Theo thầy Thích Tiến Đạt, không có chuyện cứ làm điều xấu rồi lên chùa cúng dường là giải được nghiệp... - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Đức Phật chỉ dạy tu tập để tiêu trừ ác nghiệp, không ai ban phúc cho ta, không ai trừ được họa cho ta. Họa phúc do chính ta tạo nên, tự chịu trách nhiệm và tự thay đổi. Chúng ta là chủ nhân của nghiệp thì phải thừa nghiệp. Tạo nghiệp thế nào thì phải chịu vậy, không Phật nào giải được nghiệp cho ta.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt
Sáng nay 30-3, tại Hà Nội, Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phó trưởng Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Viện chủ Đại Từ Ân - Trường trung cấp Phật học Hà Nội - đã có buổi nói chuyện với một số nhà báo và những người quan tâm về chủ đề Tín ngưỡng - Đạo Phật: Thế nào là đúng?
Thượng tọa Thích Tiến Đạt đã dành hơn 1 giờ để nói về những triết lý của đạo Phật và câu chuyện văn hóa tín ngưỡng tại Việt Nam.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt cũng dành 30 phút để giải đáp các câu hỏi của những người tham gia.
Cuộc họp nội bộ của Giáo hội về vụ chùa Ba Vàng chiều 26-3 - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Phật giáo Việt Nam
Nghiệp do mình tạo, phải tự chịu và tự giải
Tuy từ chối trả lời những câu hỏi trực diện, ví như chuyện "dâng sao giải hạn" hay chuyện thỉnh "oan gia trái chủ" ở chùa Ba Vàng, nhưng Thượng tọa Thích Tiến Đạt liên tục khẳng định rõ ràng: phúc họa của chúng sinh đều do chúng sinh tự tạo và tự chịu trách nhiệm. Phật không tạo phúc họa cho chúng sinh, cũng chẳng thể giải được nghiệp cho chúng sinh.
Ngay cả ông bà tổ tiên của chúng ta thì cũng không thể "đỡ" được nghiệp cho con cháu mình, không thể cậy nhờ tổ tiên giải nghiệp hay ban phúc, không thể xin tiên tổ phù hộ cho mình được thuận lợi việc này việc kia.
"Người xưa thờ cúng là để mỗi người khi thắp nén hương thơm đứng trước bàn thờ chính là một lần được đối diện để tự vấn mình đã xứng đáng với tổ tiên hay chưa. Thế nên mới có chuyện các nhà thờ, từ đường dòng họ đều có quy định con cháu bất hiếu không được bước chân vào...", Thượng tọa Thích Tiến Đạt nói.
Trích một số phần pháp thoại của sư trụ trì chùa Ba Vàng - phần pháp thoại này được cho là có những quan điểm không đúng với giáo lý đạo Phật.
Đừng mang trí tuệ hạn hẹp ra phán bậy bạ về nghiệp!
Phó trưởng Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bài nói chuyện của mình cũng chỉ ra một nhận thức sai lầm khác liên quan đến nghiệp và giải nghiệp.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt khẳng định đường đi của nghiệp là "cực kỳ tinh vi", không thể dùng lý trí, hiểu biết hạn hẹp của con người mà "phán đoán bừa bãi" được: "Chỉ có trí tuệ của Phật mới thấy rõ con đường của nghiệp, chúng sinh khác không thể rõ được con đường của nghiệp."
Thượng tọa dẫn ví dụ, vợ chồng cãi nhau thì chính là cặp vợ chồng đó đang tự tạo nghiệp cho mai sau chứ không phải đó là quả của nghiệp từ kiếp trước.
Những đoạn video thuyết giảng của bà Phạm Thị Yến - người thực hiện cúng vong, thỉnh "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng - được lan truyền trên mạng cho thấy bà Yến từng "phán bừa" về chuyện cãi vã, không yên vui của các cặp vợ chồng là do nghiệp họ đã tạo ra từ kiếp trước.
Chùa Ba Vàng, ảnh chụp ngày 21-3-2019, nơi vừa gây tranh cãi về những hoạt động trái luật Phật - Ảnh: TIẾN THẮNG
Đừng mong mang tiền lên chùa mà chuộc được tội
Nhiều người ngày nay thường lên chùa cúng dường để mong giải được nghiệp xấu, Thượng tọa Thích Tiến Đạt khẳng định ngay điều này là không thể. Bởi nghiệp do mình tạo ra thì tự mình phải hứng lấy nghiệp và phải tự mình tu tập để giải nghiệp. Mà để thay đổi nghiệp thì phải thì phải do chính mình tu tập bằng 6 phương pháp chứ không chỉ nhờ vào mỗi việc cúng dường.
Trong phép đầu tiên của tu tập - bố thí - thì đem tiền cúng dường Tam Bảo chỉ là một phần. Quan trọng không kém trong phép bố thí đó là phải phụng dưỡng cha mẹ, cứu giúp kẻ nghèo người đói, cứu giúp người bệnh tật, người cô quả.
"Tài sản là thứ gắn liền với sở hữu của con người, nó cũng là cái thứ hai của mạng sống bởi không có tài sản thì không sống được. Cho nên việc bố thí chính là bỏ bớt chấp ngã, vì vậy mà có thể là một cách giúp giải nghiệp", Thượng tọa Thích Tiến Đạt giải thích.
Nhưng Thượng tọa cũng lưu ý:
"Đồng tiền bố thí, cúng dường ấy phải là đồng tiền chân chính, đồng tiền đúng là mồ hôi nước mắt của mình đem đi bố thí, cúng dường mới tạo ra phúc. Còn tiền được tạo ra từ tội lỗi, đem cúng thì không bao giờ tạo ra phúc".
Phép thứ hai của tu tập là chỉ giới, nghĩa là phải sống nghiêm túc, đúng pháp luật, giới luật mà Đức Phật đã chỉ dạy. Ba là phải nhẫn nại trước những khen chê tạo nghiệp, ai tính tình nóng nảy thì tránh chuyện thị phi đi.
Bốn là phải định tâm, kiên định. Năm là phải tịnh tiến: luôn nỗ lực sửa mình từng ngày cho trọn vẹn. Phép tu tập cuối cùng là phải có trí tuệ.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt giải thích:
"Không thể lấy cái phúc này để đổi, trừ cho cái nghiệp kia được. Nếu anh gieo nhân giết người thì anh sẽ phải trả quả báo tội giết người. Đừng nghĩ rằng hôm nay mang tiền đến cúng dường Tam Bảo để tôi chuộc tội giết người là hoàn toàn không có. Cái gì cũng có phúc báo riêng, đừng lẫn lộn về nhân quả."
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online