Trong khi đang có một cuộc sống yên lành, nhiều người bỗng nhiên biến thành đứa con bất hiếu hay kẻ bắt cóc chỉ sau một tấm ảnh bị chụp cùng vài dòng status trên mạng xã hội.

 Đừng tiếp tay cho trò giết người không dao đáng ghê tởm trên mạng xã hội - 0

Cô gái bức xúc vì bị bịa chuyện đòi mẹ mua Vespa LX

Ngày 13/7, câu chuyện một cô gái khăng khăng đòi mua chiếc Vespa LX dù người mẹ nghèo khuyên chỉ nên mua xe máy khoảng 20 triệu được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn.

Theo lời kể thì câu chuyện này diễn ra tại một cửa hàng bán xe máy. Người mẹ với vẻ ngoài khá lam lũ, vất vả đưa cô con gái mình tới mua xe, nhưng trong lúc bà mẹ bảo con mua tạm chiếc xe nào đó tầm 20 triệu để đi thì cô gái nhất quyết lấy chiếc xe Vespa LX có giá hơn cả vài chục triệu.

Ngay sau khi chia sẻ, câu chuyện đã trở thành chủ đề bán tán trên khắp các diễn đàn mạng, cô gái trong ảnh bị gán với tội danh bất hiếu cùng những lời mắng chửi nặng nề.

Tuy nhiên, trước những tranh cãi, ý kiến tiêu cực trên mạng, cô gái xuất hiện trong bức ảnh trên buộc phải chính thức lên tiếng đính chính.

Cô gái này là Phạm Nga, sinh năm 1992, quê ở Thường Tín, Hà Nội. Phạm Nga kể, ngày 12/7, cô cùng mẹ đi mua xe tại một cửa hàng thuộc địa phận Thường Tín, Hà Nội. Nga cho biết, tại cửa hàng, chỉ có cô trao đổi giá cả cùng nhân viên bán hàng và sau đó truyền đạt lại thông tin cho mẹ nghe khi đã đạt được thỏa thuận.

"Mẹ mình không hề nói câu nào giống như chia sẻ trên mạng. Nội dung lệch lạc đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự của mình và cả mẹ nữa. Mình rất bức xúc, cả đêm không thể ngủ được, khóc rất nhiều. Đây là chiếc xe mình có đủ khả năng để mua và mua bằng tiền mồ hôi nước mắt", Nga chia sẻ.

Hai mẹ con khốn khổ vì câu chuyện "bất hiếu" trên facebook

Ngày 3/6, trên mạng xã hội, một chàng trai có nickname là M.Lê đã đăng tải 2 bức ảnh chụp lại cảnhhai mẹ con ở một hàng ăn vỉa hè cùng với những dòng chia sẻ: "Chiều buồn, đi mua bún riêu. Đắng sao, phận mẹ nuôi con không tiếc thứ gì, nhưng con gái lại tiếc mẹ tô bún riêu 20.000 đồng. Cụ già thì thào: Cho mẹ ăn một bát với. Con gái hét lên: Bà về nhà ăn cơm khi trưa còn đi. Cụ già im thin thít, thấy đắng lòng, muốn mời bà một tô nhưng nghĩ sẽ làm tình huống tồi tệ hơn. Đời nhiều người khổ quá. Bất hiếu là tội nặng lắm nhé mọi người!".

Câu chuyện về người con bất hiếu mà nam thanh niên M.Lê chia sẻ đã được gần 6.000 lượt share trên facebook.

Tuy nhiên sự thật hoàn toàn không đúng với những gì mà người thanh niên kia chia sẻ trên facebook cá nhân. Hai người trong ảnh là bà Lương Thị The (1944, tên thường gọi là bà Tư) trú tại quận Thủ Đức và cô Trần Thị Kim Nên (1974) - người con bị cư dân mạng lên án.

Khi được hỏi về câu chuyện trong quán bún vào ngày 3/6, bà The thật tình kể: "Tui đâu có biết gì đâu. Bữa đó con gái tui kêu tui ăn bún, mà miệng tôi bị đau nên không ăn, thế là tui ngồi chờ. Tự nhiên bữa sau nó nói là có người nói nó bất hiếu, chửi nó thậm tệ, lúc đó nó chỉ ăn bún chứ đâu có la mắng gì tui đâu".

Cô Nên, nhân vật người con gái bị cư dân mạng mắng chửi chia sẻ: "Chiều ngày 3/6, tôi chở má đi lên Ủy ban quận xin giấy phép sửa nhà cho ba má. Lúc đi về thì tôi có ghé vào quán bún riêu, má nói là má bị đau miệng không ăn, má còn nói là "con ăn đi má ngồi chờ". Thấy má ngồi chờ nên tôi tranh thủ ăn nhanh để chở má về. Lúc ăn xong tôi còn mua thêm hai phần đem về cho ba má".

Những lời bịa đặt trên mạng đã khiến cô Nên rơi vào tình trạng căng thẳng nặng vì sự việc được mọi người chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân phẩm của cô. Bạn bè và người thân đã ra sức động viên nhưng cô vẫn luôn cảm thấy buồn rầu về những dòng chia sẻ ấy.

