Thời buổi thi ca ế ẩm, hầu hết các nhà thơ nước Nam đều phải tự bỏ tiền túi ra in tác phẩm rồi chật vật mang thơ đi… tặng mãi mới hết.

 Cộng đồng mạng sôi sùng sục

Khi mới đọc được tin tôi đã lấy làm mừng bèn giật ngay một status trên facebook AI BẢO THƠ LÀ RẺ? Ngày xưa cụ Nguyễn Bính đã từng chua chát viết “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi bạc lắm con”. 

Câu ấy của cụ lạc hậu rồi nhé. Thi sĩ thời nay hoàn toàn có thể trở thành… tỉ phú! Nhưng rồi tôi đã vội vã xóa status đó đi khi đọc được những “câu thơ” trong tập.

“Đừng bao giờ mong đợi/ Người khác yêu thương mình/ Mà hãy tự tôn vinh/ Trân trọng mình trước đã.”

“Dù có quan hệ rộng/ Có rất nhiều bạn bè/ Nhưng lúc bị ngã xe/ Chỉ mình con đau đớn.”

“Khi đời lắm kẻ dối gian/ Thì ta cần phải khôn ngoan với đời/ Chớ có mà vội tin người/ Nhất là ai đó buông lời ngọt ngon.”

“Thế gian có kẻ dối lừa/ Cái gì chưa rõ thì chưa tin dùng.”

Thế gian có  kẻ hám tiền/ Vì tiền hại cả mẹ hiền cha yêu/ Vì tiền làm giả nói điêu/ Vì tiền bất chấp mọi điều xấu xa.

Có quýt lại muốn có cam/ Con người luôn sẵn cái tham trong lòng.

Xã hội có kẻ đầu bò/ Ngang nhiên cướp giật bày trò hại ta/ Thế nên khi ra khỏi nhà/ Học cách ứng phó để mà phòng thân”…

Chết chết! Thơ thế này mà giá thế ư?

Hùa nhau thổi sách dở lên mây - 0

Tập thơ được mua bản thảo giá 500 triệu đồng

Sự nghi ngờ của cộng đồng là hoàn toàn có lí. Bởi cho đến nay bằng chứng về thương vụ đình đám này chỉ là vài... đoạn chat và bức ảnh chụpLễ kí kết quyền sử dụng tác phẩm có ghi số tiền 550 triệu đồng do chính tác giả công bố.

Những thứ này vô thưởng vô phạt, không mang giá trị pháp lí.Không chỉ riêng tôi, nhiều facebookers cũng đã tỏ ra nghi ngờ.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy viết “Anh Hoàng nửa tỉ ơi, đề nghị anh chìa cái hợp đồng bán thơ 550 củ đi”. 

Nhà văn Nguyễn Đình Tú viết: Nguyễn Huy Hoàng cẩn thận với cơ quan thuế đó nha. Họp báo ầm ĩ thế này rồi, cơ quan thuế họ sẽ tìm đến "thu đúng, thu đủ" đấy. 

Còn nhà thơ Bùi Hoàng Tám thì giật một status đầygiễu nhại AI BẢO NHÀ THƠ LÀ KHỔ? với những dòng: “Mấy hôm nay, làng thơ xôn xao chuyện một tập thơ được mua bản thảo với giá 500tr VND. Thế mà cứ bảo nhà thơ là nghèo, là khổ. Nghèo nà thía lào? Khổ nà khổ thía lào? Láo!”

Thánh nổ và chiêu trò PR của nhà sách?

Trả lời báo chí, Nguyễn Huy Hoàng cho biết 550 triệu đồng không phải là cái giá cao nhất dành cho tập bản thảo mang tên Quà cho con.

Trước khi anh đồng ý bán bản quyền cho nhà sách Tân Việt thì đã có một tập đoàn lớn họp hội đồng quản trị tới ba lần để thương lượng mua tập bản thảo với giá… 3 tỉ. Nhưng giống như cách nói các nhà buôn cây cảnh, anh... chưa muốn bán. Khiếp!

