Đó là giai đoạn mà cô cho là cay đắng nhất của đời giáo viên. Cô gọi đó là những ngày “ngậm miệng để được ăn phấn”.

 

Mới đây, trong một hội nghị về cơ chế dân chủ trong nhà trường, sau khi nghe báo cáo về một số vụ việc tai tiếng liên tiếp của những cơ sở giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: Những trường hợp vi phạm dân chủ trường học như vậy có phải là phổ biến?

Đại diện lãnh đạo ngành giáo dục lập tức trả lời rằng đó chỉ là thiểu số. Một câu trả lời kinh điển.

Và ngay lập tức, câu trả lời “thiểu số” gặp phản ứng trái chiều từ những chuyên gia giáo dục có mặt tại hội nghị.

Tất cả đều quá biết rằng, hình ảnh người giáo viên cứng cỏi, khẳng khái lên tiếng trước cái sai, cái xấu trong bộ máy giáo dục là quá ít ỏi - chứ không phải là tiêu cực trong ngành giáo dục ít ỏi.

Cuối năm ngoái, tôi cố gắng thuyết phục một nhà giáo làm nhân vật cho chương trình đàm luận trên truyền hình về chủ đề tiêu cực trong giáo dục, tôi có cuộc trò chuyện với một cô giáo đã hơn 20 năm trong nghề. Chính xác là 21 năm, bởi đó cũng là năm cuối cùng trước khi cô quyết định nghỉ dạy.

Tôi đề nghị được nghe những chuyện bức xúc nhất, những trang chưa bao giờ được lật mở với ai trong cuốn sổ đời nhà giáo của cô.

Chậm rãi, và rụt rè cô kể, không quên dặn đi dặn lại rằng không được tiết lộ danh tính của cô.

“Tại sao vậy, đằng nào thì cô cũng sẽ nghỉ cơ mà?” – tôi thắc mắc.

“Bởi vì nhiều đồng nghiệp của tôi còn tiếp tục dạy, và tôi sợ những điều không hay sẽ xảy đến với họ”.

“Điều không hay” nhất mà cô giáo ấy e ngại, đó là mếch lòng hiệu trưởng, từ đó các giáo viên liên quan sẽ gặp khó khăn khi đứng bục, còn bản thân cô sẽ không còn giữ được mối giao hảo với đồng nghiệp bao năm.

 Khi các giáo viên ngậm miệng để được ăn phấn - 1

Trong các câu chuyện của cô, người hiệu trưởng nhà trường hiện lên như một vị vua quyền uy.

Còn những nhà giáo, thì không gì hơn là những triều thần lấy việc tận tụy và tận trung làm chân lý. Bởi vì quyền lợi của họ, từ thứ nhỏ nhặt nhất, đều được quyết định bởi hiệu trưởng.

  • Được đứng giảng hay chỉ làm các việc giáo vụ văn phòng? - Hiệu trưởng quyết.
  • Được phụ trách chủ nhiệm hay chỉ là giáo viên bộ môn? - Hiệu trưởng quyết.
  • Được đứng lớp bao nhiêu buổi, thời gian eo hẹp hay phân bổ hợp lý? - Hiệu trưởng quyết.
  • Được ký hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn? - Hiệu trưởng quyết.
  • Được tạo điều kiện khi mang thai, sinh nở, hay “du di” khi gia đình có hoàn cảnh khó khăn? - Hiệu trưởng có thể châm chước.

Và ước mơ lớn nhất của người giáo viên: được vào biên chế - thì hiệu trưởng cũng đóng vai trò rất lớn trong việc tác động đến quyết định của phòng giáo dục địa phương.

Đó tất nhiên là ẩn ức của riêng cô - một người giáo viên ở một ngôi trường cụ thể.

Bởi vì tôi đã đi tìm hiểu: về mặt lý thuyết, cơ chế dân chủ trong trường học được thiết kế rất tỉ mỉ.

Một hiệu trưởng, có nhiệm kỳ, và chỉ được bổ nhiệm lại thông qua ý kiến của chi bộ và Hội đồng Sư phạm trường.

Mà các cuộc lấy phiếu tín nhiệm còn rất ngặt nghèo, hơn cả bầu cử, phải đạt được ít nhất là 2/3 phiếu.

Trong cái cơ chế lý tưởng ấy, mà không có dân chủ, thì phải hỏi tại sao các thày cô không lên tiếng?

Câu chuyện trở nên rõ ràng hơn, khi nhà giáo ấy kể với tôi về công việc mưu sinh của mình.

Để đảm bảo cuộc sống, mỗi buổi chiều, sau khi rời bục giảng, cô mặc nguyên bộ áo dài ấy phóng đến một cơ sở kinh doanh.

Tại đó, trong bộ áo dài kinh điển của giáo viên, với kỹ năng giao tiếp mềm mỏng hòa nhã, cô đóng vai một nhân viên lễ tân cho đến hết buổi tối.

Cô im lặng không đổi lấy gì khác, ngoài việc còn được đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho học trò.

Tà áo dài cao quý của một nhà giáo trên bục giảng cũng lại chính là tà áo dài của một nhân viên lễ tân nơi buôn bán - hình ảnh ấy có lẽ đã nói lên nhiều điều.

Về đời sống của người giáo viên, và động lực để họ thực thi các cơ chế dân chủ trường học.

Tôi đã phải nghe quá nhiều cuộc tâm sự chua chát từ các giáo viên, từ trung học đến mầm non, về quyền lực của người đứng đầu, về những việc cần im lặng bất thành văn.

Trong vụ việc cô hiệu trưởng trường Nam Trung Yên (Hà Nội) cho taxi đi vào sân trường làm gãy chân học trò, nhưng phiếu thăm dò lại cho kết quả 100% ý kiến giáo viên và học sinh khẳng định không có vụ việc, là một minh chứng cho quyền lực không định danh của hiệu trưởng.

Tôi tự hỏi, sự dân chủ trong nhà trường ấy ở đâu và hiện tượng tiêu cực có phải là “thiểu số” như câu trả lời của quản lý ngành?

Nguồn: GIA HIỀN
VNEXPRESS




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC