Khi sống ở môi trường xã hội phải chứng kiến quá nhiều hành động không trung thực trong cuộc sống, rất có thể chúng ta trở nên lãnh cảm, hay tệ hơn là hòa vào dòng chảy ấy nếu “hệ miễn dịch” không đủ mạnh.
1. Câu chuyện về Siêu thị đặc biệt ở Đức
Ngày cuối tuần, người bạn ở ngoại ô thành phố Passau (phía đông nam nước Đức) rủ tôi đi mua bí đỏ ở “siêu thị ngàn sao”.
Tên gọi thế nào thì “siêu thị” thế ấy: bí chất thành nhiều đống ngay bên vệ đường, không hề được che chắn, một bên là cánh đồng cỏ xanh mướt, một bên là con đường nhựa vi vu xe cộ lại qua. “Nhân viên thu ngân” là hai hộp sắt có khe để cho tiền vào.
Tuyệt nhiên không còn ai khác!
Giá bí tính theo trái, tùy loại và kích cỡ mà có giá từ 70 cent đến 5 euro (19.000-135.000 đồng/trái).
Khách hàng chọn bí, tự cộng tiền rồi cho đúng số tiền đó vào khe của hộp sắt (hộp này không có chức năng thối tiền).
Có lẽ nhiều bạn đọc đang có cùng câu hỏi: chủ nhân mớ bí đó không sợ bị khiêng mất cái hộp tiền hay bị chôm chỉa bí sao?
Thật ra ngay bên dưới hộp đựng tiền có dòng chữ cảnh báo: “Chú ý, có camera giám sát. Những hành vi trộm cắp sẽ bị phát hiện”.
Song, có người vui tính đã cố ý đi tìm xung quanh xem camera đặt ở đâu giữa đồng cỏ mà tìm mãi chẳng ra.
Kiểu bán hàng này còn được áp dụng cho cả hoa, chỉ khác đôi chút là hoa vẫn đang bén rễ trong lòng đất, người mua tự nhổ cả cành rồi tự tính, tự trả tiền.
2. Khi mua hàng kiểu này, khách hàng không chỉ cảm thấy cực kỳ thoải mái mà còn ngầm hiểu rằng người bán hàng đang đặt niềm tin vào lòng trung thực của mỗi người.
Tất nhiên, những rủi ro như khách hàng trả không đúng số tiền, hay thậm chí chẳng trả đồng nào là điều khó tránh khỏi triệt để.
Song, không vì số ít “xấu xí” mà những nông dân chăm chỉ lại “kết liễu” cách bán hàng độc đáo mang đậm dấu ấn ruộng đồng ấy.
Về phần siêu thị, hầu hết siêu thị tại Đức không giữ túi xách của khách, cũng không có đội ngũ bảo vệ túc trực.
Có những sản phẩm được bày ngay trước cửa - nơi tấp nập người qua lại.
Sẽ thật hời hợt nếu chỉ nghĩ rằng làm như thế khác nào tạo điều kiện cho kẻ gian, mà quên màng đến ẩn ý của niềm tin vào đa số đàng hoàng.
Một điểm bán bí bên vệ đường tại thành phố Passau (Đức). Vì không có bất cứ nhân viên bán hàng nào nên khách hàng tự chọn bí, tự tính tiền rồi cho đúng số tiền ấy vào hộp đựng tiền - Ảnh: Võ Văn Dũng
Cũng lại chuyện liên quan tính trung thực, tại Đức (và có lẽ cũng ở rất nhiều nơi khác) khi ai đó chẳng may va quẹt xe người khác mà không có chủ xe ở đó, họ sẽ tự động kẹp lên xe tấm danh thiếp hay mẩu giấy chứa thông tin liên lạc để thực hiện đền bù.
3. Nhiều người hoặc công khai hay lén lút tè bậy, đổ rác, hút thuốc nơi có bảng cấm; lăm le vượt đèn đỏ khi không thấy công an; hôi của người bị nạn; dùng khổ nhục kế lợi dụng lòng trắc ẩn; sở hữu bằng cấp giả - năng lực giả lại tha thiết chức vụ thật...
Dường như chỉ số cảnh giác tỉ lệ nghịch với chỉ số bình an và niềm tin vào sự tử tế của con người.
4. Khi một người thầy người Đức của tôi sắp có chuyến công tác đầu tiên ở TP.HCM, ông đã hỏi các sinh viên Việt Nam về những món ăn nên thưởng thức, những nơi nên đến trong dịp cuối tuần...
Sau khi tư vấn, các bạn trẻ Việt Nam không quên cung cấp một loạt bí quyết cảnh giác kẻ gian: đi trên đường nhớ đeo chéo túi xách, hạn chế nghe điện thoại di động - nếu có nghe thì nhớ không đứng sát vỉa hè, vừa nghe vừa quan sát xung quanh; đến nơi đông người coi chừng bị móc túi - rạch giỏ...
Thật đáng buồn. Điều đó có thể làm hạ nhiệt niềm mến thương với nơi ta đang sống, thất thoát niềm tin ở những điều tốt đẹp, trì hoãn ta nồng ấm với người dưng.
Cảnh giác với sự gian trá vốn dĩ là điều cần thiết.
Song, sẽ thật đáng lo ngại khi cảnh giác lấn át cả niềm tin.
Bên cạnh việc có những biện pháp giám sát, trừng phạt thích đáng những hành vi thiếu trung thực làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, có lẽ cũng cần lắm sự mạnh dạn để tạo ra những phép thử lòng trung thực như “siêu thị ngàn sao” đã nhắc đến ở trên?
Cần thử để khẳng định ta vững lòng tin cái xấu là thiểu số, để tạo ra những trải nghiệm giao dịch thú vị và ấm áp, để lòng trung thực và cái tốt được thực hành thường xuyên bằng những việc giản dị.
Những thùng trà đá miễn phí bên vỉa hè, những bảng chỉ đường nguệch ngoạc viết tay ở một góc phố, những quán cơm 2.000 đồng... phải chăng là những đốm lửa xuất phát?
Nguồn: VÕ VĂN DŨNG (CHLB ĐỨC)
Báo Tuổi trẻ cuối tuần