Cuối tuần, em họ tôi mời đến mừng nhà mới. Trước khi đi, tôi cũng đắn đo vì ngại tụ tập đông người khi đang dịch dã như thế này nhưng rồi quyết định đến mừng vì hơn nửa đời tích cóp, vợ chồng em mới mua được căn nhà để ở.
Khi tôi đến nơi, nhà em họ tôi đã có rất đông người, chủ yếu là họ hàng bạn bè, có nhiều người ở quê lên. Nhìn thấy mọi người túm tụm trò chuyện, không một ai đeo khẩu trang, tôi cũng hơi hoảng. Khi thấy tôi chào hỏi mà vẫn đeo khẩu trang, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm.
Ở đám mừng nhà mới hôm đó, tôi như lạc lõng giữa đám đông gần 60-70 người, vì chỉ duy nhất tôi là người đeo khẩu trang, mọi người cười nói rôm rả, khiến tôi cũng cảm thấy ngại khi đeo khẩu trang nói chuyện trong hoàn cảnh như vậy.
Sau buổi mừng nhà mới, tôi thực sự thấy lo ngại, những người có mặt hôm ấy cũng từ nhiều địa phương, thậm chí cả những nơi đang có dịch, nếu chẳng may có người ủ bệnh thì nguy cơ lây lan sẽ rất khó lường. Mà lo hơn là hầu như trong số người đi dự tiệc mừng nhà mới hôm đó, không ai mảy may quan tâm đến dịch bệnh, họ cười nói, ăn chung, uống chung, ghé tai nhau thì thầm to nhỏ như chưa hề có dịch bệnh diễn ra…
Vẫn còn rất nhiều người, nhiều nơi vẫn thờ ơ với dịch bệnh.
Không chỉ riêng ở đám mừng nhà mới của em họ tôi mà trong thời gian vừa qua, khi đợt dịch thứ 2 bùng phát, vẫn còn rất nhiều người, nhiều nơi vẫn thờ ơ với dịch bệnh. Đến thời điểm này, ngay cả khi các ca mắc Covid-19 ngày càng nhiều, ở Hà Nội đã có 2 người mắc và tiềm ẩn nguy cơ cao trong cộng đồng thì tại nhiều khu chợ dân sinh, cả người bán người mua ít ai đeo khẩu trang. Người mua, kẻ bán thoải mái nói chuyện mà không hề có biện pháp nào phòng tránh dịch. Khi tôi hỏi một chị bán thịt mà tôi thường hay mua thì chị phân trần: “Đeo khẩu trang khó nói chuyện khó nghe dễ mất khách. Các hàng khác không đeo, mình đeo cũng chả tác dụng gì mà người mua lại ngại vào”.
Trên đường phố, ở các công viên, quán ăn, quán trà đá… vẫn còn khá nhiều các nhóm người tụ tập, thờ ơ với việc đeo khẩu trang. Điều này khác hẳn với hình ảnh thường thấy ở đợt dịch thứ nhất, người dân gần như tuân thủ chặt chẽ việc đeo khẩu trang, quy định về giãn cách, tiếp xúc nơi đông người. Và đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đẩy lùi dịch bệnh trong đợt dịch lần thứ nhất.
Điều dễ nhận thấy, sau gần 100 ngày Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng, nhiều người dân, nhiều cơ sở y tế đã có phần lơi lỏng trong công tác phòng chống dịch. Hầu hết ở các điểm tụ tập đông người, nhà ga, bến tàu, bến xe, nhiều người quên dần phản xạ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giãn cách. Nhìn hình ảnh ở sân bay mọi người ken cứng để làm thủ tục, hay ở các khu du lịch không còn chỗ chen chân thì mới thấy công tác phòng chống dịch của người dân lỏng lẻo, chủ quan đến mức nào. Thậm chí, nếu được nhắc nhở đeo khẩu trang ở những nơi này, nhiều người còn có phản ứng thái quá. Kể cả trong bệnh viện, việc kiểm soát người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang, việc kiểm soát nhiễm khuẩn cũng bị lơi lỏng.
Ý thức phòng chống dịch của người dân luôn là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Còn nhớ, khi dịch bùng phát ở Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh, dù Trung ương và thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, nhưng nếu mỗi người không tự giác thực hiện nghiêm thì rất có thể chúng ta sẽ thất bại.
Tính đến hôm nay, chỉ sau chưa đầy 10 ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng, số ca mắc Covid ở nước ta đã tăng khá nhanh, ở gần 10 tỉnh thành trong cả nước với hàng trăm ca nhiễm, trong đó có 6 ca tử vong. Đà Nẵng hiện đang được xem là “ổ dịch” với 174 ca bệnh và con số này dự báo vẫn tiếp tục tăng.
Hầu như các ca nhiễm ở nhiều tỉnh, thành ít nhiều đều có nguồn gốc lây lan từ Đà Nẵng. Trong khi đó, Hà Nội với số lượng người đi du lịch Đà Nẵng theo thống kê là 21.000, trong khi có nhiều người tự đi bằng đường bộ và với việc chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch thì nhiều người có thể không quan tâm đến việc khai báo hoặc có khai báo nhưng áp dụng các biện pháp tự cách ly, phòng chống cho bản thân và cộng đồng nhiều khi chỉ hình thức. Cùng với thực tế, việc giám sát, kiểm soát dịch ở nhiều cơ sở, địa phương hiện nay cũng chưa thực sự chặt chẽ, nhiều nơi cũng làm chiếu lệ do nhiều lý do như chờ hướng dẫn cụ thể, chưa có sự phối hợp hiệu quả với người dân, trong đó có cả tâm lý chủ quan cũng khiến công tác phòng chống dịch còn khó khăn.
Nhớ lại những ổ dịch bùng phát ở nhà thờ Tân Thiên Địa (Hàn Quốc) hay một số nơi khác cũng từ nguyên nhân tiếp xúc, tụ tập đông người mà không có những vật dụng phòng tránh dịch như khẩu trang, sát khuẩn thì những buổi mừng nhà mới, đám cưới, họp lớp, họp đồng hương… diễn ra trong thời gian gần đây, ngay khi đợt dịch thứ 2 bùng phát thì thật đáng lo ngại.
Theo các chuyên gia y tế, trong cộng đồng khả năng cao vẫn còn những ca nhiễm bệnh nhưng không xuất hiện triệu chứng và vẫn có thể lây cho người khác. Trên thực tế, bài học ở nhiều nước cũng đã minh chứng khi chủ quan, dịch bùng phát trở lại, lây lan mạnh và rất khó kiểm soát.
Trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, rất cần sự chung sức, đồng lòng của tất cả người dân. Mỗi người dân phải tự ý thức được việc phòng chống dịch là hành động thiết thực đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Và chỉ khi trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này, ai cũng ý thức được việc đeo khẩu trang, tự “giãn cách” ở những nơi đông người là việc làm cần thiết, không ai có cảm giác bị lạc lõng chỉ vì “đeo khẩu trang” thì khi đó nỗ lực của các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc phòng chống dịch mới thực sự có hiệu quả.
Vy An
Nguồn: vov.vn