Anh còn tiết lộ, “Trong quá trình đi tìm nhà phát hành thật sự phù hợp để phát hành 100 bài thơ này thì có một số nhà sách đã tìm đến tôi và trả giá khá cao. Họ bảo, sẵn sàng cam kết in 50.000 bản đầu tiên, phần trăm nhuận bút là 14 - 15%. Có nhà sách còn bảo sẽ dịch ra tiếng Anh để phát hành quốc tế.”

Đọc những lời tự bạch của Nguyễn Huy Hoàng quả là choáng váng!

Một số facebookers với cái nhìn tiêu cực thì cho rằng việc mua bản quyền tập thơ này là một hình thức hối lộ của doanh nghiệp với cơ quan quản lí vì nghe đâu Nguyễn Huy Hoàng là Thư kí Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tôi rất không muốn tin vào nhận định này, bởi nếu thực sự là hối lộ thì cả hai bên phải “ỉm” đi, chứ ai lại “khua chiêng gõ trống” như thế.

Tôi nghiêng về giả thiết đây là chiêu trò PR.

Thời buổi thị trường các nhà sách đều có chiến lược quảng cáo sản phẩm theo cách của mình. Và nhà sách Tân Việt đã “làm theo cách của mình”.

Việc “thổi giá” lên mức cao khó tin ngay lập tức thu hút giới truyền thông. Hàng chục bài báo với những cái tít “Giật mình với tập thơ dạy trẻ con được trả giá 3 tỷ”, “Tập thơ được trả giá khủng”, “Tập thơ tiền tỉ”, “Sốc với thơ nửa tỉ”, Choáng với Quà cho conhơn nửa tỉ”…

Chỉ trong vài ngày tập sách Quà cho con đã “sốt xình xịch”. “Tập thơ nửa tỉ” hiện đang là từ khóa hot trên công cụ Google, chỉ sau 0,28 giây đã cho ra kết quả gần 100.000 tìm kiếm. Đúng là chả có cách quảng cáo nào bằng.

Việc các tác giả và nhà sách sử dụng PR để được biết đến, để bán được sách là một khát vọng cháy bỏng.

Chả thế mà có một vị tiến sĩ đã phịa ra giai thoại được… thánh hiện về nhập vào người nên trong một đêm ông đã viết được hàng trăm bài “thơ thần phật” xứng đáng… giật giải Nobel để lòe độc giả.

Còn các nhà sách thì thường dùng chiêu úp úp mở mở rằng cuốn sách này cuốn sách kia sắp bị thu hồi vì nó dữ dội quá, nhạy cảm quá, nếu không mua ngay sách sẽ bị cấm và tiêu hủy...

Thế nên Nguyễn Huy Hoàng có bắt tay với nhà sách Tân Việt sử dụng chiêu thức “thổi giá sản phẩm” đến mức… khét lẹt nhằm gây sự tò mò chú ý của độc giả và các tờ báo đói tin “giật gân” cũng là điều dễ hiểu.

Ảo tưởng hay dã tâm?

Ở “cường quốc thi ca” của chúng ta ai cũng có quyền làm thơ. Ở mỗi nhà thơ dù ít hay nhiều đều nuôi trong mình sự ảo tưởng “văn mình vợ người” đáng yêu vô hại.

Nhưng Nguyễn Huy Hoàng không bằng lòng dừng ở mức đó.

Anh tự nhận mình là người không ảo tưởng về tài năng. Có xếp thơ anh xuống hạng bét cũng được. Việc sáng tác của anh là bắt đầu từ một lần công tác sang Nhật.

Qua tìm hiểu anh được biết đất nước Mặt trời mọc mấy chục năm về trước đã bỏ công sưu tầm những bài thơ dạy kĩ năng, cho in rồi phát tới từng gia đình, nhờ thế mà hình thành một nền văn hóa Nhật Bản như bây giờ.

Chính điều này anh đã thôi thúc anh phải viết và chỉ trong ba tháng anh đã hoàn thành 100 bài thơ với nguyện vọngmuốn phổ biến những bài thơ này ra cộng đồng.”

Vậy là Nguyễn Huy Hoàng không có sự ảo tưởng nhỏ. Anh chỉ nuôi… một ảo tưởng lớn.

Và anh đang dùng mọi cách để biến cái ảo tưởng ấy thành hiện thực. Thế thì vấn đề không còn nhỏ nữa rồi.