Hai người phụ nữ bỗng nhiên bị ghép tội bắt cóc trẻ em

Đầu tháng 1/2016, trên Facebook của một người có tài khoản V.V.C xuất hiện tấm ảnh 2 phụ nữ đứng tuổi ngồi nhậu, hút thuốc kèm theo nội dung: "Đây là những người Trung Quốc bắt cóc trẻ em, ai thấy mong báo công an, mọi người chia sẻ để đề phòng". Chỉ trong vài giờ, thông tin nói trên được lan truyền một cách chóng mặt.

Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn trái ngược như vậy. Hai phụ nữ bị ghép tội bắt cóc trẻ em là bà Nguyễn Thị Ngà (51 tuổi) và Hồ Thị Tuyết Trinh (47 tuổi; cùng ngụ phường 1, quận 5, TP HCM). Bà Ngà cho biết tối 30-12-2015, bà cùng một số chị em trong xóm qua quận 8, TP HCM ăn tiệc.

Trong lúc ăn uống, cháu bé 9 tuổi tình cờ chụp hình bà và bà Trinh. Ngày hôm sau, mẹ của cháu bé đăng lên Facebook với câu nói vui: "Hai người phụ nữ bắt cóc trẻ em". Câu nói đùa bị nhiều người chia sẻ "thêm mắm dặm muối" với những tình tiết ly kỳ. Có người còn gửi lời bình: "Vừa bắt gặp 2 "nữ quái" cùng một bé trai trên đường Hồng Bàng… Đường dây này hoạt động chuyên nghiệp".

Theo bà Ngà, đến tối 16/1/2016, trong lúc bà chở cô ruột đi ngang qua ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (quận 1) thì bị 2 thanh niên chỉ tay vào mặt, la to cho nhiều người cùng nghe: "Hai người bắt cóc kìa". Bà Ngà vội vã thanh minh: "Không phải cô bắt cóc đâu con ơi". Trong lúc đó, người cô ruột của bà Ngà ngồi phía sau mặt tái xanh, miệng lắp bắp: "Không phải tôi! Không phải tôi". Hai cô cháu ngay sau đó rồ ga bỏ chạy trước ánh mắt nghi ngờ của người đi đường.

Bà Trinh cũng rất khổ sở vì mang tiếng bắt cóc trẻ em. "Sáng 17/1, tôi đến trường họp phụ huynh, phải lấy tờ giấy che nửa mặt để tránh đàm tiếu. Trong lúc họp, mỗi khi có phụ huynh nào nhìn, tôi cũng luôn tìm cách né tránh, cứ như mình là kẻ có tội".

Tự dưng mang... tiếng ác

Chỉ với vài dòng status cùng câu chuyện bịa đặt với mục đích câu like đã khiến rất nhiều người trong cuộc trở nên khốn đốn vì những tin đồn thất thiệt. Đáng nói việc này không chỉ xảy ra một lần, có trường hợp được đính chính song cuộc sống của họ không thể trở lại bình thường được, thậm chí có người còn mang tiếng ác suốt đời chỉ vì vài dòng thất thiệt.

Không chỉ vậy, những tin đồn sai lệch có nguy cơ dẫn đến hậu quả khôn lường. Một số người đang có cuộc sống hạnh phúc, yên ổn chỉ sau một đêm bỗng hóa thành kẻ ác, bị mọi người nghi ngờ, xa lánh.

Có trường hợp người phụ nữ đi ra đường luôn phải đeo khẩu trang bịt mặt vì sợ... bị đánh bởi nhầm người này là bắt cóc trẻ em dù thực tế không phải như vậy.

Nghiêm trọng hơn nữa là có những người dù một thời gian sau đó mọi việc đã lắng xuống nhưng cuộc sống vẫn bị ảnh hưởng phần nào.

Họ bị dồn vào bước đường cùng khi không thể tự giải oan cho chính bản thân mình, rồi tìm cách giải thoát như chạy trốn, tự vẫn... Vài thông tin trên mạng bị nhiều người share, lên án công khai dù chưa biết thực hư đã vô tình đẩy họ tìm đến cái chết.

Việc bịa đặt thành một câu chuyện hoàn toàn sai lệch về người khác, vu oan cho người vô tội thành bắt cóc trẻ em, người con bất hiếu chỉ để phục vụ mục đích tăng sub, tăng follow là mánh câu like mới rất độc ác của nhiều người sử dụng mạng xã hội bây giờ.

Không chỉ là những câu chuyện vô thưởng vô phạt, họ còn bịa đặt những chuyện khiến dư luận hoang mang, khiến cuộc sống người khác bị ảnh hưởng.

Mạng xã hội là ảo, nhưng những hậu quả nó gây ra cho cuộc sống con người là thật. Vì thế trước khi viết điều gì đó lên mạng xã hội, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng những điều mà mình chia sẻ. Đừng để một phút nông nổi của bản thân làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác.

Theo TRÍ THỨC TRẺ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC