Không biết tự bao giờ, hai chữ “cướp lộc” đã được choàng thêm lên mình một hàm nghĩa về sự may mắn.

Hàng trăm lễ hội đầu năm thì hầu như cả trăm đều có một màn cướp lộc được người người, nhà nhà hào hứng… 

Cướp lộc trong lễ hội: ‘Văn hóa đấu’ và sự suy bại của lễ nghĩa - 0

Văn hóa… cướp!?

Lễ lạt xong xuôi, người chủ lễ trịnh trọng hô hai tiếng: “Tất lễ”.

Ông vừa dứt lời hàng trăm người cùng tràn lên như sóng vỡ bờ, ùa vào giành giật “lễ”, vốn là mấy mâm trầu cau, một chiếc kiệu hoa tre.

Những thanh niên trai tráng hùng hổ trèo qua tường, xô đẩy, chen lấn, ra sức cướp giật. Kẻ nhanh tay thì hớn hở cầm “chiến lợi phẩm” ra về, người chậm chân thì tiu nghỉu vì không “cướp” được vận may. Cả sân đền vốn thanh tĩnh, trầm mặc bỗng nhốn nháo như chiến trường của một vụ loạn đả.

Đó là cảnh tượng quen thuộc trong lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) những năm trước đây.

Cướp lộc trong lễ hội: ‘Văn hóa đấu’ và sự suy bại của lễ nghĩa - 1

Người ta sẵn sàng vung tay đánh người để cướp cho được “lộc Trời” (Ảnh: Zing.vn)

Sau quá nhiều tai tiếng, năm nay, ban tổ chức đã phá lệ, hủy bỏ nghi thức “cướp lộc” phản cảm kia. Thay vì để khách thập phương lao vào cuộc tranh giành không đẹp mắt lắm, người ta làm sẵn tới 15.000 cành lộc hoa tre, trầu cau và… phát đại trà. Nghĩa là năm mới ai cũng có quà, cũng có lộc mang về và cũng được may mắn!

Nhưng không phải lễ hội nào cũng diễn ra yên bình như hội Gióng năm nay. Ở đâu đó, những cảnh tranh cướp vẫn diễn ra như một phần tất yếu của hội hè.

Năm ngoái, khai hội chùa Hương, sau lễ, tại sân chùa Thiên Trù, hàng trăm người chen lấn, dẫm đạp lên nhau để giành mấy phần lộc được sư thầy “tung hứng” từ trên cao xuống như làm xiếc.

Chỉ mấy ngày trước, ở hội “đúc Bụt” tại miếu Bà thờ công chúa Ngọc Kinh (Vĩnh Phúc), hàng trăm, hàng nghìn người lao vào cướp lấy một manh chiếu cói với niềm tin rằng ai cướp được chiếu thì sẽ sinh con trai.

Rồi ở hội cướp phết Hiền Quan ở Phú Thọ, nhiều thanh niên trai tráng thậm chí còn bất tỉnh vì chen lấn, xô đẩy đến ngạt thở.

Cướp ấn ở đền Trần, năm nào cũng có người phải đi cấp cứu khi ngôi đền nổi tiếng này phải “thất thủ” trước đoàn người cướp ấn quá hung hãn…

Nếu phải thống kê rõ ràng những sự vụ “cướp bóc” ở các lễ hội đầu năm thì e rằng người ta hẳn phải đủ tư liệu để xuất bản một cuốn sách dày. Và rất có thể, cuốn sách sẽ có một cái tên mĩ miều như: “Văn hóa cướp trong lễ hội Việt” hay “Cướp lộc – Nét văn hóa truyền thống dân tộc”…

Lộc có thể “cướp”?

Cướp lộc trong lễ hội: ‘Văn hóa đấu’ và sự suy bại của lễ nghĩa - 2

Nhiều người tranh cướp manh chiếu với niềm tin ai cướp được sẽ sinh con trai trong lễ hội “đúc Bụt” (Ảnh: Ngọc Thành/VNExpress).

