Giáo dục phổ thông là chọn lọc những giá trị tinh túy của dân tộc và nhân loại đã được minh định để đưa vào cho học sinh học như những món ăn bổ dưỡng để các em phát triển lành mạnh. Mà những giá trị đó mang bản chất là Chân, Thiện, Mỹ, Ích. Sao lại mang cái linh tinh từ cuộc sống nhố nhăng vào bài học?

Lâu nay trên mạng xã hội, nhiều ý kiến phê phán, tranh cãi về Sách giáo khoa (SGK) Cánh Diều. Tôi không ý kiến gì vì không có cuốn sách nào trong tay, cũng chả đi mua sách làm gì, vì không có cháu nào là học sinh.

1 Mang Cuoc Song Vao Bai Hoc  Dua Bai Hoc Vao Cuoc Song Triet Ly Giao Duc Vo Van

Nay đọc báo Tiếng Dân thấy bài của Mai Bá Kiếm: “Không có triết lý về ‘trí dục’ và ‘đức dục’ thì đừng viết sách giáo khoa”! Tôi thấy tác giả phê phán một số điểm trong SGK Cánh Buồm là đích đáng.

Nhưng tôi chú ý đến cái slogan trên “biển quảng cáo”: “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”, trong buổi GS Nguyễn Minh Thuyết trình bày gì đó.

Tôi tìm trên mạng thì thấy VOV quảng cáo: “Đây cũng là bộ sách giáo khoa duy nhất đến lúc này được tổ chức biên soạn theo hình thức xã hội hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng xuyên suốt của bộ sách là ‘Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống’.

Tôi xin nói ngay cái “Tư tưởng xuyên suốt của bộ sách” là “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống” là sai căn bản, rất nhảm nhí. Từ cái “tư tưởng xuyên suốt” tào lao nên sách mới lắm chuyện nhảm nhí như nhiều người đã phê phán. Tôi tin rằng cái “tư tưởng xuyên suốt” đã vớ vẩn thì trong sách hẳn còn nhiều cái nhăng nhít nữa.

Cái câu này là thó từ câu của Đảng: Đưa cuộc sống vào Nghị quyết và đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Tưởng trưng cái khẩu hiệu của Đảng ra thì sách đặc quánh “tính đảng”, chả thằng nào, con nào còn dám chê nữa. Nhưng chính cái đó mới dẫn đến sai lầm căn bản.

Đảng quen làm Nghị quyết duy ý chí, trong phòng máy lạnh, quan liêu, nên nay mới nhấn mạnh “phải đưa cuộc sống vào Nghị quyết” cho sát với đời sống xã hội; xong rồi phải tuyên truyền, vận động, chỉ đạo quyết liệt để “đưa Nghị quyết vào cuộc sống”, như Nghị quyết về “phòng chống tham nhũng tiêu cực” chẳng hạn. Khẩu hiệu của Đảng như vậy cũng còn có lý.

Còn “mang cuộc sống vào bài học” là cuộc sống nào? Cuộc sống xã hội ngày xưa thì lạc hậu, cuộc sống xã hội hiện tại thì hỗn độn, đầy những cái nhố nhăng… Mang cái gì vào?

Giáo dục phổ thông là chọn lọc những giá trị tinh túy của dân tộc và nhân loại đã được minh định để đưa vào cho học sinh học như những món ăn bổ dưỡng để các em phát triển lành mạnh. Mà những giá trị đó mang bản chất là Chân, Thiện, Mỹ, Ích. Sao lại mang cái linh tinh từ cuộc sống nhố nhăng vào bài học?

Rồi “đưa bài học vào cuộc sống” là ai đưa? Đưa vào cuộc sống nào? Láu cá. Đảng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thì đây “đưa bài học vào cuộc sống”? Nghe ghê chửa? Bắt học sinh lớp Một “đưa bài học vào cuộc sống” xã hội à?

