Lương của phi công quân sự chỉ bằng 1/10 so với phi công dân sự. Nhưng là người lính, họ luôn tự giác tuyệt đối phục tùng sự phân công của tổ chức, hầu như không có ai chuyển từ phi công quân sự sang phi công dân sự để được hưởng mức lương khủng cả.
Trong khi lao động trong môi trường quân sự đòi hỏi đặc thù, vất vả, phức tạp, hiểm nguy lớn hơn rất nhiều.
Tôi nhìn ra cửa sổ. Sáng tháng Sáu mùa hè gay gắt nắng.
Bầu trời xanh trong như ẩn chứa những gì sâu thẳm. Ngày 21 tháng 6 đã đến thật rồi. Cái ngày khởi nguyên một lý tưởng tốt đẹp khi một người thanh niên “nghĩ khác” đã cho ra đời một tờ báo để vũ trang tư tưởng cho một dân tộc lúc họ còn chưa có cả vũ khí để đứng lên.
Dòng báo chí cách mạng đã ra đời trước cả khi Đảng ra đời. Cuộc sống vẫn vậy, không có nhận thức đúng thì chẳng làm nên nổi điều gì.
Không muốn nhắc lại những điều thị phi, nhỏ nhen nhưng dường như ánh mắt đồng đội từ bầu trời xa thẳm kia, từ biển xanh xiết gào sóng gọi như nhắc nhở chúng tôi, nên nói những điều cần nói.
Tôi sẽ không nói nhiều về những nhà báo nữa, mà muốn nói với nhiều người hơn về hai chữ: NGƯỜI LÍNH.
Mới ngày hôm qua thôi, trên mạng xã hội còn có bài viết của một nghệ sĩ ưu tú, một nhà thơ, một cán bộ quản lý văn hóa nói quân đội thời bình bây giờ điều kiện giàu lắm, nhiều tướng tá, oai phong lẫm liệt, lương cao, cao lắm!
Tôi muốn gửi tới nghệ sĩ vài con số sau:
Một sĩ quan để lên tới cấp bậc Thượng tá như anh Trần Quang Khải, thường phải trải qua gần 25 năm quân ngũ trở lên. Và dù anh có là phi công cấp 1, là lực lượng tinh nhuệ được quan tâm, đầu tư, hiện đại nhất thì thu nhập chính của người lính như sau:
1/ Lương cơ bản: Đây là thu nhập chính, được tính theo cấp bậc quân hàm. Hệ số lương cao cấp Đại Học với Sĩ quan như sau: Hệ số bảng lương sỹ quan hiện nay: Thiếu úy: 4,2; Trung úy: 4,6; Thượng úy: 5,0; Đại úy: 5,4; Thiếu tá: 6,0; Trung tá: 6,6; Thượng tá: 7,3; Đại tá: 8,0
Như vậy mức lương thượng tá cũng chỉ 7,3X1050.000 đồng là hơn 7,6 triệu đồng
2/ Phụ cấp thâm niên: Những người lên tới bậc quân hàm này phải trải qua trên dưới 25 năm quân ngũ. Mỗi năm thêm 1% lương cơ bản: Như vậy sẽ được cộng thêm trên dưới 2,5 triệu đồng nữa.
3/ Phụ cấp chức vụ: Vài trăm nghìn đồng.
4/ Phụ cấp đặc thù: Các phi công sẽ được hưởng thêm phụ cấp giờ bay, tùy theo bay loại máy bay nào, bay trên biển hay trên bờ mức phụ cấp sẽ khác nhau đôi chút nhưng cũng chỉ dao động thêm vài trăm nghìn đồng đến trên dưới 1-2 triệu đồng với mỗi phi công mỗi tháng.
5/ Ưu đãi tiền ăn: Phi công thường ăn theo định lượng Calo, trong hoàn cảnh hiện nay, mức ăn tương đương trên dưới 200 nghìn đồng/ngày nhưng họ phải ăn hết tại đơn vị, không được bớt hay không ăn. Anh nào nhà gần đơn vị, thứ bảy chủ nhật nghỉ cắt cơm về ăn với vợ thì may ra được lĩnh thêm khoản tiền chắc cũng khoảng hơn 1 triệu đồng.
Xích ma những khoản đó lại, tôi dám chắc thu nhập một Thượng tá không quân, phi công cấp 1 – người đã lên tới gần đỉnh cao nghề nghiệp phi công cũng chỉ trên 15 triệu đồng là cùng. Tuy nhiên, họ có được ưu đãi hơn so với nhiều lực lượng khác là sẽ được quan tâm nơi ăn ở.
Phần lớn phi công đều được quân đội bảo đảm về chế độ nhà ở, không đến mức Thượng, đại tá mà vẫn chưa được hưởng chế độ nhà ở là hiện tượng không hiếm ở rất nhiều đơn vị quân đội.
Trong khi đó, xin tạm so sánh thử với những đồng nghiệp của họ là phi công lái máy bay dân sự. Chẳng phải đâu xa, sớt google có ngay. Báo điện tử VTC News ngày 12/1/2015 đăng bài “Chi tiết bảng lương mới của phi công Vietnam Airlines” cho biết lương phi công hãng này dao động từ 121.25 triệu đồng đến 177 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, theo Báo Người lao động ra ngày 12/1/2015, nhiều phi công của Vietnam Airlines đang bức xúc vì chính sách tiền lương không công bằng. Cùng một vị trí, trình độ nhưng lương của phi công nước ngoài cao gấp hơn 4 lần.
Chỉ cần so sánh như vậy thì đã thấy, lương của phi công quân sự chỉ bằng 1/10 so với phi công dân sự.
Nhưng là người lính, họ luôn tự giác tuyệt đối phục tùng sự phân công của tổ chức, hầu như không có ai chuyển từ phi công quân sự sang phi công dân sự để được hưởng mức lương khủng cả.
Trong khi lao động trong môi trường quân sự đòi hỏi đặc thù, vất vả, phức tạp, hiểm nguy lớn hơn rất nhiều.
Chỉ riêng thực tế cũng đủ cho thấy phi công quân sự Việt Nam đều là những con người cao cả, những cánh chim đại bàng luôn hết mình vì nghĩa lớn, vì sự bình yên của bầu trời Tổ quốc.
Vì đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, họ chưa được hưởng những ưu đãi cao mà lẽ ra họ xứng đáng được hưởng.
Không riêng gì các phi công quân sự, hầu hết người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, cũng như vậy mà thôi. Người lính cần kiệm vượt qua khó khăn để tổ chức cuộc sống. Ngoài lương, họ hầu như không có một thu nhập nào khác.
Mới cách đây gần một năm, mấy tờ báo đưa tin “Bộ Quốc phòng đề xuất tăng lương gấp đôi cho quân nhân” và nhiều tờ báo còn dẫn lại, nhiều sỹ quan vui mừng sẻ chia đường link trên mạng xã hội. Nhưng là một nhà báo theo dõi Quốc hội thời điểm đó, tôi xin khẳng định rằng: Đó là một bài báo không đúng sự thật, không rõ lấy nguồn từ đâu. Thực tế, Bộ Quốc phòng chưa bao giờ có một đề nghị như vậy với Chính phủ và Quốc hội.
Tôi viết điều này không phải để ôn nghèo kể khổ, kêu ca mà muốn giúp mọi người có một cái nhìn chân thực về cuộc sống và thu nhập của người lính.
Thay cho bài viết này, tôi xin được trích một đoạn trong bài báo “Người phi công không về sẽ hóa sếu trắng bay cao” gây xúc động khi chạm tới trái tim hàng triệu người của Nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng biên tập Báo điện tử VTC News: “Trước hy sinh cao cả của anh mới thấy những chuyện kéo dài mãi không dứt về âm mưu, thủ đoạn tranh quyền đoạt chức hòng vinh thân phì gia trở nên thật tầm thường, nhỏ mọn. Tôi cứ ước, giá như họ biết được anh đã sống, đã chiến đấu và đã hy sinh anh dũng như thế nào cho Tổ quốc, chắc họ sẽ trở nên bớt tầm thường, nhỏ mọn hơn...”.
NGUYỄN VĂN MINH