Cuộc chiến Nói không với “đường lưỡi bò” tại nước ta cần được mở rộng hơn chứ không chỉ dừng ở việc không công nhận, đóng dấu hủy lên các hộ chiếu Trung Quốc có “đường lưỡi bò”.
Việc Tòa trọng tài quốc tế tuyên bố “đường chín đoạn” (“đường lưỡi bò”) của Trung Quốc không có giá trị thật sự khiến tất cả người dân Việt Nam đều thấy phấn khích.
Nói không với “đường lưỡi bò”
Thế nhưng cuộc chiến Nói không với “đường lưỡi bò tại nước ta, mà bắt đầu từ việc không công nhận, đóng dấu hủy lên các hộ chiếu Trung Quốc có “đường lưỡi bò” mà Tuổi Trẻ đã phản ánh dường như chỉ mới ngăn được một lượng nhỏ những tài liệu có đường lãnh hải tưởng tượng này.
Trên thực tế, không chỉ trên bản đồ rời, sách giáo khoa hay hộ chiếu mà “đường lưỡi bò” này vẫn hằng ngày xuất hiện ở nước ta thông qua các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đơn cử như các chuyến bay mà tôi đã đi với China Southern Airlines (từ Tokyo đi Quảng Châu và từ Quảng Châu đi Auckland), China Eastern Airlines (từ TP.HCM đi Thượng Hải và từ Thượng Hải đi Osaka), tất cả tạp chí trên máy bay của những hãng này đều có một góc khá to in rất rõ “đường lưỡi bò” với màu của chín đoạn lãnh hải phi pháp được tô đậm, rất dễ nhận ra và cũng rất dễ khiến hành khách hiểu sai, nghĩ rằng đây đúng là phần “lãnh hải” của Trung Quốc đã được công nhận.
Mỗi ngày có hàng chục chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc và hàng ngàn chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc đi đến các quốc gia khác, chở theo hàng trăm ngàn quyển tạp chí dành cho khách đọc trên máy bay. Tính toán nhanh cũng đủ thấy sẽ có rất nhiều hành khách đi máy bay sẽ đọc, xem được “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Việc cấm các hãng máy bay Trung Quốc không được đưa “đường lưỡi bò” vào tạp chí trên máy bay là việc dường như không thể.
Càng không thể cấm các hãng này bay đến Việt Nam. Vậy nên phải chăng chúng ta nên in sẵn các bản đồ có Biển Đông (thể hiện rõ là East Sea bằng tiếng Anh, chứ không nên ghi South China Sea) không có “đường lưỡi bò” phi pháp, phát miễn phí cho hành khách nước ngoài ngay tại khu vực làm thủ tục nhập cảnh ở tất cả các cửa khẩu hàng không, hàng hải, đường bộ.
Đồng thời, các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Jestar Pacific, Vietjet, VASCO cũng cần chú trọng, xem lại hình ảnh, bản đồ của Việt Nam và Biển Đông, chú thích rõ ràng các quần đảo, vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam - xem như một cách thể hiện hiệu quả với hành khách đi máy bay.
Còn với hành khách đi máy bay mà hay đọc tạp chí, xin đừng mang những quyển tạp chí của các hãng hàng không có in “đường lưỡi bò” trong đó về nhà (thường các hãng cho phép khách mang tạp chí máy bay về nhà), xem như một cách “nói không” với “đường vẽ tưởng tượng” của Trung Quốc, chứ đừng viết linh tinh hay xé toạc đi, người ta lại đánh giá dân mình vô văn hóa, hung hăng thì lúc đó còn nguy hơn!
NHẤT NGUYÊN (TP.HCM)