Chữ “Lộc” (禄) nguyên có 2 nghĩa thông dụng, một là: phúc, tốt lành. Một nghĩa khác là: bổng lộc, lương tiền. Chữ “Lộc” này lại được cấu thành từ hai bộ phận, chiết tự ra là bộ “kỳ” (礻) đứng trước và chữ “lục” (彔) đứng sau. Mà bộ “kỳ” lại nghĩa là “Thần đất”. Do đó, cái nghĩa gốc của chữ “Lộc” chính là ơn huệ của Thần ban cho. Như vậy, về lý mà nói, con người không thể tự tạo ra lộc, càng không thể tranh giành, cướp bóc lộc Trời được.

Từ bao giờ, người ta đã dám gán sự cướp bóc vào chữ “Lộc” vốn có hàm nghĩa thần thánh đến vậy? Không ai rõ ngọn nguồn của sự biến dị này, nhưng có một điều chắc chắn là thế hệ ông bà chúng ta chưa từng dùng khái niệm này.

Ngày xưa, người ta gọi những hành động ấy là “thụ lộc”, xin lộc.

Thụ” nghĩa là nhận, hơn nữa là nhận một cách thụ động, cho thì mới nhận, vừa có vẻ tôn kính, vừa có nét khiêm nhường. Còn “cướp lộc” thì trái lại, vừa tục tằn, thô lỗ, bặm trợn, lại vừa rất vô lễ.

Đương nhiên, là con người mà nói, ai cũng muốn được may mắn, được hưởng chút “lộc Trời”. Nhưng với cái cách xin lộc theo kiểu võ biền, giang hồ tứ chiếng kia thì thử hỏi Thần linh nào chứng giám và ban phúc lành đây?

Trời cao chỉ có thể ban thưởng cho người trung hậu, nhân nghĩa, đạo lý ngàn đời là vậy. Mà người ta cũng chỉ có thể tích đức, tích phúc bằng cách tu tâm, hành thiện. Giả dụ, có thể bằng thủ đoạn, sức mạnh mà cướp được cả phúc lộc về mình, thử hỏi còn việc ác nào mà người ta không dám nhúng tay, còn chuẩn mực luân lý, đạo đức nào ước thúc con người?

Cho nên, lộc vốn không thể cứ cầu mà được, càng không thể dùng sức mạnh mà cướp bóc như phường trộm cắp. Lộc là phúc lành của Trời cao, Trời cho ai thì người ấy được, mọi chuyện đều được thiên lý đo lường rất công bằng.

Văn hóa “đấu” làm suy bại nhân tâm

Cướp lộc trong lễ hội: ‘Văn hóa đấu’ và sự suy bại của lễ nghĩa - 3

Tranh cướp lộc hoa tre ở lễ hội đền Gióng các năm trước (Ảnh: Thành Phạm/Thanh Niên).

Mỗi kỳ lễ hội xuân về, chuyện cướp lộc lại nóng ran trên mặt báo. Người ta viết bài, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn chuyên gia, nhà văn hóa, quan chức… để chứng minh rằng sự tranh cướp ấy thực đáng xấu hổ lắm, phải dẹp trừ ngay. Nhưng mọi thứ cứ giống như câu chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”, bỏ kiểu nào thì con cóc vẫn cứ nhảy tứ tung và chiếc đĩa xem ra thật vô hại.

Những người tâm huyết nhất với lễ nghĩa, văn hóa truyền thống đã từng đào sâu vào nghiên cứu thật nhiều. Nhưng điều gì mới là khởi nguồn của thói quen cướp lộc trắng trợn ấy vẫn là câu hỏi vô vọng không lời đáp.

Trong phạm vi của bài viết nhỏ này, chúng tôi cũng không hề tham vọng đi mổ xẻ căn bệnh trầm kha kia. Nhưng từ một góc độ nào đó, chúng tôi nhận ra rằng phải chăng văn hóa “đấu” là nguyên do của tất cả?

Ở đây phải nói một chút, văn hóa “đấu” là gì. Thực ra đấu đá thì không thể là văn hóa. Trong nền văn hóa Thần truyền mấy nghìn năm của người Á Đông thực không thể tìm ra một định nghĩa cho nó. Chỉ là ở thời cận đại, hiện đại, nó mới bất ngờ bột phát trở thành một căn bệnh nan y.

Con người hiện đại sẵn sàng tranh đấu, tấn công nhau chỉ vì danh, lợi, tình. Để kiếm tiền, mưu cầu cuộc sống đủ đầy, người ta sẵn sàng giở ra mọi thủ đoạn để triệt tiêu nhau, hạ bệ nhau.

Ở mọi lĩnh vực, ta có thể nhận ra thứ văn hóa “đấu” tàn nhẫn ấy. Đồng nghiệp chơi xấu nhau, đối thủ kinh doanh triệt hạ nhau, đối thủ chính trị vu khống nhau…

Ngay cả trong những tranh luận tưởng như rất đời thường cũng bao hàm thứ văn hóa “đấu” ấy, cãi lý trừng mắt, gân cổ tới khi nào thắng được mới chịu, nhiếc móc, dè bỉu, chế giễu, hạ nhục nhân phẩm nhau…

Người ta tranh đấu với nhau ở khắp nơi: công sở, gia đình, ngoài xã hội, thậm chí trên đường cũng giành giật nhau từng centimet cốt sao mình được đi trước, là kẻ chiến thắng.

Lại nói về chuyện cướp lộc, rõ ràng là một trận tranh đấu của những người mong muốn có được vận may, tiền tài. Năm mới, người người đi chùa, đi hội, đi đền cầu lấy chút duyên may, lộc Trời, có thể nói là không gì sai trái. Nhưng xin lộc đã trở thành cướp lộc, cầu may hóa ra lại trở thành quyết đấu.

Bạn chỉ cần lên mạng và gõ hai chữ “cướp lộc”, không đầy tích tắc máy tính sẽ trả về hàng triệu kết quả. Hãy xem những video ghi lại “phút hỗn chiến” loạn lạc ấy và bạn sẽ hiểu thế nào là “văn hóa đấu”.

Khi con người coi nhau là đối thủ, coi sân chùa, đền phủ là sàn đấu, chiến trường, thì có lẽ sự suy bại của nhân luân đã không còn xa nữa. Cổ nhân giảng:

Nhân chi sơ tính bản thiện” (Con người sinh ra tính vốn thiện).

Cướp phá, giành giật, thậm chí đánh nhau chỉ vì một chút lễ lộc liệu có phải là “thiện”?

Các nước Á Đông, trong đó có cả Việt Nam, vốn là nơi có truyền thống lễ nghĩa hàng mấy nghìn năm. Đó cũng là nơi con người được dạy về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong khi người Tây phương đang còn sống trong mê muội, hoang dã thì người Á Đông đã tạo dựng cho mình những nền văn minh vô cùng xán lạn.

Những vương quốc cổ châu Á ở Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản… luôn coi trọng lễ nghi, lấy đó là cái gốc làm người.

Người xưa, bất kể làm điều gì đều tự nhủ: “Điều mình không muốn, chớ làm cho người khác” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).

Chỉ đến thời hiện đại, người ta mới lãng quên hết những điều này, lại chụp lên nó những cái mũ đầy miệt thị, nào là “cổ hủ”, “lạc hậu”, “phong kiến”…

Như vậy, cái hành động cướp lộc tưởng chừng tự phát, hỗn loạn kia hóa ra lại nằm trong một “quy luật” vận hành rất hệ thống, xảo diệu khác. Nó cũng như rất nhiều thói quen tranh đấu của con người cũng chỉ là biểu hiện cụ thể của một thứ văn hóa “đấu” tàn nhẫn, phản truyền thống đang ngày ngày đầu độc con người, khiến họ ngày càng trượt dài về đạo đức, nhân luân.

Tôi còn nhớ, có một nhân vật rất nổi tiếng từng nói thế này:

“Đấu với trời, đấu với đất, đấu với người thật sướng vô cùng!”.

Cũng có thể coi đó là tuyên ngôn cho thứ văn hóa “đấu” đầy tai tiếng kia vậy.

Quả đúng là:

Đấu đấu tranh tranh nhọc kiếp người

Trầm luân bể khổ mãi chơi vơi

Tài lộc Trời ban nào cướp được?

Phúc quả dành riêng người thiện thôi

 

Nguồn: Văn Nhược

DKN.TV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC