Sự im lặng mới đáng sợ nhất
Khi Bà Dương Thị Thu Trang, Chánh văn phòng Ban quản lý Khu kinh tế TP Hải Phòng, xả vào mặt người đi xe máy va quệt với ô tô mình "mạng người không quan trọng", chúng ta đã rất sốc.
Chúng ta còn sốc hơn khi một cô giáo tiếng Anh của một đất nước "thân thiện, hiền hòa" ngang nhiên chửi học sinh giữa lớp "không ai có thể biến mày từ con lợn thành con người được".
Rất nhiều bình luận cay đắng về cô giáo này theo hướng:
"trong cuộc này, không biết ai mới là người, ai là lợn".
Nhưng tất cả những mắng chửi ồn ào ấy, không thể gây sốc bằng sự im lặng của những người có trách nhiệm liên quan ở một đất nước luôn coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu", khi để GS Trương Nguyện Thành rũ áo ra đi.
Khi nóng giận và trịch thượng, bà Chánh có thể phạm lỗi khi nói "mạng người không quan trọng". Khi nóng giận, thiếu văn hóa và phi giáo dục, cô giáo bọ xít – bọ cạp có thể tự tát vào mặt mình khi nói học viên "não người không bằng não lợn".
Còn khi ai đó im lặng để một GS danh tiếng phải "tạm gác giấc mơ đóng góp cho đại học Việt Nam", khăn gói về xứ người, thì chẳng khác nào họ phát ra thông điệp "nhân tài không quan trọng", đi ngược lại khát khao tìm kiếm "nhân tài như lá mùa thu" của dân tộc. Sự im lặng ấy, đáng sợ hơn muôn vạn lời nói.
Bí thư tỉnh ủy có mệnh hệ gì và GS có mệnh hệ gì
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, con rể cố Tổng bí thư Lê Duẩn, là người chủ trương cải cách giáo dục từ 40 năm trước.
Nhưng GS Đại đã gần như đơn độc trong hành trình công nghệ giáo dục. Sau gần 40 năm, nhiều phần trong giải pháp của ông mới được áp dụng.
Ông cũng là người tiên phong phá bỏ cách ve vuốt, nịnh nọt lãnh đạo theo lối cũ, để tạo nhận thức mới, tư duy mới.
Nhiều năm trước, được mời vào Thanh Hóa nói chuyện về hình thành nhân cách, trước rất nhiều lãnh đạo, ông điềm nhiên bảo:
"Nếu như chẳng may đồng chí Bí thư Tỉnh ủy của chúng ta có mệnh hệ gì thì 10 phút sau có 10 ứng cử viên thay thế, còn anh Tấn (nhà sử học Hà Văn Tấn) bạn tôi đang ngồi kia có mệnh hệ gì xảy ra thì 10 năm sau chưa chắc đã có người thay".
Câu nói gây bão ấy, khiến cho người mời GS Đại về nói chuyện gặp rắc rối to với địa phương.
GS Đại nói rất chí lý, nhưng có lẽ chưa đủ.
Xét về mặt danh tiếng cá nhân, rất khó thấy một bộ trưởng ở một nước nghèo nào, có thể nổi tiếng toàn cầu như GS Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Đàm Thanh Sơn, Phan Đình Diệu…
Nhưng một bộ trưởng kiệt xuất, kể cả ở nước nghèo, vẫn có thể tạo cú hích để xuất hiện nhiều GS, TS thực, nhiều nhà khoa học giỏi, tiếp thêm động lực cho họ thăng hoa.
Những bộ trưởng uyên bác như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên; những bộ trưởng năng động, dám nghĩ dám làm như ông Trương Đình Tuyển, dù đương chức hay về hưu, vẫn được các nhà nghiên cứu, các GS nể phục.
Rất hiếm bí thư tỉnh ủy có thể nổi tiếng toàn Việt Nam được như GS Phan Huy Lê, nhưng một bí thư tỉnh ủy xuất chúng như Kim Ngọc – cha đẻ khoán hộ - thì lại có thể tạo cảm hứng và điều kiện cho nhiều GS thăng hoa.
Chính những người như Kim Ngọc đã giúp cho nhiều PGS, TS như thầy Văn Như Cương thoát khỏi cảnh "heo nuôi tiến sĩ" chứ không phải "tiến sĩ nuôi heo" trên căn chung cư cũ cũ nát.
Chuyến bay 20 tiếng và hành trình 20 năm
Rất khó so sánh vai trò của một GS giỏi và một bộ trưởng giỏi, bí thư tỉnh ủy giỏi, nhưng lại rất dễ so sánh giá trị của một GS như Trương Nguyện Thành với một bộ trưởng, bí thư thất bại, ôm ghế, lợi ích nhóm, bất tài…
Rất dễ để thấy một số quan chức chạy đua để có học hàm, học vị, chức danh TS, PGS, GS, nhưng thật khó thấy một GS, PGS, TS ở ngoài hệ thống, dù có khả năng quản lý tốt, được bổ nhiệm làm quan chức.
GS Đại cô đơn vì ông khác người, nói những điều đúng mà nhiều lãnh đạo không muốn nghe, thấy khó làm hoặc không muốn làm.
GS Trương Nguyện Thành cô đơn trong hành trình bước qua quy định lỗi thời, vì không được những người có trách nhiệm bảo vệ, níu kéo, tạo cơ chế.
Tôi đã đọc đi đọc lại một bình luận về việc GS Thành ra đi của người có tên Vanmay:
"Tôi đã khóc. Và tôi sẽ tìm cơ hội để bay sớm nhất có thể".
Phải mất 19 năm, từ khi sinh ra, từ một cậu bé làm ruộng, bán thuốc lá dạo, gia cảnh đặc biệt khó khăn, Trương Nguyện Thành mới đến được nước Mỹ năm 1980.
Phải mất 37 năm sau ông mới có cơ hội quay về Việt Nam với ước mơ cống hiến thực sự và trực tiếp. Và chỉ mất đúng 1 năm về Việt Nam, ông phải ra đi, gác lại giấc mơ dang dở.
Chuyến bay mang GS Trương Nguyện Thành về Mỹ chỉ mất hơn 20 tiếng, kể cả thời gian transit. Trường Đại học Mỹ cũng chả mất phút nào để nhận một người giá trị như ông quay trở lại.
Nhưng nếu không có ai níu kéo, với vết thương lòng đau đớn ấy của người ra đi, thời gian đủ để ông muốn quay trở về đóng góp cho đất mẹ có thể là 20 năm nữa (hoặc không bao giờ)?!
Các độc giả yêu quý, các bạn có thấy đau đến chảy nước mắt như tôi không khi đọc câu hỏi day dứt ấy?
Bùi Hải
theo Trí Thức Trẻ