Cuộc sống của xã hội người lớn là sản xuất, buôn bán, chiến đấu, cạnh tranh, họp hành, yêu đương, tình dục, lừa lọc, đấu đá, đàn áp, bắt bớ, xét xử… Đưa những cái này vào bài học à? Rồi bắt trẻ em đưa những bài học đó vào cuộc sống này à?

Trẻ em có cuộc sống riêng của nó. Ngay ở gia đình cũng thường bảo, trẻ con ra ngoài kia chơi để người lớn nói chuyện.

Ở các nước văn minh, nhà trường là thế giới riêng của trẻ em; cuộc sống của học sinh là học hành, vui chơi, giao tiếp, ăn uống, sinh hoạt được tổ chức phù hợp với mỗi lứa tuổi để các em được sống tươi vui và phát triển tự nhiên, lành mạnh theo lứa tuổi của mình, trong môi trường văn hoá học đường.

Các hàng quán cấm không được bén mảng trước cổng trường; những sinh hoạt nhậu nhẹt, karaoke, cà phê đèn mờ, cá độ… của đời sống xã hội phải tránh xa đời sống nhà trường. Học sinh dưới 18 tuổi cấm bén mảng đến cửa hàng thuốc lá, bia, rượu; nhòm ngó vào những chỗ “đèn mờ”, “đèn đỏ” là xấu hổ, phải tránh xa. Các chương trình Tivi, thông tin trên mạng internet, người ta luôn có thông báo, cái gì không nên cho trẻ em xem.

Trẻ em là trẻ em; trẻ em có cuộc sống riêng của trẻ em, sao lại đi bắt chước Đảng: Tư tưởng xuyên suốt của bộ sách là “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”? Nhảm nhí, vớ vẩn!

Giáo dục có nghĩa là gia đình, nhà trường, xã hội phải biết tổ chức cuộc sống của trẻ em mang tính giáo dục. Cuộc sống của trẻ em là ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, vui chơi, giao tiếp, học hành, tập luyện… tất cả đều chứa đựng nội dung giáo dục; tức là hướng dẫn học sinh hiểu biết và làm những cái đó cho đúng, cho đẹp, thành thục theo những chuẩn mực văn minh. Giáo dục chính là cuộc sống của học sinh, còn “mang vào”, “đưa ra” gì nữa? Đừng ngụy biện nữa!

Giáo dục vừa bảo đảm cái chung phù hợp với mỗi lứa tuổi trẻ em, nhưng lại phải tôn trọng đặc điểm của mỗi cá nhân để mỗi em phát triển, lớn khôn trở thành chính mình. Mỗi cá nhân là một cá thể độc đáo, có một không hai (trừ những em sinh đôi cùng trứng). Bắt em này phải “phấn đấu” giống như em kia, không được sống cuộc sống thực là mình, đó là dã man, vô nhân đạo. Xin các vị phụ huynh và các nhà giáo nhớ cho!

Người lớn đừng có “mang” ý muốn chủ quan của mình áp đặt vào trẻ em, rồi bắt trẻ em “đưa” cái mình muốn vào “cuộc sống”. Hạnh phúc của trẻ em là, mình có thế nào (dù khuyết tật, kém thông minh) thì từ đó mình phát triển lên, thấy mình khôn lớn, trưởng thành, thích ứng được với đời sống xã hội đương thời, đó là hạnh phúc. Chưa hẳn một học sinh xuất sắc toàn diện, cháu ngoan Bác Hồ rồi sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn một học sinh trung bình toàn diện.

Giáo dục là đem lại hạnh phúc cho mỗi trẻ em. Dù con nhà nghèo hay trẻ khuyết tật, nhưng được giáo dục mà thấy mình được tôn trọng, được khôn lớn lên, trưởng thành lên. Đó là hạnh phúc của đứa trẻ.

Cầu xin các bậc cha mẹ, các nhà quản lý giáo dục, các nhà viết sách, các thầy, cô đừng vì cái tham, sân, si của người lớn mà làm khổ trẻ em! Xin đừng tước đoạt tuổi thơ của con em chúng ta!

PGS Mạc Văn Trang




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC