Chẳng biết sự phân hóa giàu - nghèo ở VN bắt đầu từ lúc nào. Chỉ biết rằng nền kinh tế thị trường thời “mở cửa” mấy thập niên qua đã giúp cho cuộc sống của người Việt “dễ thở” hơn nhiều so với thời bao cấp.

 

Sự khoe khoang quá đáng, không đúng chỗ, chính nó sẽ tố giác cho thiên hạ biết bạn là người thuộc diện nào

Thậm chí giờ đây VN đã có triệu phú đô la và cả tỉ phú đô la, góp mặt vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Tất thảy những người Việt giàu có ấy đều là doanh nghiệp tư nhân “làm ăn nhỏ lẻ” từ thuở hàn vi để có cơ ngơi đáng nể như ngày hôm nay.

Làm giàu theo kiểu này rất đáng ngưỡng mộ.

Dân nhà giàu làm ăn chân chính vì thế có sắm chiếc xe sang, xây biệt thự giá triệu đô hoặc xây căn nhà to bằng dinh Thống Nhất ở TP.HCM hoặc dinh Thống đốc Bắc Kỳ ở Hà Nội thì cũng là lẽ thường tình, mừng cho họ.

Nhưng nếu bạn không thuộc giới “đại gia thứ thiệt”, chỉ là công bộc hưởng lương nhà nước mà lại “chơi sang” như đại gia thì có lẽ rơi vào những trường hợp sau:

  • 1. Trúng số độc đắc Vietlott.
  • 2. Thừa kế tài sản của cha mẹ, ông bà, dòng họ.
  • 3. Có mặt bằng cho thuê ở những vị trí đắc địa với giá vài chục ngàn USD/tháng.

Nếu không thuộc 3 dạng trên thì chắc rơi vào dạng thứ 4:

  • 4. Tham nhũng.

Nếu không thuộc diện công chức nhà nước (không có điều kiện để tham nhũng) mà giàu lên nhanh chóng thì:

  • 5. Buôn bán hoặc sản xuất ma túy.
  • 6. Cướp ngân hàng và cướp tiệm vàng.

Sở dĩ phải phân loại sự giàu - nghèo trong thiên hạ vì có một điều gì đó bất thường trong khối tài sản mà một số quan chức nhà nước đã “tậu” được. Nó hoàn toàn mâu thuẫn với đồng lương họ đang hưởng hằng tháng.

Ở TP.HCM, có một số người làm việc cho các công ty nước ngoài được trả lương cả trăm triệu đồng/tháng.

Trừ chi phí sinh hoạt này nọ, mỗi năm họ có thể để dành 1 tỉ đồng. Làm việc miệt mài 20 năm, họ có 20 tỉ đồng, đủ xây một cái “biệt phủ” như ở tỉnh Yên Bái.

Giàu - nghèo và sự khoe khoang lố lăng - 0

Khu đất và "biệt phủ" gây xôn xao dư luận của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trưởng tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý - Ảnh: Dân trí.

Đối tượng có mức lương “trong mơ” như vừa nêu chắc chắn không nhiều, còn đa phần công nhân - viên chức hưởng lương nhà nước may lắm chỉ dư chút đỉnh, có khi làm việc hết cả đời người đến lúc về hưu mà chưa mua nổi một căn hộ chung cư giá chừng 1 tỉ đồng.

Vậy thì lấy đâu ra tiền để xây “biệt phủ” 20 tỉ?

Người Việt chúng ta có rất nhiều “điểm yếu”, đại loại như:

“ăn nói ồn ào, ăn uống bừa bãi, ăn ở mất vệ sinh”…

Những đúc kết vừa nêu tôi đọc được trên một trong những tờ báo uy tín hàng đầu ở VN.

Nay có thể mạnh dạn bổ sung thêm một “điểm yếu” khác nữa:

bệnh khoe khoang, cái gì cũng muốn “trội” hơn thiên hạ.

Bệnh khoe khoang tương phản với tính khiêm tốn, tùy vào nhận thức của mỗi người mà bạn sẽ trở thành dạng nào.

Tôi quen một ông giám đốc công ty lữ hành tư nhân có tiếng tăm ở TP.HCM, không thuộc diện đại gia nhưng cũng khá giả, cho con học trường quốc tế với chi phí vài trăm triệu đồng/năm.

Có điều lạ là ông giám đốc này từ xưa đến nay vẫn chạy chiếc xe máy Honda cũ xì.

Hỏi sao không tậu xe hơi, anh ta cười:

“Tui dư sức mua vài chiếc ô tô nhưng chiếc Honda này gắn bó từ thuở hàn vi nên không bỏ nó được, vả lại ở Sài Gòn đi xe máy thấy tiện hơn”. Cũng có không ít “dân tỉnh lẻ” lên Sài Gòn mưu sinh, sống trong căn phòng trọ chật hẹp, thu nhập bấp bênh nhưng cũng ráng tậu cho được chiếc xe tay ga đời mới giá sáu, bảy chục triệu đồng để giựt le với thiên hạ, ra vẻ đại gia, cho “giống dân chơi Sài Gòn”.

Tôi không có ý đả phá ai, nhưng xin thưa với các bạn, dân Sài Gòn chính hiệu chẳng ai chơi ngông kiểu như vậy cả. Người giàu ở Sài Gòn rất nhiều.

Điều đó âu cũng dễ hiểu vì thành phố này là địa phương giàu nhất VN. Vì lẽ đó nên đi đến đâu cũng thấy nhà lầu và biệt thự triệu đô, thành ra nó chẳng khiến người ta “để mắt đến”.

Nhưng nếu cũng căn biệt thự triệu đô ấy bỗng dưng “mọc” lên ở miền đất nghèo nàn, tổng doanh thu hằng năm cả tỉnh gộp lại chưa bằng một phường của TP.HCM thì liệu có bình thường?

Hãy nhìn cuộc sống của đồng bào chung quanh mình ở vùng đất khốn khó ấy để soi rọi bản thân.

Sự khoe khoang quá đáng, không đúng chỗ, chính nó sẽ tố giác cho thiên hạ biết bạn là người thuộc diện nào.

Khi chợt “ngộ” ra một chân lý gì đó trong cuộc sống đầy rẫy sự bon chen này thì e rằng đã quá muộn.

“Lên đỉnh cao” hay “về vực sâu” chắc chắn đều do nhận thức và hành động của mỗi người mà ra.

 

Đoàn Đại Dương


 

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân ở TP.HCM. 

Nguồn: Báo Thanh Niên

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC