Mấy ngày nay, nhìn vào những tấm hình vụ nổ và tai nạn thảm khốc, tôi thường tự hỏi: Khoảnh khắc ngay trước khi ánh chớp định mệnh giáng xuống ấy, những nạn nhân đang nghĩ gì?
Rất có thể, bà mẹ bán trứng và công chúa 7 tuổi mặc áo hồng đi qua khu Văn Phú, đang khẽ hát bài “Ba ngọn nến lung linh” trên chiếc xe máy cũ, trước khi tiếng nổ hủy diệt tất cả.
Rất có thể, công chúa 7 tuổi , đội chiếc mũ len hồng ở Ái Mộ, Gia Lâm, đang “mặc cả” với ông nội chiều đón về nhà sớm, thì cú đạp ga điên cuồng của gã rửa xe vừa nốc rượu, đã cắt đứt tất cả.
Rất có thể trong đầu những người đi trên cầu Gềnh, Đồng Nai hôm qua, đã hiện hữu một bữa trưa đầm ấm, trước khi chiếc xà lan lạnh lùng đâm họ rơi xuống dòng sông chảy xiết.
Rất nhiều người vô tội đã bị cướp đi mạng sống một cách oan ức như thế.
Thế nhưng, trong quan niệm xã hội, dường như cái chết ấy là định mệnh họ phải chịu, không thể nào đổi khác: “Số đã chết thì ở trong nhà cũng chết”.
Làm người Việt thì phải chấp nhận?
Cách đây ít lâu, tôi đặt hàng TS Lê Hồng Giang (Giang Le), một chuyên gia kinh tế sắc sảo, viết về chuyện du học sinh nên ở lại nước ngoài hay về Việt Nam làm việc. TS Giang cáo lỗi.
Ông bảo không nghĩ được cái gì mới hơn so với nhiều ý kiến đã đăng đàn. Thay vì viết bài dài, ông chia sẻ lại một ghi chú ngắn từ 5 năm trước:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Tôi làm cùng một anh người Đức và một anh người Nga. Hỏi họ hay về nước không, cả hai đều nói chẳng hứng thú quay về quê cũ dù vẫn còn cha mẹ họ hàng ở đó.
Hỏi họ có hay đọc báo, theo dõi tin tức từ Đức, từ Nga không, cả hai đều nói chẳng quan tâm. Hỏi họ có bắt con cái nói tiếng Đức, tiếng Nga ở nhà không, cả hai đều nói tùy chúng nó.
Đúng là làm người Việt là một định mệnh”.
Lẽ nào, đã làm người Việt, thì nhất định phải chịu phán xét?
Lẽ nào, làm người Việt thì phải chấp nhận sống chung với những điều không thể thay đổi?.
“Định mệnh” của người du học: Muốn phát triển đến đỉnh cao thì hãy ở lại nước ngoài, đừng về Việt Nam?
“Định mệnh” của người tham gia giao thông: Phải chấp nhận chuyện mình có thể trở thành 1 trong số 24 người Việt, mỗi sáng đi ra khỏi nhà và không bao giờ trở về?
“Định mệnh” của cô bé Lan Vi 16 tuổi ở Đăk Lăk bị gẫy chân sơ sơ, là là phải cưa cụt chân?
“Định mệnh” của nữ bệnh nhân 49 tuổi gãy chân ở Đà Nẵng, là phải chết, sau khi mổ?
“Niềm vui của họ thật ngây thơ, ngớ ngẩn và độc ác”
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, thấy “lạnh buốt, buồn bã và hoang mang” khi đi ngang qua Văn Phú, nơi vừa xảy ra vụ nổ khủng khiếp.
Tôi cứ nhìn mãi vào cái thi thể bé xíu mặc áo hồng của bé Quỳnh, 7 tuổi. Giờ này, lẽ ra con đã có một cặp kính cận mới. Chuyến đi khám mắt cùng mẹ của Quỳnh đã trở thành chuyến đi định mệnh vì sự vô trách nhiệm và ngu xuẩn của người khác.
“Tôi có cảm giác bất cứ lúc nào cũng có thể phát nổ ở đâu đấy. Bất trắc khủng khiếp. Con người Việt Nam vẫn chỉ nghĩ đến việc kiếm ăn.
Họ có thể làm bất cứ thứ gì để sống hoặc kiếm tiền: Dùng thực phẩm thiu thối, độc hại, cạy cả ray tàu hỏa để bán, cưa cả bom mìn, đâm chém nhau khi tranh giành một chỗ bán hàng, lừa lọc nhau như đa cấp;
Họ dùng tre gỗ thay cốt thép cả ở những công trình lớn, mua đồ phế thải của nước ngoài để ăn hoa hồng…
Sau gần nửa thế kỷ chiến tranh, hỏi có bao nhiêu người Việt Nam nghĩ đến hưởng thụ một cuốn sách, một bản nhạc, một bộ phim, một bảo tàng, một vườn hoa… Một đời sống như vậy chưa phải là một đời sống.”
Khi ca sĩ Trần Lập nằm xuống sau 4 tháng chiến đấu với ung thư, nhiều người dần nhận ra rằng: Cái ‘định mệnh” cướp đi cuộc sống của Lập, cũng đang đe dọa rất nhiều người.
Hai tháng trước, Phạm Hoàng Nam, đạo diễn Liveshow “Đôi bàn tay thắp lửa” đã kể cho Trần Lập và cộng sự một câu chuyện về sự nực cười của “định mệnh”:
“Ông trồng chè khoe với bạn là họ đang uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán.
Bà bán rau cũng hân hoan nói với gia đình là người nhà được ăn rau ở khu trồng sạch, khu phun nhiều thuốc là để bán; Ông bán thịt lợn cũng vậy…
Niềm vui của họ thật ngây thơ, ngớ ngẩn và độc ác. Họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt. Họ uống trà nhà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác…
Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi…”
Thay đổi “định mệnh”
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đưa ra một con số ám ảnh: Đến năm 2035 (50 năm sau Đổi Mới) mức độ thịnh vượng của người Việt chỉ bằng 1/3 Singapore năm… 2011.
Tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm… 2011.
Nhiều năm trở lại đây, người ta hay nói về tụt hậu kinh tế. Tụt hậu kinh tế rất đáng sợ, nhưng tụt hậu về đạo đức, nhân tính, nhiều khi còn đáng sợ hơn.
Có ai thống kê là đến 2035, đạo đức xã hội, nhân tính tụt hay tăng bao nhiêu bậc so với năm 2011?
Sẽ chẳng phải khóc thương Trần Lập sớm thế, nếu những người nông dân không hoan hỉ một cách “ngây thơ, ngớ ngẩn và độc ác” khi “bảo vệ” được gia đình mình bằng những luống rau sạch trồng riêng, rau bẩn mang bán.
Những người như bà Tuất (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng sẽ tránh được “định mệnh” có tới 5 con và chồng phải chết vì ung thư, nếu chính quyền có trách nhiệm hơn nữa trong việc cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Ai thống kê là mỗi năm, xuất hiện thêm bao nhiêu Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, và những vụ thảm sát?
Ai ghi chép mỗi năm có bao nhiêu người vong mạng, què cụt vì mang bom ra để cưa mạng sống của chính mình và đồng loại?
Người Việt hay xúc động và phẫn nộ với hành động của kẻ khác, nhưng lại ít tự răn mình và phê phán mình.
Ai cũng có thể chửi rủa những tài xế xe điên, nhưng không ít người muốn đi tắt để có chiếc bằng lái và vẫn thản nhiên cầm vô lăng sau khi đã bá vai bá cổ ma men.
Ai cũng có thể nhỏ nước mắt, nhưng thử hỏi mấy năm qua, đã có mấy người đấu tranh khi nhìn thấy những vật “nguy cơ chết người” bị cưa ở khu Văn Phú?
Khi Trần Lập và cộng sự của anh làm Liveshow “Đôi bàn tay thắp lửa”, điều họ muốn không chỉ là âm nhạc, gây quỹ mà còn để thức tỉnh nhân tính, thay đổi định mệnh: Đồng bào đừng kiếm sống bằng mọi giá, đừng vô cảm, đừng đầu độc lẫn nhau nữa.
Lập không thay đổi được định mệnh của chính mình, nhưng anh chứng minh rằng, ngay cả khi một người nằm xuống, họ cũng có thể “truyền lửa” cho nhiều người khác.
Định mệnh nằm trong tay mỗi người.
Đừng chỉ kêu gào xã hội thay đổi trong khi chính mình dậm chân tại chỗ, bàng quan và vô cảm.
Theo Trí thức trẻ