“Khi bạn đánh giá một người phụ nữ vì ngoại hình của người đó, nó không giúp mô tả người phụ nữ ấy mà đang mô tả chính bạn” – Steve Maraboli.
Và một nhà báo có nhiều nhận xét sắc sảo, được yêu thích trên mạng xã hội đã khiến cộng đồng phải “mô tả” lại anh bằng những ngôn từ không mấy tốt đẹp khi đưa ra những đánh giá về làn da của hoa hậu mới đăng quang.
Một nam ca sĩ trẻ vì bị chê bai về hình thức mà phải đi phẫu thuật lại hoàn toàn khuôn mặt. Sau khi trở lại với hình ảnh chuẩn kiểu diễn viên Hàn Quốc, cậu vẫn lại bị chê bai thậm chí nhục mạ vì “mặt đơ”, “mồm không khép lại được”… Một cô hoa hậu bị đem ra so sánh với cá dọn bể. Một cô khác mới đăng quang thì lại bị dè bỉu, xúc phạm thậm tệ vì màu da của mình.
Chưa bao giờ, sự nhẫn tâm của con người lại được công khai thể hiện ra nhiều như hiện nay. Có lẽ núp sau bàn phím và những trang mạng xã hội, người ta đã mất đi sự e dè và cả lòng trắc ẩn của mình để rồi thể hiện ra tất cả những ý nghĩ nên đáng bị giấu đi nhất.
Tân hoa hậu hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê vốn có làn da sẫm màu khỏe khoắn, được so sánh với sắc đẹp của nữ diễn viên Mỹ Halle Berry, lại bị một nhà báo thóa mạ bằng những ngôn từ thiếu văn hóa về màu da của mình. (Ảnh: hairstylestars.com)
Người ta có thể lên án thực trạng xã hội, lên án hành vi xấu xí, đó là nhu cầu thể hiện quan điểm và có thể khởi tác dụng tốt cho xã hội.
Thế nhưng nếu nó xúc phạm hay gây tổn thương nào đó cho người bị bình phẩm thì cũng là một điều không thể tồn tại trong một xã hội văn minh.
Vậy mà họ còn có thể bình luận và thóa mạ về hình thức của bất kỳ ai họ thấy không đúng theo quan niệm về cái đẹp của mình. Đó là một việc làm vô lý và có tính kỳ thị nhưng lại đang rất phổ biến trong xã hội ngày nay.
Nó đã trở thành một hiện tượng mang tên Body Shame, được hiểu đại khái là sử dụng khuyết điểm cơ thể của một người nào đó để hạ thấp bản thân họ và làm trò cười chế giễu. Theo từ điển Macmillan, body shaming (động từ của Body Shame) là hành động chỉ trích một ai đó dựa theo kích thước cơ thể của họ, thường quá béo hoặc quá gầy.
Hiệp hội Tâm lý Mỹ định nghĩa rằng body shaming là cảm xúc tiêu cực từ việc so sánh bản thân với một tiêu chuẩn văn hoá nào đó. Thậm chí chính bạn cũng có thể đang lạm dụng Body Shame nếu như bạn cảm thấy mình quá gầy để diện một bộ cánh thời trang nào đó, không tự tin khi gặp bạn học lâu năm sau khi vừa sinh em bé xong, hay tự đánh giá, so sánh hình thể của mình với người mẫu, diễn viên trên tivi.
Ngay ở cả những nước phương Tây, vốn coi việc đánh giá và tỏ ra quan tâm tới hình thể của người khác là bất lịch sự, thì Body Shame cũng đã lên tới mức báo động và người ta đã phải có những “chiến dịch” lên án, tẩy chay.
Và nạn nhân thường là những người nổi tiếng, hoạt động trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật.
Những “ngôi sao” như Taylor Swift, Lady Gaga, Ariana Grande, Gigi Hadid vẫn hay bị cười cợt vì thân hình phẳng lì, béo xệ, chiều cao khiêm tốn hay nhiều nốt ruồi.
Ở Hàn Quốc, tình trạng này còn diễn ra theo chiều hướng tiêu cực hơn khi người dân có quan điểm về cái đẹp rất kiên định và khắt khe.
Ví dụ như tiêu chuẩn về gương mặt nhỏ khiến người ta luôn so sánh mặt của các nghệ sĩ với đủ thứ dường như chẳng có chút nào liên quan, như với cái muôi, ly mỳ ăn liền hay chiếc bánh rán… Và từ đó, thủ thuật gọt cằm, gọt xương hàm, hút mỡ… để làm mặt nhỏ đi trở thành điều bình thường ở xứ sở kim chi.
Hoa hậu hoàn vũ lúc đăng quang (Ảnh: saostar)
Hay dù bạn cao bao nhiêu thì đã là con gái, phải có cân nặng dưới 50kg.
Sự ám ảnh về cân nặng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến chính những cư dân mạng ở đây phải thốt lên rằng: “Sao đất nước chúng ta cứ phát cuồng vì những thứ vô nghĩa thế nhỉ?”.
Con người vốn luôn đề cao cái đẹp, nhưng cái đẹp hình thức dần trở nên quan trọng hơn cái đẹp từ nội tâm, bởi nó không cần quá tinh tế, hiểu biết để cảm nhận.
Tôi phải mất vài lần tiếp xúc mới có thể nhận ra sự tự tin, cởi mở và nhân hậu của cô bạn mới quen, nhưng chỉ cần ngay từ cái nhìn đầu tiên cũng có thể kết luận được cô ấy có mái tóc dài bóng mượt dịu dàng hay không, có làn da trắng như sứ mềm mại hay không. Và đôi khi thậm chí cái ấn tượng bề ngoài còn làm chệch hướng khả năng đánh giá nội dung con người của họ khi ta đã hình thành định kiến.
Bạn đã bao giờ thấy hơi ngạc nhiên một chút khi biết một cô gái mập mạp, chắc khỏe với làn da bánh mật, tóc rễ tre luôn túm cao, đi đứng nặng nề lại rất dịu dàng, ngọt ngào và tinh tế trong lời ăn tiếng nói và cách đối nhân xử thế?
Đôi khi chúng ta bị hình thức đánh lừa. Và chúng ta cũng có thể đã không ít lần làm người đối diện chạnh lòng vì sự quan tâm thiếu ý nhị hay những câu chuyện làm quà cho không khí thêm thân mật của mình.
- “Phải ăn uống tử tế vào, con gái con lứa qua tuổi dậy thì rồi mà như con cá mắm thế kia!”
- “Mầm tình nổi loạn nhiều thế, xem chữa trị thế nào đi chứ”
- “Mông lép thế này thì sau khó đẻ rồi”
- “Đã lùn còn mặc cái áo dài ngoằng thế!”
Hay so sánh, đánh giá hình thức của người khác sau lưng họ:
- “Chị vẫn còn đẹp chán, bà Ngân bên kế toán mới gọi là béo kìa!”
- “Khổ thân anh Tài, đi cạnh vợ trông cứ như con chuột đi với con voi ấy nhờ!”
Đôi khi chúng ta bị hình thức đánh lừa. Và chúng ta cũng có thể đã không ít lần làm người đối diện chạnh lòng vì sự quan tâm thiếu ý nhị hay những câu chuyện làm quà cho không khí thêm thân mật của mình. (Ảnh: Viva)
Chúng ta đang trở thành nô lệ của hình thức, của những quan niệm về cái đẹp.
Nếu chẳng may bản thân không thỏa mãn được những tiêu chuẩn về cái đẹp đó thì chúng ta sẽ khó chịu, tìm mọi cách để cải thiện và che giấu khuyết điểm, thậm chí chịu đau đớn, tốn kém tiền của để phẫu thuật thẩm mỹ.
Còn nếu người khác không đủ tiêu chuẩn đẹp thì chúng ta lại so sánh, vô tình tạo thành áp lực cho họ.
Và thậm chí có những kẻ còn dè bỉu, chà đạp lên hình thức của người khác như thể họ là tội đồ, chỉ vì họ gây ra cảm giác hụt hẫng, không thỏa mãn trong một cuộc thi sắc đẹp nào đó.
Ai cũng có thể chọn làm người tử tế hay không, nhưng không thể chọn được hình hài mình được sinh ra sẽ như thế nào.
Vì thế trước khi so sánh, đánh giá hay bôi nhọ, chế giễu người khác vì hình thức của họ, chúng ta hãy lựa chọn để không bị người khác đánh giá lại. Và ít nhất, cũng nên nhớ bài học luôn luôn đúng của cổ nhân: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.
Nhà văn người Nga Anton Chekhov trong bức thư gửi anh trai, một họa sĩ nghiện rượu nặng đã đưa ra những đặc điểm của một người có giáo dục, trong đó có đoạn rằng:
“Những người có giáo dục trân trọng tính cá nhân, do đó luôn rộng lượng, nhẹ nhàng, lịch sự, nhường nhịn… Họ không phát khùng lên vì mất cái búa hay cái tẩy, nếu sống với ai đó thì họ không coi đó là sự ban ơn, còn nếu ra đi họ sẽ không nói rằng ‘chẳng thể sống với các người’. Họ bỏ qua cho sự ồn ào, cơn giá lạnh, miệng thịt rán quá lửa, các câu nói đùa cũng như sự có mặt của người lạ tại nhà của họ…”.
Thế nên, là người có giáo dục, chắc không ai lại tức tối vì màu da bánh mật khỏe khoắn của cô gái dân tộc thiểu số giữa rừng các cô gái trắng nõn vì truyền thuốc và tắm trắng.
Lại càng chẳng bực bội vì những điều cha sinh mẹ đẻ ra người ta đã có mà chẳng thể thay đổi.
“Họ không ba hoa, không giãi bày tâm sự nhất là khi người khác không yêu cầu. Tôn trọng người khác, họ thường im lặng nhiều hơn…”. Vậy nên chắc họ cũng không lên mạng xã hội nhận xét, bày tỏ quan điểm khi không ai cần họ làm vậy, đặc biệt là việc xúc phạm đến người khác.
Ranh giới giữa tự do biểu đạt và sự lộng ngôn rất mong manh.
Một lời phán xét cảm tính, thiếu khách quan và không dựa trên sự Thiện lương biểu hiện bằng việc nghĩ tới người khác, sẽ luôn là miếng mồi ngon cho những lời phán xét khác kéo tới. Tu dưỡng lời ăn tiếng nói của mình, cũng chính là giữ gìn cho bản thân mà thôi.
Nguồn: Thuần Dương
DKN.TV