơn người Việt và người Nga.
Nói thật, một lượng lớn người Việt mình vì nghĩ ở khách sạn mất tiền nên tha hồ xả rác, ga gối, toilet mất vệ sinh kinh khủng...
Mấy lần sang Malaysia, cô lễ tân nhìn hộ chiếu tôi bằng cái nhìn khinh khỉnh, khiến tôi rất bực mình vì họ không được giáo dục trong cách ứng xử với khách hàng.
Nhưng nhìn đi nhìn lại thì đúng là người Việt Nam ở nước ngoài vẫn không bỏ được những thói xấu. Một vài con sâu làm rầu nồi canh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước”.
Thêm vào đó, sức nặng câu phàn nàn của khách Tây hơn hẳn khách ta nên nhân viên phục vụ rất coi thường lời nói của khách Việt.
Trong hành xử nếu có gì sai sót, khách hàng ngoại quốc thường không dễ dàng bỏ qua.
Họ chẳng ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm hay cảnh báo trên các diễn đàn du lịch quốc tế. Khi đó, các nhà hàng, khách sạn bị phản ánh sẽ thiệt hại đáng kể nếu không nỗ lực sửa sai.
Điển hình là việc Hội An thu phí tham quan vừa qua bị khách nước ngoài đưa lên diễn đàn du lịch nổi tiếng thế giới vừa qua.
Khách hàng Việt bộc lộ đủ thói xấu khiến nhân viên phục vụ kém nhiệt tình, rồi họ quay sính Tây khiến khách Việt càng thêm bức xúc... âu cũng là một cái vòng luẩn quẩn khiến chính người Việt lại đi phân biệt đối xử với người Việt.
Điều này vô tình làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt của du khách quốc tế.
Theo Nhị Anh
VNNET.