Công nhận ở xứ Bình Định đất võ, quê hương Quang Trung, tòi đâu ra một ông bí thư liều thật.
Ông dám cả gan cam kết về môi trường thay cho các ông chủ đầu tư giấu mặt.
Đã thế lại cam kết trật, nhà máy thép nào mà chả xả nước thải ra môi trường với chi phí cả nửa tỷ mỗi ngày, cái chống là chống nước xả thải độc hại môi trường thôi.
Chẳng biết xuất phát từ đâu ông “nhẩy xổ”vào việc chuyên môn mà nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như vậy?
Ông nói ông chịu trách nhiệm nếu “đám” sản xuất thép Long Sơn làm ô nhiễm môi trường ư?
Vậy ông có cái gì đáng giá ngoài các chức bí thư tỉnh uỷ để “chịu trách nhiệm”?
Năm nay ông 56 tuổi, 4 năm nữa về hưu, trong khi nhà máy thép chưa vận hành.Lúc nó vận hành xả thải hại môi trường thì ông rung đùi phủi tay: tớ còn cái chức nguyên bí thư đấy, các cậu cứ cách cái chức nguyên ấy đi cho sòng phẳng.
Là người lãnh đạo Bình Định suốt mấy chục năm, từ huyện lên tỉnh, từ phó chủ tịch tỉnh lên chủ tịch rồi bí thư, hơn ai hết ông rành về các giá trị tài nguyên thiên nhiên của Bình Định.
Và đương nhiên ông quá rành muôn cách thức chào đón đầu tư, dự án, mô hình phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy ông nghĩ rằng mình không hề “liều mạng” làm thay công việc ông chủ tịch Phạm Anh Tuấn khi tiếp xúc Dân Lộ Diêu.
Trong việc để ông bí thư hăng hái quá mức lấn sân chủ tịch- đại diện thẩm quyền nhà nước, ông Tuấn khó bị trách vì ông là thứ trưởng bộ TTTT phụ trách bưu điện, quê Hà Tĩnh, mới được điều động về Bình Định, biết mô tê gì cái đại dự án nấp chờ thời bao lâu nay ở vùng biển này.
Nhưng nói thế, chứ mọi hậu quả xảy ra với dự án thép, ông Tuấn biết đâu phải lãnh đủ. Vì về pháp lý mọi chữ ký sẽ là của ông, chứ ông bí thư Dũng người cam kết chịu trách nhiệm kia đâu có giấy trắng mực đen cái chữ ký nào?
Bút sa gà chết? Ai chết?
Dân Lộ Diêu chúng tôi không muốn dời đi
Nhưng trong hai ông ai chết mặc các ông.
Điều quan trọng nhất cái dự án thép Long Sơn lợi chưa biết vào túi nhà nước hay không chứ chắc chắn hơn 500 hộ Dân đang làm ăn sinh sống ở vùng biển Lộ Diêu trù phú, tươi đẹp này phải tha hương không biết chốn nào là mất mát đầu tiên đã.
Theo một chuyên gia từng cộng tác nhiều năm với Nhật sản xuất thép thì một nhà máy sản xuất khoảng 5 tr tấn thép/ năm hiện đại, công nghệ tiên tiến chỉ cần tối đa 40 ha mặt bằng.
Vậy tại sao nhà máy Long Sơn này cũng chỉ sản xuất 5 tr tấn/năm lại cần đến 500 ha mặt bằng và đuổi hết Dân đi?
Mất mát thứ hai là vùng biển đẹp tuyệt vời Lộ Diêu sẽ không đến được cái tương lai là khu du lịch biển hiếm có, đem lại các giá trị vô cùng lớn và lâu dài cho Dân Bình Định cũng như Dân Lộ Diêu.
Sau đó mới tính đến hậu quả nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường.
Ông bí thư Dũng chỉ mới cam kết chịu trách nhiệm cái phần ô nhiễm này thôi do tin vào lời đường ngọt của nhà đầu tư(nghe nói vốn là nhà sản xuất xi măng, chưa có nhà máy thép nào được đảm bảo). Trong khi đó hai cái tổn hại chắc chắn xảy ra trước mắt và lâu dài thì ông Dũng không hề đả động đến.
Dự án thép Long Sơn đã bị Dân một nơi từng đặt dự án chống đối quyết liệt nên phải dời chỗ khác.
Chỗ khác có rất nhiều ở Bình Định thích hợp sản xuất thép mà không ảnh hưởng Dân cư, cảnh quan du lịch, tại sao lại cứ phải chọn Lộ Diêu?
Hy vọng lần này trước phản ứng của dư luận và Dân Lộ Diêu dự án thép này sẽ đến nơi thích hợp với nó.
Lưu Trọng Văn