Trong cuộc họp báo rùm beng với sự có mặt của nhiều quan chức và nghệ sĩ tên tuổi được tổ chức ngày 25/5 vừa qua, bà Nguyễn Kim Thoa, Phó Giám đốc Công ty Tân Việt tuyên bố “Chưa bao giờ thị trường xuất bản Việt Nam có một cuốn sách độc đáo đến thế. Quà cho con được viết với mục đích giáo dục con trẻ toàn diện về nhân cách… Đây là cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống bằng thơ đầu tiên ở Việt Nam.

Một vị thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu“ Quà cho concủa tác giả Nguyễn Huy Hoàng đáng để cho tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ suy ngẫm và hành động... 

Có bài làm cho bạn giật mình vì sự chân thành, có bài cho bạn thêm động lực, ý chí và truyền sức mạnh tiến lên. Có những tình huống khó, chưa biết cách ứng xử thế nào, đọc Quà cho con có thể giúp bạn giải quyết”.

Đọc phát biểu của vị lãnh đạo cơ quan quản lí văn hóa, tôi thực sự hoang mang. Lẽ nào họ không có khả năng thẩm định?

Hay vì một lí do nào đấy mà ông cố tình nói trái với suy nghĩ của mình?

Bởi những câu trong tập Quà cho con như những câu nói hàng ngày ta vẫn nghe ở các quán nước vỉa hè được tác giả nhặt nhạnh rồi xếp theo kiểu vần vè. Nó vừa kém cỏi về mặt thẩm mĩ, vừa tệ hại về mặt nội dung.

Nhiều Facebookers đã bày tỏ thái độ trên trang của mình với những câu“Cười rụng răng khi đọc Quà cho con”, “Chỉ cần đọc một câu trong Quà cho con là… ngất!”, “Đừng gọiQuà cho con là thơ mà xúc phạm thơ”

Trang Linh, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội đã bức xúc viết: “Thơ gieo vần như vịt. Giá trị giáo dục như điên (đọc xong là con mình biến thành Tào Tháo, thế gian xung quanh biến thành tiểu nhân hết).”

Không phải như phát biểu chủ quan của bà Phó Giám đốc công ty Tân Việt rằng Quà cho con“là cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống bằng thơ đầu tiên ở Việt Nam.” 

Có lẽ bà không chịu đọc nên không biết rằng trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có hàng ngàn câu dành để dạy dỗ trẻ em về kĩ năng sống từ cách đi đứng, ăn ngủ cho tới nói năng, học hành, nói năng...

Các cụ đã dành những câu vô cùng giản dị nhưng sâu sắc và chan chứa tình cảm để dạy con cái về đức hiếu thảo, lòng nhân từ, hành xử tương thân tương ái, tin yêu con người, tin yêu cuộc sống…

Trải qua hàng ngàn năm kiến tạo mới có nền văn hóa Việt Nam như hiện nay. Vậy mà Nguyễn Huy Hoàng đã làm trái với truyền thống, đem những câu “được gọi là thơ” viết bằng thế giới quan u ám để “dạy” trẻ em tính nghi kị, ích kỉ, cảnh giác, thu mình…

Sách luôn được ví là món ăn tinh thần. Một món ăn vật chất dở chỉ làm hỏng một bữa tiệc. Nhưng một cuốn sách dở sẽ làm hỏng cả một thế hệ. Điều này hẳn các vị quản lí văn hóa, các nhà xuất bản đã thuộc nằm lòng.

Vậy mà họ đã dã tâm hùa nhau “thổi” một cuốn sách dở lên mây. Với chiến dịch PR ấn tượng và tốn kém này chắc chắn nhà sách Tân Việt sẽ bán được Quà cho con với số lượng khủng.

Một khi hàng vạn phụ huynh và các cháu thiếu niên nhi đồng đinh ninh rằng Quà cho con là “cẩm nang sống” để học theo thì mối nguy hại khôn lường. Nó không chỉ kéo tụt trình thẩm mĩ thơ ca mà còn làm méo mó băng hoại đạo đức những tâm hồn trong trẻo của thế hệ mai sau.

Báo Văn Nghệ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC